Monday, September 21, 2020

“Kỷ Niệm Buổi Họp Mặt lần Thứ 7 (ngày 30-4-1995) của nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản niên khóa 1968-1975”


Kính thưa quý Thầy cô và các bạn,

Hôm nay tôi xin giới thiệu cuồn phim tài liệu phóng sự đặc biệt “Kỷ Niệm Buổi Họp Mặt lần Thứ 7 (ngày 30-4-1995) của nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản niên khóa 1968-1975” được tổ chức tại phòng truyền thống của trường xưa.

Đây là lần họp mặt rất quan trọng đánh dấu 20 năm, nhóm chúng ta rời trường (1975-1995) và cũng là 20 năm tên trường PTG đã hoàn toàn bị xoá mất thay thế bằng tên của Cựu học sinh Thầy giáo Liệt sĩ Châu Văn Liêm ở Ô Môn.

Nhiều vị Thầy thâm niên như Lâm Văn Ba, Trần Trúc Sơn và thầy Giám Thị Trương Văn Hòa đã vĩnh viễn ra đi sau lần hội ngộ đó, nhưng hình ảnh, tiếng nói  của các Thầy vẫn còn được ghi lại qua video kỷ niệm này.

Xin cám ơn bạn Nguyễn Văn Quyền đã gởi cuồn video này qua đường bưu điện đến tay tôi (năm 1995) và tôi còn gìn giữ cho đến ngày hôm nay (25 năm sau) để “số hóa” (digitalize) tài liệu này và thân mến gởi đến quý Thầy Cô và các bạn qua kênh Youtube.

Trong tất cả các lời phát biểu của buổi họp mặt này, đáng chú ý và cảm động nhứt là bài thơ của Thầy Lê Văn Quới ưu ái viết tặng cho nhóm môn sinh chúng ta. Tôi xin chép lại như sau:

CHỈ CÒN LẠI TRONG TÔI

Tuổi 50 – có nhiều đêm mất ngủ 

Trăn trở chuyện ngày qua – thao thức chuyện bây giờ

30 năm giữa đời – lãng đãng một cơn mơ

Trong chớp mắt biết bao là biến huyển

 

Cái thực, cái hư tháng ngày ẩn hiện

Mình tự hỏi mình – còn lại gì đây?

Địa vị, tiền tài trắng lắm đôi tay

Mắt xanh trắng ai liên tài, biệt nhãn!

 

Chỉ còn lại trong tôi – như những tia lửa sáng

Sáng trong đêm mất ngủ đến nao lòng

Nhớ cái thuở vào đời mắt sáng lòng trong

Tình sư đệ sao mà cao đẹp quá!

 

Nhớ   ĐỨC, nhớ   QUYỀN, nhớ   HỒ, nhớ   KHẢI

Nhớ   SƠ, nhớ   HỪNG, nhớ   THUẬN, nhớ   LIÊM

Chỉ gợi một,  sao hiện về rạng rỡ

Chỉ nhắc 1 người - lại ngập biển yêu thương!

 

Tưởng chỉ giấc mơ – đâu ngờ lại thực

Hạnh phúc biết bao – khi mỗi năm 1 cuộc tao phùng

Mỗi năm – tóc có thể bạc nhiều hơn, mắt có thể mờ hơn

Và có thể mỗi năm, một số người lại vắng

 

Nhưng có hề gì - lẽ dinh hư tiêu trưởng

Khi mỗi lần chia tay – lòng lại sáng trong hơn

Khi mỗi lần chia tay – giữ lời hẹn keo sơn

Hẹn tai ngộ bên chiếc nôi tình nghĩa

 

Vì chính nơi đây - tất cả chúng ta

Đã bắt thời gian quay ngược

Ngồi bên nhau

Cùng hát

Nhìn nhau cười

Nghe nhau nói

Chuyện cổ kim hòa điệu thắm tình!

 

Vì có trở lại nơi này

Ta mới gặp lại chính ta

Mới sống thực giữa đời nhiều mộng mị

Mới thấy những trái tim tưởng khô cằn bỗng dưng trẻ lại

 

Xin cảm ơn các em!

Xin cảm ơn các em!

Đã cho tôi một hạnh phúc tuyệt vời

Ấm nồng tình sư đệ xanh tươi!

 

Cần Thơ ngày 30-4-1995

GS Lê Văn Quới

 

 


 

 

Sunday, August 30, 2020

 

Tưởng-Niệm GS PHÙNG-QUANG-LỘC (1937-2016)
Thanh Khải·Monday, 22 April 2019·48 minutes139 reads
Suốt 7 năm theo học ở trường Trung Học Tổng Hợp Phan Thanh Giản Cần Thơ từ năm 1968 đến năm 1975, đã có nhiều Thầy Cô vẫn lưu lại những ấn tượng tốt đẹp trong ký ức của tôi sau gần nửa thế kỷ trôi qua và bốn thập niên lưu lạc xứ người.
Từ lâu tôi vẫn thường tìm cách liên lạc và theo dõi những tin tức, sinh hoạt của các Thầy Cô từng giảng dạy ở trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ bằng mọi cách. Đột nhiên, một ngày nọ tôi đọc được những lời này của Thầy Phạm Khắc Trí báo tin trên trang nhà ptgdtdusa bên Mỹ:

Như vậy là thầy Phùng Quang Lộc đã vĩnh viễn ra đi. Bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ ở những năm tháng dưới mái trường Phan lại hiện về trong tôi với nhiều cảm giác bồi hồi, xúc động.
Năm đệ thất (niên khóa 1968-1969) lớp 6A2 của chúng tôi được thầy Mai Bá Qui dạy môn Việt Văn. Lên đệ lục được cô Nguyễn Thị Kim Sa dạy Việt Văn nửa năm đầu phần cổ văn như trích đoạn tác phẩm “Bích Câu Kỳ Ngộ” và những bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Đến đệ nhị lục cá nguyệt (sau này gọi là Học Kỳ 2), thầy Phùng Quang Lộc bắt đầu dạy chúng tôi môn Văn Xuôi Hiện Kim (mỗi tuần 2 giờ) gồm những bài văn miêu tả động vật, tả người, tả cảnh. Các thầy cô khác gồm có thầy Phan Văn Đặng và cô Phùng Thị Ba dạy môn Công Dân Giáo Dục, cô Phạm Thị Đức Hạnh dạy môn Sử Địa (cô dạy trọn năm lớp 6 và nửa năm đầu lớp 7). Nửa năm sau đổi qua thầy Nguyễn Tấn Lực dạy Sử Địa. Môn Anh Văn thì có thầy Nguyễn Văn Quang dạy nửa năm đầu và thầy Nguyễn Hồng Vân dạy nửa năm sau. Môn Toán được cô Nguyễn Thị Kim Sa dạy và Lý Hóa do cô Lê Thị Hồng Loan phụ trách, kiêm phần Giáo Sư Hướng Dẫn cho lớp 7A2. Cô Trương Thị Thanh Đào dạy Vạn Vật và bà Lâm Minh Quang dạy môn Âm Nhạc.
Một trong những vị thầy đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho lớp chúng tôi là thầy Phùng Quang Lộc. Thầy Lộc đã dạy ở trường Phan Thanh Giản từ những năm đầu thập niên1960 cùng với các thầy Nguyễn Đình Sửu, Trần Đức Thắng, Nguyễn Như Hùng, Mạc Kỉnh Trung, Phan Thanh Thư, Vương Công Hi, Cao Văn Tư, Đoàn Văn Trương … Tháng 6, năm 1963 Thầy nhập ngũ khóa 16 Sĩ Quan Thủ Đức và phục vụ trong quân đội với chức vụ giảng viên ở trường Võ Bị Đà Lạt. Năm năm sau Thầy xin giải ngũ với cấp bậc Đại Úy. Sau đó Thầy xin trở về dạy học ở trường Phan Thanh Giản Cần Thơ.
Đầu năm 1970, Thầy Lộc phụ trách môn Việt Văn cho lớp 7A2 của chúng tôi. Năm đó, Thầy khoảng chừng hơn 30 tuổi, tướng tá cao ráo, oai vệ và nghiêm trang như tác phong của một sĩ quan quân lực VNCH nên Thầy rất được đám học trò nam sinh chúng tôi thán phục và ngưỡng mộ. Trong giờ Việt Văn của Thầy, ít ai dám cười giỡn mà tất cả đều chăm chú lắng nghe Thầy giảng bài. Nhiều bạn vẫn còn nhớ đến cách Thầy Lộc dạy văn xuôi “miêu tả loài vật”. Mỗi bài văn trích giảng được Thầy dạy rất kỹ và phân tích thật tỷ mỉ từng chi tiết .
Hơn 40 năm sau, người bạn học cùng lớp với tôi là Nguyễn Trung Quân, hiện đang sinh sống ở Hoa-Kỳ, đã nhắc về Thầy Phùng Quang Lộc như sau:
Thầy lúc nào cũng đi chậm rãi nhưng oai vệ, như đang suy nghĩ chuyện gì, chẳng thua gì các nhà triết gia tôi hay tưởng tượng trong đầu mình lúc ấy. Tôi có ước mơ, khi mình lớn lên, mình sẽ đi đứng oai vệ như vậy. Bạn bè ai cũng biết tôi hay khù khù cái lưng. Tôi không quên bài lớp 8 “Tôi đi học" của nhà văn Thanh Tịnh mà thầy bắt từng đứa đứng lên đọc to và cắt nghĩa sự hiểu biết của mình. Một bài thôi, học trên ba tháng, đứa nào cũng ngán tới cần cổ. Thầy Lộc nhìn đám học trò chắt chắt miệng và thốt lên câu bất hủ "Tụi mày đứa nào cũng mặt mày tăm tối chứ không phải ưu tú". Lên lớp 9, thầy dạy Công dân Giáo Dục và Hán văn. Tôi còn nhớ nhiều bài như – “Tử viết: tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận" (hết trích thơ của Quân).
Trong khi đó, theo ký ức của một đàn anh học trường PTG niên khóa 1961-1962 là anh Diệp Minh Tâm (ở Canada, anh của bạn Diệp Tấn Phong 12A4) đã tường thuật lại như sau trên một Đặc san PTG-ĐTĐ:
“Ở lớp Đệ Ngũ này tôi học Việt văn với thầy Lộc mà tôi thích nhất trong số các giáo sư dạy Việt văn suốt quãng đời trung học của mình. Ông giảng rất hay, với tất cả sự hùng hồn nồng nàn của người yêu thơ văn. Ông lại giảng giải rất nhiều điển tích bằng lời kể chuyện hấp dẫn, nên giờ dạy của ông là cả sự hào hứng lôi cuốn.
Tôi còn nhớ thầy kể nguyên cuộc đời của Bách Lý Hề (có sách gọi là Bá Lý Hề) từ những lúc trôi nổi lận đận đây đó tuy có tài nhưng không được ai biết để tin dùng, cho đến tuổi khoảng 70 mới được chức Tể Tướng.
Thầy Lộc thường cho câu hỏi để học sinh về nhà làm, kỳ sau thầy có thể gọi đứng lên đọc cho cả lớp nghe, rồi cho điểm. Có lần tôi được điểm 14 là số điểm cao hiếm có thời bấy giờ, được bạn bè cùng lớp trầm trồ, vì xu hướng điểm Việt văn cho trong các kỳ thi hay trong lớp rất thấp. Tôi luận về sự ám ảnh trong tâm tư, lấy ví dụ của câu chuyện một người bị ám ảnh cứ thấy mặt trời chói chang đi theo mình, đi đâu cũng thấy mặt trời đi theo. Chuyện này ngay lúc đó tôi cũng không nhớ đọc ở đâu, sách nào, nhưng thầy gật đầu khen thí dụ hay, hẳn là từ một tác phẩm nổi tiếng nào đó. Tôi có tật mang trong đầu nhiều mẫu truyện, lời thơ, câu phát biểu... nhưng không còn nhớ xuất xứ hay tác giả. Nhiều khi bị thất lợi vì lộ vẻ như có "kiến thức nửa mùa", nhưng có người nói như thế mới là kiến thức của riêng mình sau khi đã được hấp thụ và tổng hợp!
Khi tôi bị bắt phải đi học quân sự học đường năm thứ hai đại học (6 năm sau), thì thầy Lộc là một trong những giảng viên. Lớp nghe giảng quá đông (tập họp từ các trường khác nhau), tôi chưa có cơ hội đến chào thầy, lại nghĩ chắc thầy đâu nhớ đến mình. Nhưng thầy lại nhớ, gọi tôi đến, kêu đúng tên tôi mà hỏi chuyện!”
Sau này khi ra hải ngoại và định cư bên Mỹ, cô Đoàn Thị Tâm, cựu giáo sư Vạn Vật đã hồi tưởng lại những ngày dạy học ở trường PTG Cần Thơ niên khóa 1972-1973 như sau:
Đó là những ngày vui hiếm có và cũng là khoảng thời gian duy nhất trong đời, tôi được sống với bạn bè trong nhà trọ, xa gia đình, lại mới đi làm, đủng đỉnh có chút tiền nên tha hồ sắm sửa, tiêu xài. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lại thêm, thỉnh thoảng, các anh giáo sư trẻ kéo nhau tới thăm tụi tôi.
Tôi còn nhớ một số các anh dạy Anh văn như anh Kháng, anh Huệ, anh Kiểm. Anh Kháng cao, ăn nói lịch sự, từ tốn. Anh Kiểm thì liếng thoáng, thích nói đùa.Cả hai anh là người Bắc, còn anh Huệ hình như người Trung, đẹp trai, tính tình bộc trực. Dạy Việt văn thì có anh Chung Phước Khánh, người Nam, chân thật, thích nói chuyện thơ văn. Dạy Sử Địa có anh Nghị người có vẻ hiền, trầm lặng, chỉ ngồi cười thôi.
Các anh rất vui tính, xuề xòa, "mỗi ngươi một vẻ, mười phân vẹn cả mười". Quả thật, đúng như người ta nói: các ông thầy giáo lúc nào cũng hiền lành, đứng đắn. Hình như các anh sống ngay trong trường như ông Phùng Quang Lộc, người Nam dạy Triết. Ông Lộc lúc đó được coi như lão làng, dạy lâu năm ở đây, tính tình điềm đạm, nói năng chậm rãi. Qua câu chuyện, tôi đoán ông là người có tài nhưng bất đắc chí. Tôi coi ông như bậc thầy, hỏi thăm ông chuyện này chuyện nọ.
Trong trường, đến giờ nghỉ, các thầy cô vô phòng giáo sư uống nước trà nghỉ mệt. Tôi không còn nhớ nhiều các chị dạy chung ngoại trừ chị Đức Hạnh, chị Nguyện, chị Bích Đào. Chị Đức Hạnh người Bắc, dạy Sử Địa, có dáng mệnh phụ, lúc nào cũng trang điểm kỹ lưỡng, áo dài mượt mà tươm tất. Chị thích nói chuyện và hay chỉ vẽ tôi như một bà chị ruột. Tôi còn nhớ chị hay khuyên tôi nên trang điểm đánh phấn vì ngoài việc làm đẹp còn có tác dụng ngăn bụi bặm vào da. Chị lịch lãm, kinh nghiệm và cởi mở.
Có một lần, ông Lộc trổ tài coi bói, bảo tôi và chị đưa tay cho ông đoán số mệnh, tôi mắc cở không dám, còn chị Hạnh thì tỉnh bơ xòe tay ra. Hình như sau đó tôi phải lên lớp nên không biết ông đoán đời chị như thế nào. Có điều mới đây tôi nghe nói hai người đã thành vợ chồng sau khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, tha phương nước ngoài và hiện sống ở Pháp.Tôi thành thật mừng cho anh chị.” (hết trích).

Còn nhớ lúc ấy, học trò chúng tôi chỉ chừng 12, 13 tuổi mà thôi, hay tụ tập từng nhóm ngoài hành lang, sân trường trong giờ ra chơi và hay bàn tán về các thầy cô trẻ tuổi đẹp trai, đẹp gái, dáng dấp lịch lãm, còn độc thân. Chúng tôi hay ghép đôi các Thầy Cô với nhau như Thầy Lộc và cô Hạnh hay cô Hạnh và Thầy Lực (cũng dạy Sử Địa). Đó là những mơ ước vu vơ của đám học trò “nhứt quỷ nhì ma” chúng tôi.
Thời gian lặng lẽ trôi mau. Sau cuộc “đổi đời bi thảm”, Thầy Cô bạn bè ly tán, trường cũ đã thay tên. Tượng đài của cụ Phan Thanh Giản ngay giữa sân trường cũng bị đập phá tan hoang. Bao nhiêu sách vở, tài liệu quý giá của Thư Viện hai trường PTG, ĐTĐ cũng bị đem ra thiêu rụi giữa sân trường. Tất cả những gì liên quan đến trường xưa tưởng chừng như chìm dần vào quên lãng của mọi người trong thời “bao cấp” đang diễn ra khắp nước VN.
Vậy mà hơn 20 năm sau đó, các đồng môn niên trưởng của hai trường Đoàn-Phan ở hải ngoại đã hình thành được vài nhóm ái hữu PTG-ĐTĐ để cùng nhau tổ chức những buổi họp mặt ở Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu và phát hành Đặc San từng năm ở từng đại hội.
Nhờ đó, tin tức về các Thầy Cô hai trường Phan-Đoàn mới được loan truyền và chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, những tin tức về thầy Phùng Quang Lộc và cô Đức Hạnh lại nhận được rất ít, vì các đồng môn vẫn không thấy Thầy Cô tham dự các Đại Hội Ái Hữu Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm từ 18 năm nay.
Mãi đến năm 2004, trên Đặc san PTG-ĐTĐ Úc Châu (số 4) có đăng một bài thơ của thầy Phùng Quang Lộc và trích đoạn email của Thầy gởi cho anh Bùi Hữu Trạng là Trưởng ban đại diện cho Ái Hữu PTG-ĐTĐ Úc Châu như sau:
Em Trạng quí mến,
Rất cảm động nhận được email của em, nhờ em chuyển đến quý Thầy Cô và các bạn học cũ lời chào mừng và thăm hỏi của tôi. Về bài cho Đặc San 4, Thầy còn giữ được bản sao bài thơ gởi cho người bạn thân cũ là Thầy Vương Công Hi ở Mỹ nhân dịp Tết “con khỉ” 2004. Thầy gởi đến các em gọi là chút ngậm ngùi đối với trường xưa, trò cũ.”
Thân ái,
Phùng Quang Lộc
Năm sau, 2005, cũng trên Đặc san của cựu học sinh PTG-ĐTĐ Úc Châu tôi lại đọc được bài “CHUYỆN THẦY TRÒ” của Thầy Phùng Quang Lộc gởi đăng với nhiều chi tiết rất lạ lùng và thú vị liên quan đến những học trò cũ của Thầy. Xin trích nơi đây một đoạn văn có tiểu mục là
Thập Nhị Nhân Duyên” : BÙI THẾ TRƯỜNG & DƯƠNG VĂN ĐẦY.
“Em Trường thuộc hạng học sinh xuất sắc. Em là một trong số rất hiếm hoi học trò viết thư thăm tôi sau khi đã rời trường hơn 10 năm. Sau năm 75, tôi gặp lại em ở Sài Gòn. Em báo tôi một tin nóng hổi: “Thầy ơi, thằng Dương Văn Đầy hiện đang là huyện ủy ở Quận 10”. Tôi cười hỏi hửng hờ “Thế à ?” Câu chuyện rẽ qua ngã khác, vì lúc đó cho tới bây giờ, tôi không tài nào hình dung được mặt mũi của em Đầy ra sao thành ra không thể hỏi thêm điều gì về em. Hai thầy trò chia tay mà chảng có ý-kiến gì về tương-lai, cũng chẳng hẹn ngày gặp lại vì em lúc đó, chắc cũng như tôi, đang sống đời vô nhiệm–sở, vô gia-cư.
Gần cuối năm, tôi và một chú nhỏ ngồi ở quán nước bến xe Cần Thơ, chờ người đến rước xuống tàu để ra khơi. Anh bạn phụ-trách giao-liên, hớt hơ hớt hải giao cho tôi một xách tay đầy ắp giấy tờ.
-Anh giữ hộ cho tôi cái xách tay. Cẩn thận! Toàn là giấy tờ quan trọng. Chút xíu, tôi trở lại. Chuyến đi bị trục-trặc, phải hoãn. Anh làm ơn ....đưa cháu nhỏ này về Sài Gòn, nhà số ...đường ...
Cô bán quán nước ngó tôi và cái xách tay lom lom. Trời đất! Nếu không có chú nhỏ cùng cái xách tay quái ác này thì tôi đã bỏ đi ngay. Hơn 5 phút sau, một chiếc xe thắng gấp trước quán. Một thanh niên bước xuống xe, đi thẳng đến bàn tôi, kéo ghế ngồi, tự giới thiệu:
-Tôi vừa đi bắt một đám vượt biên ở Rạch Giá mới về, mệt quá.
Quay sang cô bán nước, anh gọi:
-Cho tôi một trái dừa.
Vừa khuấy ly nước dừa, vừa nhìn soi mói cái xách tay của anh bạn vừa gởi, viên chức công an hỏi tôi:
-Anh ở đâu, làm gì ở đây?
Tôi đáp:
-Tôi và cháu nhỏ chờ xe về Sài Gòn, tôi ở quận 10.
-Ai là huyện ủy ở quận 10?
Tôi trả lời chậm rãi và chắc chắn:
-Dương Văn Đầy, nó là học trò cũ của tôi ở trường Phan Thanh Giản.
Anh công an nhìn tôi, không nói gì, uống cạn ly nước dừa, gọi cô bán quán tính tiền, rời khỏi bàn, bước ra xe đi thẳng.
Cho đến nay, mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, tôi vẫn thầm cám ơn hai em Bùi Thế Trường và Dương Văn Đầy. Còn viên chức công an, tôi không biết anh đã vô tình hay cố ý làm lơ. Nhưng tôi đoán chắc là anh cũng đã có một thời theo học ơ trường Phan. Ngẫm ra, hai chữ duyên nghiệp không phải chỉ thuần là màu sắc triết-học để tô đậm nét văn-chương.
Tháng 9-1999
Phùng Quang Lộc”
Hai năm sau khi đọc được bài văn này, vào tháng Sáu năm 2007, Thầy Phạm Khắc Trí đã viết một đoạn email như sau để gởi Ban Biên Tập trang nhà ptgdtdusa (xin trích):
“… Chúng tôi mới ở Pháp về tuần trước. Ở Paris, đã gặp được anh Dương Hồng Đức giáo sư Pháp Văn PTG và em Phạm Minh Toàn CHS PTG 1970 là con của cố GS Phạm Minh Đức GS Sử Địa PTG. Em Toàn hiện là Kiến Trúc Sư ở Paris. Em đã dành một ngày nghỉ, lái xe chở tôi đi Blois cách Paris khoảng 150 km, để gặp gia đình anh Phùng Quang Lộc GS Công Dân, Việt Văn và Triết PTG. Chị Lộc lại chính là Chị Phạm Thị Đức Hạnh GS Sử Địa PTG.
Không nói hết được nỗi vui mừng gặp lại nhau ở xứ người sau bao nhiêu năm xa cách. Các anh chị Đức, Lộc, Hạnh và em Toàn đều đã có một đời sống ổn định, con cháu học hành thành đạt, có nhờ tôi chuyển lời thăm hỏi đến mọi người và cũng bày tỏ sự cảm kích về những hoạt động kết nối tình đồng môn nghĩa sư đệ của đại gia đình PTG–ĐTĐ chúng ta ở bên này.
Anh chị Đức và anh chị Lộc ơi, ráng thu xếp qua đây ít nhất một lần cho vui để người bạn của các anh chị, tuy danh lợi có bao giờ ham muốn đâu, nhưng người bạn của các anh chị vẫn còn rất ham được uống café sáng, suốt một tháng liền, do Danh Nguyệt, đôi uyên ương thật dễ thương của đại gia đình PTG–ĐTĐ ở Houston khoản đãi như đã hứa, nếu tôi mời được các anh chị qua đây.”
Thật sung sướng và cảm động khi biết tin gia đình Thầy Phùng Quang Lộc và cô Phạm Thị Đức Hạnh đang sinh sống bình yên, khoẻ mạnh và hạnh phúc ở một thành phố nhỏ yên bình ngay trung tâm nước Pháp, dân số khoảng chừng 45 ngàn người, nơi có những lâu đài cổ từ thời Vua Louis XII như đã được mô tả trong tiểu thuyết “Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” của văn hào Alexander Dumas. Nơi đó có dòng sông Loire hiền hòa uốn khúc và những trang trại trồng nho, những cánh đồng lúa mì bát ngát, cảnh vật nên thơ.
Từ đó đến nay, thắm thoát đã hơn 10 năm, các đồng môn quen biết vẫn không có thêm tin tức gì nữa về sinh hoạt của Cô Hạnh và Thầy Lộc cho đến ngày được tin Thầy Lộc đã “yên giấc ngàn thu”.
Rất tình cờ, tháng Ba năm nay một học trò cũ của cô Đức Hạnh là anh Nguyễn Trung Nam (anh của Nguyễn Trung Quân, lớp tôi) từ Mỹ báo tin vừa mới liên lạc được với cô Hạnh. Mừng quá, tôi liền hỏi thăm anh Nam số điện thoại của cô Hạnh để tìm cách “phỏng vấn” cô. Cô Hạnh rất vui mừng khi nghe tiếng nói của tôi qua điện thoại (ngày 20-03-2019). Sau những lời thăm hỏi thường lệ, cô bắt đầu thân mật trả lời những thắc mắc của tôi. Nhờ vậy tôi mới có dịp biết được sinh hoạt của gia đình Cô Thầy trong vài chục năm qua.
Cô cho biết Thầy Phùng Quang Lộc sanh năm 1937 tại Cai Lậy, Mỹ Tho. Mồ côi mẹ từ năm 8 tuổi khi Má của Thầy bị phi cơ Pháp sát hại năm 1945 thời kháng chiến, nên Thầy Lộc đã trải qua những tháng ngày thơ ấu rất gian nan, khổ sở. Ba của Thầy Lộc là một chức sắc trong Đạo Cao Đài ở Mỹ Tho. Đạo Cao Đài ra đời từ năm 1926 ở Việt Nam và có một hệ thống tổ chức Giáo Hội rất chặt chẽ và đa dạng. Ba của Thầy Lộc là một Phối Sư của đạo Cao Đài (Thứ tự chức sắc Nam Phái của Cửu Trùng Đài như sau: Giáo Tông, Chưởng Pháp, Đầu Sư, Phối Sư, Giáo Sư, Giáo Hữu, Lễ Sanh, Chức Việc, Tín Đồ). Những năm 1944, 1945 ba của Thầy Lộc đang đi ra miền Trung và miền Bắc làm công tác truyền giảng giáo lý Đạo Cao Đài, nên chỉ có Thầy Lộc và một người anh, một người chị lớn là ở nhà cùng với má của Thầy. Thời trung học, Thầy cùng với anh chị phải di chuyển nhiều nơi theo việc làm của Ba Thầy khắp các tỉnh thành từ Nam ra Bắc. Nhưng anh em Thầy đã chăm chỉ học hành đàng hoàng.
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm SG, Thầy được bổ nhiệm về trường PTG vào năm 1959, đi lính 5 năm (từ 1963) và sau Tết Mậu Thân được biệt phái trở về dạy học lại ở trường Phan. Đến khoảng cuối năm 1973 Thầy thuyên chuyển về dạy ở trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho và đầu năm 1975 giảng dạy ở Trường Sư Phạm Vĩnh Long. Sau 30-4-1975 Thầy Phùng Quang Lộc không còn tiếp tục dạy học như một số giáo sư khác mà luôn tìm cách vượt biên.
Riêng Cô Đức Hạnh thì tuy được sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nam Định, nhưng từ nhỏ Cô đã sống ở Hà Nội. Gia đình Cô di chuyển vào Nam trước khi đất nước chia đôi, vì Bố cô là một Kiến Trúc Sư tài giỏi. Ông được bổ nhiệm vào Sài Gòn Khoảng năm 1953 để thực hiện nhiều công trình ở đô thành Sài Gòn và có chức vụ cao cấp trong Ban Thiết Kế Đô Thị. Chính ông đã phụ trách việc chỉnh trang Bến Ninh Kiều thành một thắng cảnh nổi tiếng của thị xã Cần Thơ, nên lúc ấy Cô Hạnh đã từng học tiểu học ở trường Nữ Tỉnh Lỵ Cần Thơ một năm. Cô nhớ lúc ấy gia đình cô cư ngụ trong một căn nhà nền cao gần Bến Ninh Kiều mà sau này bị phá bỏ và cất lại thành quán Ngọc Lợi và sân đánh Tennis của Cần Thơ (trước năm 1975). Sau khi Bến Ninh Kiều được Ông Bộ Trưởng Nội Vụ Lâm Lễ Trinh khánh thành ngày 4 tháng 8 năm 1958, gia đình Cô Hạnh di chuyển về Sài Gòn. Bố của Cô Hạnh dự tính tiếp tục kiến thiết những thị xã của miền Tây như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Châu Đốc theo kế hoạch của chính phủ Ngô Đình Diệm. Thị xã kế tiếp được chỉnh trang sẽ là Long Xuyên là quê hương của Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ. Nhưng một ngày nọ vào năm 1960, Bố của Cô Hạnh trên đường từ Sài Gòn về Long Xuyên công tác đã từ trần vì tai nạn xe hơi do người tài xế bất cẩn gây ra. Năm ấy Cô Hạnh nhận được hung tin khi đang theo học tại trường nữ trung học Trưng Vương ở Sài Gòn.
Tốt nghiệp xuất sắc ở Đại Học Sư Phạm SG, Cô Hạnh được ưu tiên chọn nhiệm sở và cô xin chọn về trường Phan Thanh Giản Cần Thơ năm 1968, vì nơi đây Cô đã từng sống những ngày thơ ấu yên bình với nhiều kỷ niệm khó quên.
Đầu năm 1975 cô Hạnh xin chuyển về dạy ở trường “đầm” Marie Curie SG cho đến năm 1977. Vì vậy, sau những ngày tháng “đổi đời” đám học trò PTG không còn thấy cô Hạnh hiện diện ở Cần Thơ. Hoàn cảnh gia đình, thân nhân của cô Hạnh cũng chịu nhiều mất mát, chia lìa. Chị của cô có một tiệm bán Thuốc Tây lớn cũng bị chính quyền mới tiếp quản, tịch thu toàn bộ sau những đợt “đánh tư sản mại bản, cải tạo công thương.”
Những năm sau đó, cô Hạnh tìm cách vượt biên nhiều lần và cuối năm 1978 cô Hạnh bị bắt ở Hà Tiên trong một lần vượt biển thất bại. Thời điểm đó Khờ Me Đỏ đang đánh sang biên giới Việt Nam giáp ranh với Kampuchea, nên tất cả những người bị nhốt trong trại giam gần biên giới đều bị chuyển về Rạch Giá. Đó là lần đầu tiên một “tiểu thư đài các” như cô Hạnh được nếm mùi ngục tù cộng sản trong vài tháng. Sau khi được thả về Sài Gòn, cô lại tìm cách vượt biên lần nữa. Kỳ này cô liên lạc với những người bạn và vài học trò cũ của cô ở Cần Thơ để vượt biên theo diện “Đăng Ký Bán Chính Thức” dành riêng cho những người Việt gốc Hoa (được phép ra đi sau khi để lại tất cả tài sản, nhà cửa cho chánh quyền cách mạng và đóng lệ phí bằng vàng cho chủ tàu tổ chức vượt biên).
Chuyến đi này Cô dẫn theo một đứa cháu trai tên là Phạm Mạnh Hùng con của người anh lớn của Cô (cựu Sĩ Quan Không Quân VNCH). Cả hai Cô cháu phải xài căn cước của người Hoa Kiều và cùng với tất cả mấy trăm người tập trung lại vào ban đêm nơi “bến bãi” để được công an tỉnh Hậu Giang áp tải ra biển khơi thẳng đường đến đảo Côn Sơn. Tại đó, công an VC còn thâu vàng và nhét thêm vài chục hành khách nữa lên tàu trước khi hộ tống chiếc tàu này ra hải phận quốc tế, nên chuyến tàu vượt biên của cô rất nguy hiểm. Cô nói nếu ngồi trên tàu thò tay ra ngoài có thể chạm vào nước biển, vì tàu khẳm quá. Nhưng sao lúc ấy thật là may mắn? Những ngày trên biển khơi chuyến tàu không gặp sóng to gió lớn gì cả. Trời yên biển lặng, đúng là biển “Thái Bình Dương”. Thỉnh thoảng có những đàn cá heo bơi lượn sát bên hông tàu. Vài ngày sau, chuyến tàu vượt biên của cô đã đến đảo Pulau Bidong, Mã Lai Á một cách an toàn.
Vừa lên đến đảo tỵ nạn Bidong, cô gặp ngay trò Trương Tiếu Hy đã đến đó từ vài tháng trước. Mừng quá, trò Hy tiến lại chào cô và nói to “Cô ơi, ở đây có Thầy Phùng Quang Lộc cũng ở trên đảo này”. Rồi Trương Tiếu Hy liền nhanh chóng chạy đi kiếm thầy Lộc đến gặp cô. Đúng là “tha hương ngộ cố tri”. Gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách, tất cả mừng mừng tủi tủi. Cũng như đa số mọi người chung quanh, cô Hạnh lại có những nỗi lo lắng trước mặt và cảm thấy một tương lai mịt mờ đang đón chờ phía trước.
Nhờ Thầy Lộc có chân trong Ban Đại Diện của trại tỵ nạn Bidong, nên Thầy đã sắp xếp cho cô Hạnh và đứa cháu đến ở trong một túp lều khá khang trang trên đồi. Cô vẫn còn nhớ những sự phức tạp, khổ sở và lo âu, buồn chán trong những ngày đầu tiên trên đảo tỵ nạn đông đúc này.
Vào thời điểm đó, khoảng tháng hai năm 1979, ở đảo Bidong đã tràn ngập người tỵ nạn. Khoảng hơn 28.000 người chen chúc nhau tạm trú ở một phần của hòn đảo nhỏ xíu này. Tuy có ban Đại diện, phòng thông tin, trạm cứu thương, chợ trời. Nhưng ở đó cũng có những thành phần trộm cắp, cướp giựt… Họ đã trà trộn, đi “canh me” ở những chuyến tàu vượt biên và đến được nơi đây, khiến cuộc sống ở đảo là những chuỗi ngày đầy tuyệt vọng, lo âu và bất trắc, chưa thấy có chút gì lạc quan.
Dần dần cô Hạnh cũng làm quen với đời sống mới trên đảo. Ngày nào cô cũng gặp người quen, có cả gia đình Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Trung Quân cũng ở đảo từ trước và cô cũng gặp cựu Hiệu Trưởng Võ Văn Trí (sau này đi Canada) và rất nhiều học trò cũ của cô mà cô không sao nhớ hết. Cô cũng gặp chị em chủ nhân tiệm uốn tóc Mai Lan ở đường Phan Đình Phùng Cần Thơ, nơi cô là một thân chủ quen thường hay làm tóc ở đó.
Rất nhiều người tỵ nạn chờ đợi các phái đoàn phỏng vấn để xin đi những nước lớn như Mỹ, Canada và Úc. Cô Hạnh cũng có thân nhân bên Canada và Mỹ, nên Cô có thể nộp đơn chờ đợi phái đoàn các nước ấy phỏng vấn. Nhưng có lẽ định mệnh đã khiến cho cô và Thầy Phùng Quang Lộc không hẹn mà gặp nhau trên đảo tỵ nạn Bidong này và sau đó đã nên duyên nợ “phu thê” với nhau trên đất Pháp. Đúng là một đôi uyên ương lý tưởng “trai tài gái sắc” mà đám học trò chúng tôi ngày xưa đã từng “se duyên” hai Thầy Cô này lại với nhau (trong mơ ước) mà không thành. Đến nay, số trời dung rủi cho hai tâm hồn cô đơn này có dịp tái ngộ với nhau nơi đất lạ quê người. Vài tháng nữa chầm chậm trôi qua, số người trên đảo tỵ nạn Bidong đã tăng lên đến mức kỹ lục hơn 40,000 người khiến cho môi trường sống trên đảo càng trở nên tồi tệ.
Lúc đó, Thầy Cô cũng như nhiều người tỵ nạn khác đều muốn rời khỏi nơi chốn phức tạp và đầy bất ổn này càng sớm càng tốt để đến một đệ tam quốc gia tìm cơ hội xây dựng đời sống mới.
Thầy Lộc có những đứa cháu ruột đã đi Pháp du học từ trước năm 1975, nên Thầy được ưu tiên bảo lãnh đi Pháp mà không cần chờ đi Mỹ theo diện cựu quân nhân biệt phái hoặc công chức của chính phủ VNCH. Thầy được lên danh sách đi Pháp trước Cô. Vài tháng sau, khoảng tháng 7 năm 1979 Cô Hạnh rời đảo tỵ nạn Pulau Bidong sang trại “chuyển tiếp” Singapore và lên máy bay sang Pháp đoàn tụ cùng với Thầy Lộc. Năm ấy Cô Đức Hạnh được 34 tuổi và thầy Phùng Quang Lộc đúng 42 tuổi.
Sau khi ổn định cuộc sống nơi xứ sở yên bình, Thầy Cô đã kiếm được việc làm, tuy không còn có dịp dạy học như ngày xưa. Được biết ngày xưa Thầy Lộc có trong tay ba cái bằng cấp Cử Nhân là Luật Học, Triết Học và Văn Khoa. Nhưng khi qua Pháp các văn bằng này không được chánh phủ Pháp công nhận. Tuy vậy, Thầy Lộc đã chịu khó đón xe lửa đi thành phố Tours, cách Blois sáu chục phút học lại một năm ở phân khoa Luật để được cấp văn bằng tương đương. Sau khi học xong, Thầy đã được nhận vào làm Thanh Tra ở ngân hàng Bank De France liên tục 20 năm cho đến khi về hưu. Những năm tháng sau khi hưu trí, Thầy Lộc thường hay đọc sách, nghiên cứu kinh sách, nghiền ngẫm giáo lý đạo Cao Đài mà ít chịu đi xa, ra khỏi thành phố.
Năm 1982 Cô Hạnh được tin Mẹ của cô đã từ trần ở Sài Gòn. Năm sau, Cô Hạnh sanh được một đứa con trai và Thầy cô đặt tên VN là Phùng Quang Lương Việt. Năm nay người con trai duy nhứt của Thầy Cô đã được 36 tuổi, là một Tiến sĩ khoa học, hiện đang giảng dạy tại một trường Đại Học ở thành phố Lyon và làm việc nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Thỉnh thoảng anh cũng được các trường Đại Học thỉnh giảng, đi thuyết trình ở Mỹ, Canada và Nhựt Bổn. Anh mời Cô Thầy theo anh du lịch chơi, nhưng Thầy Lộc không thích đi xa (dù lúc ấy Thầy còn kkhoẻ mạnh), nên Thầy Cô chưa bao giờ ra khỏi nước Pháp. Cô cho biết anh Lương Việt vẫn “độc thân vui tính”, không biết chừng nào anh ta mới chịu lập gia đình?
Khi tôi hỏi “Trong 40 năm nay, sau khi rời VN qua Pháp, Thầy Cô có dịp nào hoặc có ý định trở về thăm quê hương hay không?” Cô tâm sự là Thầy không thích về VN đâu, vì gia đình Thầy đều có lập trường chống Cộng. Anh ruột của Thầy là Đại tá Không Quân Phùng Ngọc Ẩn khá nổi tiếng, em có biết không? Tôi bỗng giựt mình, vì không ngờ và chẳng bao giờ biết là Thầy Lộc có một người anh rất nổi tiếng ở VN ngày xưa và ở hải ngoại sau này. Cô cho biết sau ngày miền Nam thất thủ, Đại Tá Phùng Ngọc Ẩn đã không chịu buông súng đầu hàng mà cùng với một số chiến hữu vào mật khu chiến đấu ở Phan Rang cho đến khi bị CS bắt được và đưa ra Bắc giam cầm, tù ngục trong suốt 13 năm trường. Sau đó ông được qua Mỹ định cư theo diện HO và đã mất vài năm trước đây.
Sau khi nghe Cô kể chuyện về gia đình Thầy, tôi bèn dò trên internet và tìm được đoạn văn tiểu sử của Đại Tá Phùng Ngọc Ẩn như sau:
Nhận được tin buồn
Đại tá Phi công Phùng Ngọc Ẩn
Sinh năm 1934, Mỹ Tho, Việt Nam
Mãn phần ngày 15/06/2013, tại San Diego, CA
Hưởng thọ 80 tuổi.
Chỉ huy trưởng Căn Cứ 92 KQ Pleiku, thập niên 1960
Cựu Trưởng phòng Hành Quân Chiến Cuộc, Bộ Tư Lệnh KQ
Tù cải tạo 13 năm (1975-1988) tại các trại Hà Tây và Xuân Lộc.Định cư Orlando 1991 và gia nhập VAALA (Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ) Florida 1998.
Niên Trưởng Phùng Ngọc Ẩn từng là một cây viết KQ từ trước 1975, ngoài bút hiệu Thần Phong Phùng Ngọc Ẩn, ông còn dùng bút hiệu khác là Cà Nông 20.Trước 1975, cộng tác các báo: Đời Mới, Nguyệt San Lướt Gió, Văn Nghệ Tiền Phong, Đặc San Lý Tưởng, Tuần báo Đời, Các nhật báo Lập Trường, Tiền Tuyến , Diều Hâu. Tác phẩm trước 1975: Bay Trong Hoàng Hôn (1968, tuyển tập), Kẻ Lạc Ngủ (1972, truyện), Cánh Chim Ngoại Biên (1974, truyện), Những Mãnh Trời Khác Biệt (tuyển tập, viết chung với Dê Húc Càn, Trần Văn Minh, Đào Vũ Anh Hùng....), Ngoài Chân Mây (viết chung Nguyễn Kim Long) Cẩm Xuân, Tháng 3 Cuộc Đời (viết chung KQ Lê Văn Trước). Cộng tác sau 1975: Lý Tưởng, KQ Hải ngoại, 1992, Ly Hương, Đặc San Cộng đồng VN Trung tâm Florida, 1998, Tuyển Tập VAALA – Florida, 1998, Con Ốc Mượn Hồn, tuyển tập thơ văn, 1999.
Cầu xin hương linh Thần Phong Phùng Ngọc Ẩn, cánh chim Tự Do, thảnh thơi trong bầu trời ngan ngát hương sen Tịnh Độ...(Bắc Đẩu Võ Ý 06/17/2013).
Không ngờ Thầy Lộc có một người anh “văn võ song toàn” rất nổi danh như thế. Cô tâm sự tiếp “Bỗng dưng từ năm 2010 trí nhớ của Thầy Lộc bị giảm thiểu dần dần theo triệu chứng của bịnh “lẫn” hay là Alzheimer (bịnh “sa sút trí tuệ”). Tuy Thầy không nhớ nhiều việc quá khứ, hiện tại chung quanh, nhưng lúc nào Thầy cũng nhận ra Cô và Cô vẫn săn sóc cho Thầy cho đến những ngày cuối cùng, tuy rất vất vả cực nhọc vì không có ai khác giúp đỡ cho Cô. Thầy Lộc lại không thích di chuyển vào các dưỡng đường của Pháp. Trước kia khi còn tỉnh táo, Thầy thường dặn Cô rằng khi Thầy mất đừng nên báo tin cho bạn bè, đồng nghiệp hay học trò của Thầy hay tin. Vì vậy 2 năm sau ngày Thầy mất, Cô mới liên lạc báo tin buồn với Thầy Phạm Khắc Trí như đã nhắc đến ở đầu bài này. Đúng là Thầy Lộc hưởng thọ 79 tuổi và từ sau năm 1975 cho đến ngày qua đời, chưa bao giờ hai anh em Thầy có cơ hội gặp lại nhau lần nào trên đất Mỹ.
Thầy Lộc mất ngày 21 tháng Tư năm 2016. Tang lễ của Thầy diễn ra trong lặng lẽ và đơn giản. Chỉ có hai mẹ con Cô Hạnh và những bạn hữu trong hội người Lào tỵ nạn cộng sản ở thành phố Blois tham dự, vì nơi đó rất ít người VN cư ngụ. Lúc sinh thời Thầy sống ẩn dật, không thích giao thiệp nhiều và dặn dò khi mất đừng báo tin cho thân nhân, nên các cháu của Thầy và Cô ở Paris và các tỉnh khác cũng không biết được “tin buồn” mà về tham dự tang lễ. Tuy nhiên, khi còn làm việc và lúc nghỉ hưu, Thầy thường giúp đỡ những người Lào hiền lành xung quanh khu phố trong việc điền đơn, viết thư từ khiếu nại bằng tiếng Pháp, nên họ rất biết ơn của Thầy và họ đã đến chia buồn với mẹ con cô trong lúc “tang gia bối rối”.
Cô Hạnh nói chỉ còn vài tuần nữa là đám giỗ Thầy (mất đúng 3 năm) .Tuy năm nay cô đã 74 tuổi, nhưng cô vẫn còn khoẻ mạnh, yêu đời, thỉnh thoảng vẫn đi Lyon thăm đứa con trai đang làm việc tại đó. Hy vọng gần cuối năm nay Cô và con trai Cô sẽ thu xếp để qua Canada và Hoa-Kỳ thăm các cháu của Cô một chuyến.
Cô Hạnh cũng không quên hỏi tôi về tình cảnh gia đình, sinh hoạt của tôi và các bạn đồng môn PTG. Sau cùng, Cô nhờ tôi nhắn lời thăm hỏi đến tất cả Thầy Cô và học trò trường Phan Thanh Giản Cần Thơ (mà tôi liên-lạc được) và chúc sức-khỏe, hạnh-phúc đến mọi người.

LA THANH KHẢI
(PTG n/k 1968-1975)

 

Vĩnh Biệt Thầy Phan Thông Hảo (1937-2020)
Thanh Khải·Thursday, 14 May 2020·19 minutes264 reads
Trưa hôm nay, các bạn cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ niên khóa 1968-1975 đã loan báo với nhau một hung tin:
Thầy Phan Thông Hảo vừa từ trần ngày 13 tháng 5 năm 2020 tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.
Một tin thật buồn và khá bất ngờ cho nhóm cựu học sinh PTG chúng tôi. Thầy Phan Thông Hảo là một trong những vị giáo sư rất nổi tiếng ở trường Phan Thanh Giản từ những năm 1969 đến 1975, được nhiều thế hệ học trò yêu mến và kính nể. Khoảng năm 1973 Thầy Hảo làm Phụ Tá Giám học và là một trong những giáo sư đã vận động thành công việc dựng lên pho tượng cụ Phan Thanh Giản ngay giữa sân trường và được long trọng làm lễ khánh thành vào ngày 28-9-1974. Ban vận động dựng tượng cụ Phan gồm có Thầy Hiệu Trưởng Võ Văn Trí, Thầy Giám Học Lê Văn Quới, Thầy Phan Thông Hảo, Thầy Nguyễn Văn Đối và Trung Tá Lê Văn Giàu, Quận trưởng quận I Cần Thơ.


Các bạn học lớp 9P1 và 9P2 ban Pháp Văn niên khóa 1971-1972 vẫn còn nhớ nhiều về kỷ niệm một ngày Chủ Nhựt đầu năm 1972, Thầy Phan Thông Hảo và phu nhân của Thầy đã hướng dẫn 11 đứa học trò đạp xe lên Bình Thủy để tu sửa ngôi mộ của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa cho khang trang hơn sau nhiều năm trở thành hoang phế. Sau này bạn Nguyễn Văn Quyền đã viết một bài dài kể lại chuyến đi này và đăng trên Đặc san Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm hải ngoại năm 2002 như tấm hình dưới đây:
Năm 2011, khi có dịp liên lạc được với một bạn học cũ tên là Cần Minh An học lớp 9P2 hiện đang ở Boston, Hoa-Kỳ, đã nhớ lại nhiều chi tiết khá thú vị về Thầy Phan Thông Hảo như sau:
-Tôi là một trong những học sinh PTG đợt đầu tiên đi trùng tu mộ cụ Thủ Khoa Nghĩa do thầy Phan Thông Hảo đề xướng và tổ chức (năm 1972). Theo thầy Hảo, cụ Thủ Khoa Nghĩa là một nhà trí thức có tấm lòng yêu nước chống Pháp khi còn sống, nay mất rồi mộ phần không được chăm sóc và không rõ con cháu ở đâu, nên thầy kêu gọi học sinh đi “tảo mộ”.
-Cũng trong năm học ấy, thầy Hảo dẫn các học sinh đến viếng thăm nhà máy làm nước ngọt BGI, cạnh bên Dinh Tư Lệnh, chỗ cầu Cái Khế, phía bên kia cầu là Tiểu khu Phong Dinh. Ông Tây quản lý nhà máy này đã dẫn đi vòng vòng cho coi, cũng như giải thích từng giai đoạn trong việc chế biến “xá xị”. Dĩ nhiên là cho uống thử rồi. Hình như khi ra về mỗi em có được một món quà nhỏ lưu niệm (tôi rán nhưng giờ chẳng nhớ ra là cái gì).
-Tuy học Pháp văn sinh ngữ I, nhưng không một thằng nào hiểu ông Tây nói cái gì hết, nên thầy Hảo là người thông ngôn trong suốt cuộc viếng thăm này.
-Nhớ khi ông Tây hỏi tại sao không dùng chất hơi CO mà dùng CO2 trong việc chế biến nước ngọt, cả đám “ngọng” hết trọi. Thầy Hảo đã đỡ đòn cho đám học trò “dốt” về Hoá học của mình. Đầu tiên, thầy nói tiếng Pháp với ông Tây rất lịch sự là ông cho tôi thử trả lời câu hỏi này? Ông Tây cười và trả lời là được. Kế tiếp thầy Hảo mới nói là không dùng CO vì đó là khí độc. Ông Tây vỗ tay và nói “tres bien”. Nhờ vậy, lúc ấy tôi mới hiểu thấu cái câu “Ếch ngồi đáy giếng”.
-Thầy Phan Thông Hảo là người tôi trọng nể, vì thầy có trước có sau biết tri ơn, cụ thể là việc trùng tu lại mộ Cụ Thủ Khoa Nghĩa. Thầy và Ba tôi ngày trước có thời gian làm chung ở trại Lê Lợi, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Sau này thầy được biệt phái về dạy học tại trường Phan Thanh Giản vào đầu năm 1969. Cấp bậc thầy lúc tại ngũ trong Quân Lực VNCH là Đại úy Phan Thông Hảo (1963-1968).
Riêng lớp 12B2 của chúng tôi niên khóa 1974-1975 đã hân hạnh được Thầy Phan Thông Hảo dạy môn Pháp văn sinh ngữ phụ. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội nghe Thầy giảng bài trong lớp và cho bài làm. Thầy Hảo đi đứng trang nghiêm và có tác phong của một quân nhân, nên cả lớp đều im phăng phắc, chăm chú nghe giảng vào mỗi giờ học của Thầy. Nghe nói tiếng Pháp của Thầy rất đúng giọng Paris. Thầy giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu và khi cho bài thi viết, dịch một đoạn văn ngắn (Pháp-Việt) cũng khá dễ và môn thi vấn đáp cũng không khó lắm (thí dụ chia một vài động từ quen thuộc). Hầu như các bạn trong lớp đều đạt điểm trên trung bình hoặc đứng hạng khá cao ở các kỳ thi bán niên.
Thầy có mở lớp dạy thêm môn Pháp văn buổi tối tại nhà Thầy ở đường Nguyễn Trải, nhưng tôi chưa từng đến đó học lần nào nên cũng không biết gì bên trong nhà Thầy và gia đình Thầy.
Sau năm 1975 nghe nói Thầy bị bắt đi “học tập cải tạo” cùng nhiều giáo sư khác như Thầy Hiệu trưởng Võ Văn Trí, Thầy Mai Bá Qui, Thầy Nguyễn Đình Sửu vì có gốc là Sỹ quan biệt phái VNCH. Từ đó đến nay tôi chưa từng gặp lại Thầy Hảo lần nào.
Sau này có dịp lang thang trên mạng internet, tình cờ tôi đọc được một bài viết của chính Thầy Phan Thông Hảo kể lại những kỷ niệm của Thầy lúc vừa mới tốt nghiệp Sư Phạm và được bổ về dạy học ở trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa trong 4 năm (từ năm 1959 đến 1963). Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường Nam tỉnh lỵ Cần Thơ, Thầy Hảo đã học 4 năm “đệ nhứt cấp” ở Trường College Cần Thơ (niên khóa 1949-1953) trước khi lên Sài Gòn học đến Tú Tài Pháp ở trường Chasseloup Laubat Saigon, rồi Cao Đẳng Sư Phạm SG. Hai năm đầu Thầy dạy Toán, Lý Hóa đệ nhứt cấp ở trung học Ngô Quyền. Năm 1962 trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp thì Thầy Hảo chuyên dạy môn Pháp Văn. Thầy dạy theo sách giáo khoa “Cours de Langue et du Civilisation Françaises” của Mauger, nên được học trò thân ái gọi là “Monsieur Vincent”, tức là nhân vật chính trong sách đó.
Trong hồi ức của Thầy Hảo, Thầy đã kể lại chuyện tình của Thầy Cô như sau:
“Trước khi dứt lời, tôi xin được kể cho quí bạn đồng nghiệp cũ và các em học sinh thân yêu của tôi về cái duyên gắn bó đời tôi với đất Bưởi Đồng Nai. Khi ra trường xin đi dạy, có hai chỗ, một ở miền Tây trù phú “ruộng vườn cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” và một ở miền Đông, kém phì nhiêu và khô cằn hơn, xen lẫn với các vườn bưởi Thanh Trà, Năm Roi bất hủ, và núi rừng trùng điệp. Tôi đắn đo, do dự…, nhưng sau cùng, tôi đành chịu thua, đầu hàng trước nụ cười “nghiêng thùng đổ nước” của một người con gái, mà sau này trở thành người bạn đời hơn 40 năm qua của tôi, tại Cù Lao Phố, có con sông Đồng Nai quanh co uốn khúc, có chùa Đại Giác, cầu Thủ Huồng, Chùa Ông do người Tàu Minh Hương lập ra.
Để rồi về sau, khi vào dạy tại Ngô Quyền, giữa một rừng “hoa khôi”, kẻ hèn này đành nín thở, lấy tay che mắt nhìn chỗ khác. Nay, ở tuổi đời xế bóng, đầu đã bạc, với hai hàm răng giả đủ nhai cơm cá, tôi xin “thành thật khai báo trước bình minh” để vừa chọc các bạn và các em cười cho vui, vừa nhắc các em về lẽ vô thường của trời đất, về sự tạm bợ sớm nở tối tàn của cái danh, cái lợi, cái thịnh, cái suy, cái vinh, cái nhục, mà cố gắng giữ tâm thanh tịnh, ráng sống an nhiên tự tại trước mọi phiền não, đổi thay của cuộc đời, có buồn, có vui.
Xin thân ái mến chúc tất cả anh chị em đồng nghiệp cũ và các em học sinh của “Monsieur Vincent” thân tâm luôn an lạc! (Phan Thông Hảo)
(Trích từ Kỷ Yếu Trung Học Ngô Quyền, phát hành ở Hoa-Kỳ năm 2004)
Một thời gian sau khi lập gia đình với cô Kim Chi tại Cù Lao Phố Biên Hòa và vừa dạy xong niên khóa 1962-1963, Thầy Hảo bị động viên vào quân trường Thủ Đức theo học khóa 16 Sỹ Quan Thủ Đức (trong khóa này cũng có Thầy Phùng Quang Lộc từ trường Phan Thanh Giản Cần Thơ thu. huấn). Sau khi mãn khóa , thầy Hảo được Nha Chiến Tranh Tâm Lý chọn và bổ nhiệm Thầy phục vụ tại Quân Đoàn IV trú đóng Cần Thơ là quê nhà của Thầy. Vài năm sau, Thầy được biệt phái trở về dạy học tại trường Phan Thanh Giản Cần Thơ cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Từ ngày rời trường Phan Thanh Giản đến nay, tôi chưa có dịp nào gặp lại Thầy Hảo. Nhưng sau này có một cựu học sinh trường Ngô Quyền Biên Hoà là anh Đào Văn Công hiện ở bên Mỹ (Kentucky) đã kể lại như sau:
Giữa thập niên 1980, gặp lại Thầy sau nhiều năm “tù cải tạo'', Thầy cho biết, thầy đã nộp đơn xin đi Cộng Hòa Trung Phi do ở đó cần một giáo sư dạy Pháp văn. Mười năm sau, đến định cư trên đất Mỹ, chúng tôi vẫn đinh ninh là Thầy ở trên đất Châu Phi.
Trong một lần qua điện thoại , Thầy Phan Thanh Hoài (trường Ngô Quyền) nói có biết Thầy Phan Thông Hảo không ở Trung Phi mà ở Hoa Kỳ. Nhờ có số điện thoại Thầy Phan Thanh Hoài cho, chúng tôi liên lạc được với Thầy Phan Thông Hảo.
Thầy cho biết, khi Tòa đại sứ Cộng Hòa Trung Phi cấp visa cho cả gia-đình đi Trung Phi thì nhà cầm quyền Cộng-sản Việt Nam không cho đi. Ba năm sau, Việt Nam cho đi thì Cộng Hòa Trung Phi không nhận do quá lâu, họ đã tìm được người khác. Cũng đúng thời điểm nầy, chương trình HO bắt đầu và Thầy chuyển hồ sơ qua chương trình nầy, và gia đình Thầy đến Mỹ vào cuối năm 1989. Chúng tôi nói vui là Thầy Phan Thông Hảo đi theo diện HO trừ 1. (Chuyến bay đầu tiên HO1 đến Mỹ đầu năm 1990 )
Nhờ phước đức tổ tiên, thành-phố nơi Thầy định cư lúc đó cần một giáo sư Pháp văn dạy Trung học, Thầy nộp đơn và đi dạy. Cô làm y công ở một bệnh viện và các em vào trường học lại.”

Đặc biệt Thầy Phan Thông Hảo nghiên cứu Phật pháp một cách rất khoa học. Khi khám phá một ý mới, Thầy điện thoại bàn bạc với chúng tôi.
Thầy trò chúng tôi giữ liên lạc cho đến ngày hôm nay tuy cũng có đến hai lần gián đoạn do Thầy vào bệnh viện. Tuy nhiên có cái may là chúng tôi có được số điện thoại của Hòa, con lớn của Thầy, nên nối được liên lạc và biết tin tức của Thầy.


Thủ Bút Thầy Hảo (bên trên)
“Cha em ở một mình, như anh chị biết, hôm đó cha bị té dập mặt vào cạnh bàn, thương tích rất nặng, thêm nữa bây giờ lại hay quên, có hôm, tụi em đến nhà, ngửi mùi khét, thì ra Cha mở bếp nấu , quên đến cháy nồi.”- Diệp, cô con lớn của Thầy nói - Chúng tôi hỏi có thể nói chuyện được với Thầy và được hứa trong vài hôm sắp tới.
Được biết sau khi định cư trên đất Mỹ hơn 20 năm, phu nhân của Thầy Hảo đã bị chứng bịnh Alzheimer và dưỡng bịnh tại WestGate Hills Rehabilitation & Nursing Center. Hàng tuần Thầy Hảo thường vào thăm cô. Nhưng sức khoẻ Thầy cũng bắt đầu suy yếu từ từ, nên đến tháng 3 năm 2013, các bác sĩ khuyên Thầy không nên ở nhà một mình mà xin chuyển vào chung một dưỡng đường với cô (hai người ở hai tầng lầu khác nhau).
Thời gian này (ngày 7-7-2013), nhóm bạn PTG niên khóa 1968-1975 chúng tôi nhận được tin tức và hình ảnh của bạn Lâm Vì (lớp 10C, 11C) từ Canada cho biết vợ chồng bạn đã lái xe từ Canada qua Mỹ thăm viếng Thầy Cô Phan Thông Hảo như đã ghi lại ở LINK sau đây:
Từ đó các bạn mới biết thêm tin tức về gia đình Thầy Cô Hảo và cũng có dịp kết nối tình bạn với anh Phan Thông Hưng là thứ nam của Thầy Hảo trên trang facebook đến tận hôm nay.
Đến ngày 10 tháng 3 năm 2015 thì chúng tôi được tin Cô (Bà Phan Thông Hảo) đã từ trần tại nhà dưỡng lão (tức là Cô Thầy đã ở chung trong viện dưỡng lão này được đúng 2 năm bên nhau).
Trước đó gia đình Thầy đã hưởng những ngày xum họp, vui vẻ bên nhau trong mùa Lễ Giáng Sinh vào đầu năm 2013 như đoạn Video clip sinh hoạt gia đình ghi lại như sau:
Tính cho đến nay sau 31 năm rời khỏi Việt Nam và định cư ở Hoa Kỳ, Thầy Phan Thông Hảo chưa một lần nào quay trở lại quê hương. Nhưng Thầy đã đóng góp biết bao công sức cho 2 ngôi trường Trung học Ngô Quyền (Biên Hòa) và Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và những năm phục vụ trong quân đội VNCH, những ngày dạy học tại Trung Học bên Hoa Kỳ sau khi định cư và những năm làm Hội trưởng cho chùa Giác Lâm nơi thành phố thầy nghỉ hưu trong tuổi xế chiều.
Xin nguyện cầu cho hương linh người Thầy yêu quý của chúng con sớm vãng sanh Tịnh Độ và yên nghĩ đời đời nơi cõi vĩnh hằng.
La Thanh Khải 12B2
(13-5-2020)