.
dưới mái trường Phan
Chuyện xảy ra dưới mái trường Phan tuy trên dưới 40 năm, nhưng được kể lại bằng hai tiếng "ngày xưa" vì lúc còn nhỏ, thầy cô, ông bà, cha mẹ khi kể chuyện cổ tích đều bắt đầu từ hai chữ "ngày xưa". Câu chuyện dưới đây cũng có thể coi là chuyện cổ tích dù xuất hiện trong cuộc đời thường.
Ai cũng biết, trường Trung học Tổng hợp Phan Thanh Giản Cần Thơ là Trường nam sinh, nhưng ở khối lớp 10, 11, 12 có một số nữ sinh từ Trường Trung học Đoàn Thị Điểm chuyển qua học ban B và ban C. Vì vậy dưới sân trường vẫn có những tà áo trắng xuất hiện dù không nhiều. Đầu năm học 1973-1974 xuất hiện ở sân trường một người con gái vóc dáng mảnh khảnh, thướt tha trong màu áo trắng, dáng vẻ dễ thương làm nao lòng dưới bao cặp mắt của các nam sinh.
Lúc đầu có nhiều lời đồn đoán cô là học sinh lớp 12C vì cô còn rất trẻ. Đến khi cô bước chân vào lớp giới thiệu tên và nói phụ trách môn Anh văn thì cả lớp hết hồn, ngỡ ngàng. Cô giới thiệu mình tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, về trường cùng lúc với các thầy Vũ Văn Trung, Đoàn Văn Cường, thầy Lương Xự và cô Nguyễn Lưu Khanh...
Lớp 11A2 có nhiều thầy dạy các môn, nhưng chỉ có 4 cô là cô Nguyễn Thị Nguyện dạy Quốc Văn, cô Trương Thị Diệp dạy Sử Địa, cô Bùi Thị Phượng dạy Vạn Vật và cô giáo trẻ này, nhưng hầu như bao nhiêu tình cảm của lớp nam sinh đều dành hết cho cô. Trong tuần cả lớp mong sao giờ học Anh văn mau đến, chỉ để được nghe cô giảng dạy với tất cả lòng ngưỡng mộ về tài và sắc.
Đến nỗi năm học ấy có một bài thơ được gởi đến thi tập "Thuở Rong Chơi" của lớp 11C mà trưởng lớp là bạn Lê Thuần Phong, em ruột thầy Lê Văn Quới, để đăng:
"Trường Phan từ buổi người mới đến
Kiểng hoa khoe sắc lớp xôn xao
Nhìn người tất cả đều ngơ ngẩn
Dù biết rằng người ở trên cao
Đôi mắt tròn đen đẹp não nùng
Người nhìn ngơ ngác vẻ mông lung
Trên tầng cao ấy - trên cao ấy
Đôi mắt tròn đen khẽ thẹn thùng
Tà áo người bay trong buổi sớm
Làm hồng đôi má đỏ đôi môi
Gần nhau dễ gặp nhưng xa cách
Nghìn trùng diệu vợi một tiếng thôi
Vẫn biết khi mơ đã lỡ làng
Giọt sầu cô đọng phải riêng mang
Nói cùng cây cỏ và trăng gió
Buồn với đất trời với nước mây
Ai xui người đến nơi này nhỉ?
Đường đời vạn nẻo sao không đi
Ngàn năm nghèn nghẹn lời không thốt
Biết nói chi đây nói những gì?
Nếu những dòng này có đến tay
Xin đừng hờ hững với chê bai
Vì trăm năm nữa, ngàn năm nữa
Những đóa hoa hường cũng chẳng phai".
(Tên cô là tên một loài hoa nằm trong câu thơ cuối).
Năm học 1974-1975 lớp 12A4 có thêm 7 nữ sinh, do năm học đó thầy Hiệu trưởng Võ Văn Trí cho phép thu nhận thêm học sinh vì các nam sinh bị lệnh tổng động viên năm “mùa hè đỏ lửa” nên lớp học còn nhiều chỗ trống. Bảy nữ sinh trong lớp này là các bạn Lý Thị Thu Nương, Quách Kim Ngân, Đinh Thị Nguyệt, Bùi Thanh Tâm, Trần Thị Bạch Tuyết, Lê Thị Thu Thủy và em...
Anh được các bạn bầu làm Trưởng lớp 12A4. Lần đầu có các nữ sinh trong lớp học, nên các bạn nam sinh luôn bàn tán xôn xao. Riêng anh không chú ý lắm vì so sánh với các bạn cùng lớp, hoàn cảnh gia đình anh khó khăn: gia đình nông dân, tía má anh làm ruộng tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ, vùng quê nhà xa nơi thành thị, giặc giã khắp xóm làng, hàng năm cả hai bên đều có rất nhiều người chết. Đa số các bạn nam trong lớp đều là con nhà khá giả, các bạn nữ cũng vậy.
Đầu năm, thầy Nguyễn Lễ dạy Sử Địa cho làm bài kiểm tra trắc nghiệm (được in ronéo tại nhà in Bạch Yến của thầy Lương Vinh Sanh dạy Nhạc) trong đó có câu hỏi Tổng thống Mỹ nào đã ra lệnh thả bom nguyên tử tại 2 thành phố Hirosima và Nagasaki của Nhật Bản năm 1945. Vì anh ngồi bàn thứ 2 trong lớp và em ngồi bàn đầu trước mặt anh, nên anh nhìn thấy em chọn tên tổng thống Roosevelt, anh nhắc em nên chọn Tổng thống Truman, em không chịu, còn đòi cá với anh một ly “đá đậu Đoàn Thị Điểm”. Anh chấp thuận, khi thầy Nguyễn Lễ giải đề thi, em thua và có lẽ dưới mắt em, gã học sinh gà mờ Trưởng lớp có phần đáng nể.
Sau đó em chung độ. Lần đầu được ngồi ăn đá đậu trước cổng trường Đoàn Thị Điểm, anh hết sức mắc cỡ, vì hai ly đá đậu có 200 đồng bạc, mà anh không có tiền trả (dù anh thắng độ) dưới cặp mắt quản lý của Dì Hai, là vú nuôi của em, mỗi buổi sáng đưa em đi học và rước em về nhà vào buổi trưa. Để tạo không khí thân quen, anh đề nghị ngày Quốc Khánh sắp tới là ngày 1 tháng 11 năm 1974 (nhằm ngày 18 tháng 9 Âm lịch năm Giáp Dần), cả lớp sẽ tổ chức đi cắm trại, địa điểm được các bạn Ngô Văn Ngây, Công Văn Pho, Trần Tấn Thời mượn tại Trường Tiểu học Bình Lạc, quận Bình Thủy. Cả lớp đồng ý hùn tiền với nhau để mua bánh mì, thịt nguội, nước uống đem theo.
Sáng ngày 1 tháng 11 năm 1974, anh đến Trường sớm, ngồi ở cổng trước, đường Phan Thanh Giản. Các bạn lần lượt đến và đi vào sân trong, riêng anh ngồi ở hành lang dãy đầu, một lúc sau anh thấy ba đưa em đến bằng chiếc xe honda nữ màu đỏ. Thấy em, anh kêu em lại ngồi gần nói chuyện chơi. Trong khi chờ các bạn, anh cũng đề nghị được chở em đi Bình Thủy bằng chiếc xe đạp mini anh mượn của em cô cậu của anh là Trần Văn Linh học cùng lớp.
Đến giờ lên đường, anh chở em đi với nhiều cái nhìn ganh tị của các bạn, dù hằng ngày trong lớp anh rất ít khi nói chuyện với em, vì anh có phần mặc cảm, phần rất nhiều bạn, có bạn ở các lớp khác thường chờ lúc ra chơi tìm cách lại gần trò chuyện với em. Ngày cắm trại, có ăn sáng bằng bánh mì, ăn khoai mì, khoai lang do các bạn nấu. Cuối ngày cắm trại, anh lại chở em về Trường, khi về thì mạnh ai nấy đi tản mác khắp nơi. Về đến Trường còn sớm vì chưa đến 6 giờ chiều và ba chưa đến đón em, nên anh với em còn ngồi ở hành lang dãy lầu sát đường Phan Thanh Giản tiếp tục chuyện trò, tâm sự.
Đến lúc ấy anh mới biết em có tất cả 4 chị em, em là chị gái lớn, kế tiếp còn có 3 em, 2 cô em gái và một em trai út. Gia đình em nổi tiếng giàu có ở đất Cần Thơ, ông cố là doanh nhân nổi tiếng có hãng xe đò, có nhà in, có xưởng nấu rượu, có cơ sở xuất bản báo chí, đặc biệt ông cố có gánh hát cải lương nổi tiếng hoạt động trong thời Pháp thuộc. Ông bà nội, cô dượng của em là những nghệ sĩ cải lương lừng danh ở miền Nam, từng hoạt động từ trong Nam ra Bắc, nhiều lần xuất ngoại đi hát ở nước ngoài. Ông nội còn là soạn giả nhiều tuồng cải lương và thoại kịch nổi tiếng. Ba mẹ em hiện nay vẫn hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy, nhưng không trực tiếp. Vì thế khi đề cập đến em, các bạn thường gọi em là "Người đẹp Tây Đô". Do đó anh mới biết tại sao có nhiều bạn muốn tiếp cận với em khi em vào học những ngày đầu tại Trường.
Mấy ngày sau anh viết cho em một bức thư nói rõ hoàn cảnh gia đình anh, và nêu ý kiến muốn làm bạn với em (không phải vì thấy gia đình em giàu, mà anh biết em rất cô đơn khi không có bạn trai hoặc gái. Ba mẹ em hạn chế việc tiếp xúc của em với bên ngoài, khi đi học hoặc khi ra về đều có Dì Hai là vú nuôi đưa đón, có công việc đi ra ngoài ba mẹ kêu tài xế lấy xe hơi đưa em đi...). Qua lời em kể, anh còn được biết em chơi đàn guitar và piano rất hay, em vẽ cũng giỏi. Sau này em đã vẽ chân dung anh bằng bút chì rất giống (Bản vẽ ấy hiện nay anh còn giữ: hình 1).
Mấy ngày sau khi nhận thư xong em cũng không nói gì đến bức thư. Vài ngày sau nữa, khi anh đi bộ cùng em từ trường về nhà, dọc đường anh có hỏi em về việc anh đề nghị trong thư, em nói đã đọc xong, riêng chuyện giàu nghèo em không quan tâm, không xem là quan trọng. Em nói: "Ba mẹ em giàu lắm! có nhiều tiền, ba mẹ em chỉ cần có người con rể có học thức, có đạo đức thì ba mẹ sẽ đồng ý, ba mẹ không chú ý đến chuyện nghèo giàu". Từ đó, anh hay đi bộ cùng em từ Trường Phan dọc theo đường Ngô Quyền, qua lộ Hòa Bình, đến Phan Đình Phùng, Nguyễn Thái Học. Anh cũng không biết tại sao em không đi đường Ngô Quyền, Hòa Bình, Minh Mạng, Nguyễn Thái Học. Anh và em đi bên nhau dưới sự giám sát của vú em là Dì Hai.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, anh và em thi đậu Trung học Phổ thông (Tú tài cũ) và chuẩn bị thi vào Đại học. Năm 1976 hai đứa nộp đơn thi vào ngành Y của Đại học Y Dược Sài Gòn, em phải lên Sài Gòn ôn thi. Có lần anh lên Sài Gòn thăm em, hai đứa đi xe đạp của em từ nhà dì Tám đường Hiền Vương (nay là Võ Thị Sáu) qua cầu Sài Gòn đến hồ tắm Thiên Nga, dưới dốc cầu Sài Gòn để tắm, vì lúc ấy mình cũng chẳng biết đi đâu. Năm sau anh thi đậu vào ngành Nông Nghiệp của Đại học Cần Thơ, năm sau nữa em thi đậu vào ngành Pháp Văn cũng của Đại học Cần Thơ. Ba mẹ rất nghiêm khắc, ít khi cho em đi ra đường một mình, anh phải viết thư gởi chị Xuyến, chị Năm đưa cho em, khi thì em xin ba mẹ đi mua đá đậu Đoàn Thị Điểm buổi chiều tối, để gặp anh tại Công viên Tao Đàn, đối diện với Ty mục súc, đường Phan Đình Phùng khi anh cùng hai bạn Lê Thuần Phong, Nguyễn Văn Lưu ngồi uống cà phê vỉa hè để chờ em. Đây cũng là nơi em đến báo tin hai đứa thi đậu tốt nghiệp Phổ thông Trung học năm 1975.
Có lần em dẫn em gái em đến chơi nhà của bạn Nguyễn Thị Phương Liên ở đường Nguyễn Trãi, anh có rủ em bà con của anh tên La Thanh Khải, cũng là người học lớp 12B2 cùng lớp với bạn Nguyễn Hoàng Giáp, đi cùng để L. T. Khải làm quen với em gái của em. Có những ngày cuối tuần anh và Khải hẹn nhau đi dạo phố với hai chị em của em rất là vui và tràn đầy kỷ niệm của “tình đầu một thời áo trắng”, nhưng sau đó em gái của em chuyển lên Sài Gòn học, nên ít gặp lại Khải (hiện giờ LTK đang sinh sống ở Melbourne Úc-Châu).
Dù đất nước có nhiều biến động, em vẫn là người con gái con nhà "thế phiệt trâm anh", anh vẫn là người sinh viên nghèo. Mỗi tuần em đem tiền thu được gởi Ngân hàng nhà nước ở đường Phan Đình Phùng, trên dưới 30.000 đồng (Ba chục ngàn đồng). Năm ấy vàng không được cho phép mua bán nhưng thị trường chợ đen giá khoảng 1.500 đồng/lượng (Một ngàn năm trăm đồng/lượng), trong khi học bổng của anh lãnh hằng tháng là 18 đồng (Mười tám đồng). Em đã cho anh 50 đồng (Năm mươi đồng) để sơn sửa lại chiếc xe đòn dông của tía anh để chở em đi chơi và đi học. Hai cái vỏ ruột xe anh phải lên Sài Gòn mua mới có, khi đi thăm em, vậy mà đem về đến Trạm thuế Tân Hương, thuộc huyện Châu Thành - tỉnh Tiền Giang suýt bị tịch thu, anh phải năn nỉ hết lời và đưa thẻ sinh viên ra mới được tha.
Cả thành phố Cần Thơ đều biết anh và em bên nhau, lời đồn đến tai ba mẹ, mẹ kêu chị Năm, vào nhà anh, nhắn anh ra gặp mẹ, anh phải thu hết can đảm gặp mẹ vào một buổi tối. Mẹ hỏi thăm gia đình anh, việc học, sau đó mẹ nói hai đứa còn nhỏ, việc học hành là quan trọng, muốn gì thì đợi lúc tốt nghiệp đại học, người lớn sẽ tính cho. Anh đã hứa với mẹ là sẽ vâng lời mẹ dạy. Mặt mày vóc dáng em giống ba, nhưng tính tình của em giống mẹ rất đẹp, dịu dàng và hiền hậu. Em cũng giống ba mẹ với phong cách sang trọng, đài các, quí phái. Lần gặp đó anh còn nhớ mãi đến bây giờ. Tháng 3 năm 1979, cả lớp anh được thầy Tiến sĩ Phạm Văn Kim, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huỳnh đưa đi thực tập giáo trình 10 ngày tại Bằng Tăng (xã Thới Long), quận Ô Môn. Ngày 20 tháng 3 năm 1979, cả lớp về lại Cần Thơ.
Sau thời gian xa vắng, anh hết sức vui mừng gặp lại em, nhưng lần này cũng hết sức đau buồn khi em cho hay ba mẹ quyết định sẽ rời Cần Thơ trong thời gian tới. Những ngày sau, khi có dịp em xin ba mẹ đi mua đá đậu, nhưng hai đứa đi uống sinh tố tại đường Tự Đức (nay là Lý Tự Trọng), hai đứa chỉ biết nhìn nhau khóc. Đôi ta còn trẻ quá, công danh sự nghiệp chưa có thì làm sao ở bên nhau được, phải nghe lời cha mẹ và chỉ biết hẹn gặp lại khi gia đình em ổn định ở phương xa. Em bảo anh đọc cho em nghe 2 câu thơ cũ của người xưa:
“Lòng em như nước Trường Giang ấy,
Sớm tối theo chàng đến Phúc Châu”.
Ngày 5 tháng 8 năm 1979, em viết cho anh lá thư cuối rất dài, em đã khóc nhòe các dòng chữ, báo tin ngày 8 tháng 8 năm 1979 (nhằm ngày 16 tháng 6 năm Kỷ Mùi), cả gia đình em sẽ đi Rạch Giá. Sau này anh mới biết em xuống Rạch Giá, đi từ Tắc Ráng, Voi Dừa ra biển.
Thế là chấm dứt những tháng ngày thơ mộng của mối tình sinh viên, giữa một nàng tiểu thư đài các và một hàn sinh.
Trước khi đi em gửi lại anh: 1 cây đàn guitar, 1 cuốn album ghi lại hình ảnh thời thơ trẻ của em, và 1 thùng nhỏ đựng quần áo để làm kỷ niệm cùng tất cả thư từ, nhật ký trong 6 năm hai đứa viết cho nhau khi em ở Cần Thơ cũng như khi em ở Sài Gòn. Những kỷ vật ấy đến bây giờ anh vẫn giữ. (hình 2) Đúng như cụ Nguyễn Du có nói:
"Sầu đông càng lắc càng đầy".
Những tháng ngày trôi qua không làm anh quên em mà làm cho nỗi nhớ thêm da diết đến nỗi sụt cân gần chục ký và luận án tốt nghiệp năm 1980 anh định bỏ không làm, nhờ có các bạn trong lớp động viên (bạn Nguyễn Đức Sáng ở Rạch Giá tính toán giùm số liệu thống kê) và tía má anh la rầy anh mới tiếp tục thực hiện. Năm 1980, anh tốt nghiệp loại giỏi và được giữ lại làm giảng viên của khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ.
Lời hứa của anh đối với em, phải cố gắng học giỏi để không phụ lòng em và phụ lòng ba mẹ của em đã được thực hiện.
"Em là hoa mùa xuân khoe sắc
Những cánh vàng rực dưới nắng mai
Nhưng bỗng giữa thu không chờ đợi
Hoa đã nở rồi tự hồn ai
Sân trường năm ấy thật rộn ràng
Dập dìu bướm trắng lướt dọc ngang
Nam sinh tơ tưởng lòng xao xuyến
Hồn quyện theo những bước sen vàng.
Thuở ấy anh còn lắm ngu ngơ
Bảy tiên bên cạnh vẫn thờ ơ
Một lòng mê mãi lo việc học
Biết phận mình đâu dám ước mơ
Em đến bên anh thật bất ngờ
Trại hè Bình Thủy sớm tinh mơ
Anh là lớp trưởng anh đến sớm
Ba đưa em đến thật tình cờ
Anh chở em đi bằng xe đạp
Đường xa anh muốn - muốn xa hơn
Không xa hơn được, anh đạp chậm
Lớp trưởng mà anh đến trễ giờ
Cả lớp quây quần trường Bình Lạc
Bên anh em thấy lạ mọi điều
Chỉ củ khoai mì chưa lột vỏ
Ngập ngừng em hỏi củ gì hở anh?
Em là con gái trong lầu ngọc
Mỗi bước ra đường có vú đưa
Trời xui em đến trong lớp học
Ngồi cạnh bên nhau buổi sớm trưa
Rồi đến những ngày vào Đại học
Nước non hoàn cảnh quá đổi thay
Em như chim nhỏ về phương lạ
Để lại mình anh lặng tháng ngày
Anh vẫn ở đây em ở đâu
Chiều nay bảng lảng bóng mây sầu
Anh ra đứng phía hành lang cũ
Vẫn một mình anh em ở đâu!
Em ơi đời đã biển dâu
Một trăm năm nữa hay lâu hơn nào
Lòng anh nhớ mãi ngàn sau
Một người con gái tình đầu trong mơ".
(Tên em là tên một loài hoa trong câu thơ đầu.)
Trong gia đình anh, má anh là người quý mến em nhiều nhất, cũng là người gặp được em nhiều lần. Có lần em vào nhà thăm anh, gặp má, em ngồi xuống đất gần má, nói chuyện với má. Em cũng phụ giúp má anh thêm dầu lửa trắng vào cây đèn dầu thủy tinh, gắn lại ống khói, vì lúc ấy ở Cần Thơ thường xuyên bị cúp điện ban đêm. Tiện tay em vuốt ve nựng nịu con mèo con màu vàng, mà má anh mới xin nuôi, để bắt chuột trong nhà. Má anh thường nói em là con nhà quyền quý mà có cách cư xử rất bình dân.
Anh luôn nhớ lại và ân hận vì có lần anh hành động nóng nảy làm em hết sức buồn, anh không nhớ kỹ điều gì xảy ra khiến anh nóng giận, mà anh lại xé bài giảng môn "Khí tượng thủy văn nông nghiệp" được in bằng phương pháp ronéo. Em lẳng lặng lấy xấp giấy bị xé đem về. Vài hôm sau em đem trả lại cho anh, sau khi được em dán lại bằng băng keo trong, băng keo trong thời ấy cũng không phải dễ kiếm. Anh hối hận và xin lỗi em, em chỉ nói với giọng rất buồn "Anh đừng xé bài học nữa dù có tức giận đến mấy". Em thật dịu dàng, bao dung biết bao. Vì thương yêu em, nên anh yêu luôn bộ môn nghệ thuật mà gia tộc em theo đuổi và thành danh, qua nhiều thế hệ. Sau năm 1979, xuất hiện tuồng cải lương "Bên cầu dệt lụa" của soạn giả Thế Châu, với 2 nhân vật chính là Trần Minh và Quỳnh Nga. Nội dung vở tuồng đã phần nào nói lên được thân phận và tình cảm của anh, cũng như mối quan hệ của anh và em trong thời gian 2 đứa yêu mến nhau.
Có những đêm không ngủ được, đi lang thang trên đường, có lúc đứng trên cầu Tham Tướng, nhớ những lần em vội vã đi xe lôi vào nhà anh, dù em chỉ lưu lại trong giây lát, đôi khi hai đứa đứng trên cầu nói chuyện buổi chiều tối:
"Hôm nay anh đứng trên cầu
Nhìn dòng nước chảy, cúi đầu nhớ em
Đêm ngày giăng lưới kiếm tìm
Quạnh hiu hiu quạnh cánh chim mịt mờ”
Nhiều năm sau, anh không bao giờ dám đi qua ngôi nhà cũ của em, chiếc xe đòn dông ngày xưa anh chở em đi học, đi chơi anh cất không dám sử dụng, đến nay anh vẫn còn giữ chiếc xe này. Cho đến mùa xuân năm Giáp Ngọ (2014) anh vẫn còn như ngày xưa, vẫn nhớ về một thời trai trẻ có hai người tha thiết mến yêu nhau:
"Khứ niên kim nhật thử môn trung
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
Nhân diện bất tri hà xứ khứ
Đào hoa y cựu tiếu đông phong (*)
Anh ở Cần Thơ với gió đông
Làm sao thấy lại má em hồng
Ba mươi năm lẽ, bao xa cách
Hơn nửa đời người vẫn nhớ mong
Cổ tích ngày xưa mãi hiện về
Cùng người khuê nữ sớm hẹn thề
Trường tan hai đứa cùng sánh bước
Qua lộ Hòa Bình những tưởng mê
Thuở ấy anh là kẻ hàn sinh
Chỉ mơ dám mộng chuyện ân tình
Em người đài các cao sang quá
Yêu sáu năm trời chằng dám tin
Nhớ thuở thi Y ở Sài Gòn
Cầu mong kết quả được vẹn toàn
Như dưới trường Phan ngày tháng cũ
Bên mái trường Y dạ sắt son
Làm sao biết được ý mẹ cha
Dự tính ngày sau phải đi xa
Đại học Cần Thơ mình chung bước
Bảy chín chia lìa - em đến Australia
Vì hiếu đôi mình phải cách chia
Nhưng lòng mãi mãi chẳng xa lìa
Em ơi người cũ luôn mong nhớ
Muốn gặp lại em - dù trong mơ".
Một nam sinh dám làm thơ tặng cô giáo của mình dù mới học lớp 11.Một học sinh nghèo được một nữ sinh đài các, danh gia vọng tộc để mắt đến, điều này khó có thể xảy ra được, nên dùng chữ ngày xưa để nhắc lại rằng, đây là chuyện cổ tích chứ không phải đời thường.Vì là chuyện cổ tích, nên ngày nay không còn manh mối, chỉ còn trong tâm thức như truyện “Lưu Nguyễn Lạc Thiên Thai”.
(*)Thơ Thôi Hộ đời nhà Đường (618 - 907)
Cần Thơ đầu Xuân Giáp Ngọ 2014
Nguyễn Văn Quyền (PTG 68-75)
No comments:
Post a Comment