Xin giới thiệu bài tùy bút dưới đây của cô Tâm Đoàn, cựu giáo sư ở trường Phan Thanh Giản ngày xưa. Phần dưới chót in màu nâu đen là những đoạn nhắc về cô Mai Thị Bạch Liên, Quản Thủ Thư Viện của trường PTG, đã từ trần năm 1976.
*Tác giả: Tâm Đoàn (USA)
*Tác giả: Tâm Đoàn (USA)
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài gòn môn Vạn Vật năm 1972, tôi và chị Trinh Cát cùng chọn về nhiệm sở Phan Thanh Giản (PTG) Cần Thơ. Trường lớn, nằm ở đầu đường cùng tên, có lối kiến trúc thời Pháp na ná như trường Gia Long Sài gòn, nơi tôi trải qua thời trung học, tuy nhiên trường PTG không được khang trang , tu bổ nhiều. Có một điểm trùng hợp là cả hai trường đều nằm trên đường PTG.
Khi tôi mới tới,Hiệu Trưỡng là ông Minh;lúc tôi rời trường, Hiệu trưởng mới là ông Trí. Anh Trung dạy Vạn Vật lớp Đệ nhất coi như người đứng đầu môn này ờ trường. Các ông rất tử tế, luôn tạo mọi điều kiện tốt, thuận tiện cho việc giảng dạy của chúng tôi và sắp xếp thời khóa biểu đễ chúng tôi có ngày nghỉ về thăm nhà ở SG. Tôi còn nhớ ông Trí, người miền Trung, ở ngay trong trường với cô vợ trẻ đẹp dể thương.
Thuở đó, chân ướt chân ráo tới Cần Thơ, còn nhiều bở ngở.Sau một thời gian ngắn vất vả tìm chổ ở,chúng tôi kiếm được một nơi gần trường, đó là căn gát nhỏ của Bác Hai bán bánh mì ở đầu hẻm Hai Địa.Bác góa chồng từ khi còn trẻ,có con gái duy nhất là Thu Hà, lúc đó đang học trường Sư phạm.Hà có khuôn mặt khả ái, cô rất lanh lẹ, hoạt bát.
Căn gát gổ nhỏ hẹp, buổi trưa rất nóng, nhưng tụi tôi không nề hà gì vì nhà toàn là đàn bà, nếu không chịu được thì cứ thoải mái chạy xuống nhà dưới ngủ trên giường của Bác. Sau này có thêm cô Liêng dạy nhạc nhập bọn.Tụi tôi, cơm tháng xách tới,mỗi người một cà mên, ăn xong khỏi rửa,thật là nhàn hạ.
Chị Trinh Cát,người Bắc,có dáng dấp đẹp.Tôi thích nhìn chị, với áo dài lụa ngà may rất khéo, yểu điệu bước đi trên sân trường. Cô Liêng, người Nam, trẻ trung, có khuôn mặt bầu bĩnh, mắt sáng,môi hồng; mẹ cô ở SG thường xuyên xuống thăm. Còn tôi, sinh ở Huế nhưng sống ở SG, tuy đã lớn nhưng đôi lúc ăn nói vẫn còn thật thà quá cở.
Thế là trên căn gát hẹp, tối tối bốn cô gái họp nhau đủ tạo thành một cái chợ nhỏ, nhất là cả ba cô bạn của tôi đều có số đào hoa nên lúc nào cũng có chuyện để nói, để tâm tình nhỏ to hay cười giởn. Buổi chiều, tôi và chị Trinh Cát thích thả bộ tới bến Ninh kiều. Buổi tối, nếu không bận soạn bài để chuẫn bị cho buổi dạy ngày mai, tụi tôi mua bánh mì thịt của bác Hai và mấy trái cây lĩnh kĩnh vừa ăn vừa nói chuyện, ca hát rất vui.
Đó là những ngày vui hiếm có và cũng là khoảng thời gian duy nhất trong đời, tôi được sống với bạn bè trong nhà trọ, xa gia đình, lại mới đi làm, đũng đĩnh có chút tiền nên tha hồ sắm sửa, tiêu xài. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lại thêm, thỉnh thoảng, các anh giáo sư trẻ kéo nhau tới thăm tụi tôi.
Tôi còn nhớ một số các anh dạy Anh văn như anh Kháng ( hay Khánh), anh Huệ, anh Kiễm. Anh Kháng cao, ăn nói lịch sự, từ tốn. Anh Kiễm thì liếng thoáng,thích nói đùa.Cả hai anh là người Bắc, còn anh Huệ hình như người Trung, đẹp trai, tính tình bộc trực. Dạy Việt văn thì có anh Chung Phước Khánh, người Nam, chân thật, thích nói chuyện thơ văn. Dạy Sữ Địa có anh Nghị người có vẻ hiền, trầm lặng, chỉ ngồi cười thôi.
Các anh rất vui tính, xuề xòa, "mỗi ngươi một vẽ, mười phân vẹn cả mười". Quả thật, đúng như người ta nói: các ông thầy giáo lúc nào cũng hiền lành, đứng đắn. Hình như các anh sống ngay trong trường như ông Phùng quang Lộc, người Nam dạy Triết. Ông Lộc lúc đó được coi như lão làng, dạy lâu năm ở đây, tính tình điềm đạm, nói năng chậm rãi. Qua câu chuyện, tôi đoán ông là người có tài nhưng bất đắc chí. Tôi coi ông như bậc thầy, hỏi thăm ông chuyện này chuyện nọ.
Trong trường, đến giờ nghỉ, các thầy cô vô phòng giáo sư uống nước trà nghỉ mệt. Tôi không còn nhớ nhiều các chị dạy chung ngoại trừ chị Đức Hạnh, chị Nguyện, chị Bích Đào. Chị Đức Hạnh người Bắc, dạy Sử Địa, có dáng mệnh phụ, lúc nào cũng trang điểm kỷ lưỡng,áo dài mượt mà tươm tất. Chị thích nói chuyện và hay chỉ vẽ tôi như một bà chị ruột. Tôi còn nhớ chị hay khuyên tôi nên trang điểm đánh phấn vì ngoài việc làm đẹp còn có tác dụng ngăn bụi bặm vào da. Chị lịch lãm, kinh nghiệm và cởi mở.
Có một lần, ông Lộc trổ tài coi bói, bảo tôi và chị đưa tay cho ông đoán số mệnh, tôi mắc cở không dám, còn chị thì tỉnh bơ xòe tay ra. Hình như sau đó tôi phải lên lớp nên không biết ông đoán đời chị như thế nào. Có điều mới đây tôi nghe nói hai người đã thành vợ chồng sau khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, tha phương nước ngoài và hiện sống ờ Pháp.Tôi thành thật mừng cho anh chị.
Chị Nguyện dạy Việt văn, có vẻ e ấp của gái Huế, với chiếc áo dài màu nhạt và nón lá che nắng buổi trưa, dường như chị hay mơ mộng, ấp ủ niềm riêng của mình. Chị Bích Đào người Đà Lạt, chị của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương, chị dạy Việt Văn(?). Chị sống với con nhỏ trên căn lầu cùng xóm với tụi tôi. Chỗ chị ở nhìn xa như một tổ chim ấm cúng, xinh xắn và bé bỏng như chị vậy. Chị lúc nào cũng hợp thời trang, làm đẹp để vừa lòng chồng chị đang ở trong quân đội. Ông ở xa thỉnh thoảng mới về thăm gia đình.
Niên khóa đầu tiên , tôi là giáo sư hướng dẫn của một lớp đệ tứ. Các em thật là dễ thương và tốt với tôi. Gần hè, lớp tổ chức đi thăm vườn cây ăn trái. Đó là dịp tôi biết thêm về đời sống của người dân miệt vườn. Đất Cần Thơ trù phú, toàn cây lành trái ngọt. Cuộc sống sao mà giản dị, thoải mái , vô tư lự. Tôi nghe nói có vài em ở đây, chèo ghe lên tỉnh học mỗi ngày. Thật không ngờ vì các em ăn mặc tươm tất, bãnh bao nữa là khác.
Người ta thường nói "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", phá phách thầy cô là truyền thống lâu đời. Ngay như trường nữ Gia Long hiền lành của tôi vẫn có vài cô học trò láu lĩnh, tìm cách chọc phá thầy cô bằng được. Tôi mới ra lò sư phạm lại dạy trường nam sinh, làm sao tránh khỏi sơ hở , vậy mà các em đã đón nhận tôi với tình cảm chân thành; làm sao tôi quên được. Các em ngoan , lễ độ, học hành đàng hoàng. Có lẽ các em thấy tội nghiệp nên không nở phá phách chăng?
Trường nữ Đoàn thị Điểm kế bên, giờ tan học, trai thanh gái lịch dập diều chắc đã có nhiều mối tình nẩy nở. Gái Cần thơ đẹp, da dẻ mịn màng nhất là ở tuổi mới lớn. Bao nhiêu năm trôi đi, cuộc đời nhiều thay đổi; nhưng tình cảm của tôi đối với trường vẫn vậy. Đó là lý do hôm nay dù bận rộn, tôi vẫn dành thì giờ ghi lại ký ức về bạn bè, học trò trường Phan Thanh Giản Cần Thơ ở một thời đã qua .
Đặc biệt nơi đó có một người đã mất từ lâu nhưng hình ảnh chị vẫn không phai trong tâm hồn tôi. Đó là chị Liên vợ anh Trương Tiếu Lâm. Vợ chồng chị người Huế, làm việc trong văn phòng nhà trường. Chị là một người đàn bà đẹp dưới mắt tôi. Cái đẹp rất Huế. Trang điểm nhẹ, một chút phấn hồng, một chút son, dù không che hết màu da hơi tái nhưng cũng đủ làm nổi bật nét đằm thắm thanh lịch cuả chị, giọng Huế nhỏ nhẹ với điệu cười khe khẻ. Bản tính dịu dàng của chị làm ai cũng thích.
Có một lần tôi theo chị về nhà ờ trên lầu chung cư gần trường. Cứ lên khoảng một hai tầng cấp là chị bảo tôi dừng lại một chút để nghỉ. Lúc đó tôi mới hiểu rằng chị rất yếu. Bệnh tim làm rã rời thân xác, nhưng tâm hồn chị vẫn là tâm hồn của một người trẻ sinh động, tình cảm dạt dào, thích giao tiếp bạn bè. Chị gắng gượng chống chỏi bệnh tật yếu đuối để sống trọn vẹn như một người bình thường. Chị rất may mắn có một gia đình nề nếp.
Anh Lâm và các con chị đã khá lớn học trung học, thông cảm chị điều đó và hết lòng chăm sóc chị. Anh Lâm hiền lành tận tụy, thật hiếm có một người chồng, một người cha tốt như vậy. Chị tâm sự rằng khi chị còn nhỏ coi tử vi họ tiên đoán rằng đời chị sau này ăn không ngồi rồi, không làm động tới móng tay. Mọi người đã tưởng chị sẽ giàu có sung sướng lắm, hóa ra vì bệnh tim mà như thế.
Thuở đó tôi đã 23 tuổi nhưng chưa trải đời nhiều, còn ngây ngô, nói năng không ý tứ, thế mà chị vẫn quí tôi. Có thể, ở một góc cạnh nào đó, chị tìm thấy nơi tôi một tâm hồn mở ngỏ, sẳn sàng tiếp nhận như một mảnh giấy trắng còn sót lại trong tập nhật ký nó mời gọi ta đặt bút ghi lại những điều ta ấp ủ. Chị đã dẫn tôi đi vào thế giới riêng của chị trong chốc lát.
Giờ đây chị đã ra đi, từ bỏ thân xác với trái tim yếu bệnh , chắc linh hồn của chị nhẹ nhàng thanh thoát. Tôi mong chị sẽ vui khi biết ràng ở một nơi xa xăm lạnh giá,có người bạn nhỏ ngày xưa vẩn nhớ đến chị. Còn với anh Lâm, không biết bây giờ anh ra sao. Tôi hy vọng thời gian đã làm dịu đi nỗi buồn và giúp anh xây dựng lại cuộc đời.
Thư Viện trường Phan Thanh Giản 1974 (hình chụp Cô Mai Thị Bạch Liên) |
Thời gian dạy học ở trường Phan Thanh Giản chưa tới hai năm, thật là ngắn ngủi, nhưng nó đã đánh dấu một khoảng đời rất đẹp trong tôi, một người bắt đầu ra đời đi dạy với trái tim nhiệt tình, với tâm hồn mở rộng, tôi đã may mắn gặp những người bạn tốt ở đó. Giờ đây, tôi đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời nhưng kỹ niệm cũ của hơn 30 năm về trước vẫn không phai nhòa. Đó là chiếc gối êm ả để tôi dựa đầu sau những ngày cuốn nhanh theo cuộc sống.
Hởi những người tôi quen biết ngày xưa, tôi mong rằng các anh chị cũng có những ngày vui như tôi khi dạy và sống ở Cần Thơ. Ngày nay mỗi người một ngã, chẳng biết bao giờ sẽ có dịp gặp lại nhau, tôi chúc tất cã được hạnh phúc, đạt mọi điều như ý trong cuộc đời.
Minnesota,3/04
Chào TÂM ĐOÀN,
ReplyDeleteTôi là Trinh Cát cùng Tâm từ ĐH Sư Phạm Sài Gòn về Cần Thơ năm 1972. Tình cờ đọc được bài trường xưa bạn cũ của Tâm, thấy nhớ lại những ngày xưa trên căn gác trọ cùng bến Ninh Kiều. Đã nhìn thấy hình đoán là Tâm trong chuyến đi Hawaii. Nay muốn có địa chỉ email của Tâm để liên hệ.
Địa chỉ email của tôi là canbphcat@gmail.com
Trinh Cát