Saturday, August 27, 2011

Cần Thơ : ảnh cũ người xưa, ai còn? ai mất? Trường xưa trong trí nhớ .

"TRONG SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY"
Hình chụp Lớp 10 B 1 (niên khóa 1972-1973) tại sân trường Phan Thanh Giản, CT.
(Từ trái qua phải : Nguyễn Ngọc Hiệp, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Văn Trung, Bùi ... ?, Nguyễn Sĩ Ân, Lê Thanh Liêm, Nguyễn Văn Tuyết, Lương Hoàng Nam, Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Thanh Phương.   (Hình này do bạn Lương Hoàng Nam cung cấp, xin chân thành cám ơn bạn Nam)
Còn một chút gì, để nhớ để quên?
**************************************************************************************************

Thursday, August 25, 2011

TRƯỜNG XƯA BẠN CŨ

Xin giới thiệu bài tùy bút dưới đây của cô Tâm Đoàn, cựu giáo sư ở trường Phan Thanh Giản ngày xưa. Phần dưới chót in màu nâu đen là những đoạn nhắc về cô Mai Thị Bạch Liên, Quản Thủ Thư Viện của trường PTG, đã từ trần năm 1976.

*Tác giả: Tâm Đoàn (USA)
Sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Sài gòn môn Vạn Vật năm 1972, tôi và chị Trinh Cát cùng chọn về nhiệm sở Phan Thanh Giản (PTG) Cần Thơ. Trường lớn, nằm ở đầu đường cùng tên, có lối kiến trúc thời Pháp na ná như trường Gia Long Sài gòn, nơi tôi trải qua thời trung học, tuy nhiên trường PTG không được khang trang , tu bổ nhiều. Có một điểm trùng hợp là cả hai trường đều nằm trên đường PTG.
Khi tôi mới tới,Hiệu Trưỡng là ông Minh;lúc tôi rời trường, Hiệu trưởng mới là ông Trí. Anh Trung dạy Vạn Vật lớp Đệ nhất coi như người đứng đầu môn này ờ trường. Các ông rất tử tế, luôn tạo mọi điều kiện tốt, thuận tiện cho việc giảng dạy của chúng tôi và sắp xếp thời khóa biểu đễ chúng tôi có ngày nghỉ về thăm nhà ở SG. Tôi còn nhớ ông Trí, người miền Trung, ở ngay trong trường với cô vợ trẻ đẹp dể thương.
Thuở đó, chân ướt chân ráo tới Cần Thơ, còn nhiều bở ngở.Sau một thời gian ngắn vất vả tìm chổ ở,chúng tôi kiếm được một nơi gần trường, đó là căn gát nhỏ của Bác Hai bán bánh mì ở đầu hẻm Hai Địa.Bác góa chồng từ khi còn trẻ,có con gái duy nhất là Thu Hà, lúc đó đang học trường Sư phạm.Hà có khuôn mặt khả ái, cô rất lanh lẹ, hoạt bát.
Căn gát gổ nhỏ hẹp, buổi trưa rất nóng, nhưng tụi tôi không nề hà gì vì nhà toàn là đàn bà, nếu không chịu được thì cứ thoải mái chạy xuống nhà dưới ngủ trên giường của Bác. Sau này có thêm cô Liêng dạy nhạc nhập bọn.Tụi tôi, cơm tháng xách tới,mỗi người một cà mên, ăn xong khỏi rửa,thật là nhàn hạ.
Chị Trinh Cát,người Bắc,có dáng dấp đẹp.Tôi thích nhìn chị, với áo dài lụa ngà may rất khéo, yểu điệu bước đi trên sân trường. Cô Liêng, người Nam, trẻ trung, có khuôn mặt bầu bĩnh, mắt sáng,môi hồng; mẹ cô ở SG thường xuyên xuống thăm. Còn tôi, sinh ở Huế nhưng sống ở SG, tuy đã lớn nhưng đôi lúc ăn nói vẫn còn thật thà quá cở.
Thế là trên căn gát hẹp, tối tối bốn cô gái họp nhau đủ tạo thành một cái chợ nhỏ, nhất là cả ba cô bạn của tôi đều có số đào hoa nên lúc nào cũng có chuyện để nói, để tâm tình nhỏ to hay cười giởn. Buổi chiều, tôi và chị Trinh Cát thích thả bộ tới bến Ninh kiều. Buổi tối, nếu không bận soạn bài để chuẫn bị cho buổi dạy ngày mai, tụi tôi mua bánh mì thịt của bác Hai và mấy trái cây lĩnh kĩnh vừa ăn vừa nói chuyện, ca hát rất vui.

Đó là những ngày vui hiếm có và cũng là khoảng thời gian duy nhất trong đời, tôi được sống với bạn bè trong nhà trọ, xa gia đình, lại mới đi làm, đũng đĩnh có chút tiền nên tha hồ sắm sửa, tiêu xài. Bây giờ nhớ lại, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lại thêm, thỉnh thoảng, các anh giáo sư trẻ kéo nhau tới thăm tụi tôi.
Tôi còn nhớ một số các anh dạy Anh văn như anh Kháng ( hay Khánh), anh Huệ, anh Kiễm. Anh Kháng cao, ăn nói lịch sự, từ tốn. Anh Kiễm thì liếng thoáng,thích nói đùa.Cả hai anh là người Bắc, còn anh Huệ hình như người Trung, đẹp trai, tính tình bộc trực. Dạy Việt văn thì có anh Chung Phước Khánh, người Nam, chân thật, thích nói chuyện thơ văn. Dạy Sữ Địa có anh Nghị người có vẻ hiền, trầm lặng, chỉ ngồi cười thôi.
Các anh rất vui tính, xuề xòa, "mỗi ngươi một vẽ, mười phân vẹn cả mười". Quả thật, đúng như người ta nói: các ông thầy giáo lúc nào cũng hiền lành, đứng đắn. Hình như các anh sống ngay trong trường như ông Phùng quang Lộc, người Nam dạy Triết. Ông Lộc lúc đó được coi như lão làng, dạy lâu năm ở đây, tính tình điềm đạm, nói năng chậm rãi. Qua câu chuyện, tôi đoán ông là người có tài nhưng bất đắc chí. Tôi coi ông như bậc thầy, hỏi thăm ông chuyện này chuyện nọ.
Trong trường, đến giờ nghỉ, các thầy cô vô phòng giáo sư uống nước trà nghỉ mệt. Tôi không còn nhớ nhiều các chị dạy chung ngoại trừ chị Đức Hạnh, chị Nguyện, chị Bích Đào. Chị Đức Hạnh người Bắc, dạy Sử Địa, có dáng mệnh phụ, lúc nào cũng trang điểm kỷ lưỡng,áo dài mượt mà tươm tất. Chị thích nói chuyện và hay chỉ vẽ tôi như một bà chị ruột. Tôi còn nhớ chị hay khuyên tôi nên trang điểm đánh phấn vì ngoài việc làm đẹp còn có tác dụng ngăn bụi bặm vào da. Chị lịch lãm, kinh nghiệm và cởi mở.
Có một lần, ông Lộc trổ tài coi bói, bảo tôi và chị đưa tay cho ông đoán số mệnh, tôi mắc cở không dám, còn chị thì tỉnh bơ xòe tay ra. Hình như sau đó tôi phải lên lớp nên không biết ông đoán đời chị như thế nào. Có điều mới đây tôi nghe nói hai người đã thành vợ chồng sau khi miền Nam lọt vào tay Cộng Sản, tha phương nước ngoài và hiện sống ờ Pháp.Tôi thành thật mừng cho anh chị.
Chị Nguyện dạy Việt văn, có vẻ e ấp của gái Huế, với chiếc áo dài màu nhạt và nón lá che nắng buổi trưa, dường như chị hay mơ mộng, ấp ủ niềm riêng của mình. Chị Bích Đào người Đà Lạt, chị của cố nhạc sĩ Lê Uyên Phương, chị dạy Việt Văn(?). Chị sống với con nhỏ trên căn lầu cùng xóm với tụi tôi. Chỗ chị ở nhìn xa như một tổ chim ấm cúng, xinh xắn và bé bỏng như chị vậy. Chị lúc nào cũng hợp thời trang, làm đẹp để vừa lòng chồng chị đang ở trong quân đội. Ông ở xa thỉnh thoảng mới về thăm gia đình.
Niên khóa đầu tiên , tôi là giáo sư hướng dẫn của một lớp đệ tứ. Các em thật là dễ thương và tốt với tôi. Gần hè, lớp tổ chức đi thăm vườn cây ăn trái. Đó là dịp tôi biết thêm về đời sống của người dân miệt vườn. Đất Cần Thơ trù phú, toàn cây lành trái ngọt. Cuộc sống sao mà giản dị, thoải mái , vô tư lự. Tôi nghe nói có vài em ở đây, chèo ghe lên tỉnh học mỗi ngày. Thật không ngờ vì các em ăn mặc tươm tất, bãnh bao nữa là khác.
Người ta thường nói "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò", phá phách thầy cô là truyền thống lâu đời. Ngay như trường nữ Gia Long hiền lành của tôi vẫn có vài cô học trò láu lĩnh, tìm cách chọc phá thầy cô bằng được. Tôi mới ra lò sư phạm lại dạy trường nam sinh, làm sao tránh khỏi sơ hở , vậy mà các em đã đón nhận tôi với tình cảm chân thành; làm sao tôi quên được. Các em ngoan , lễ độ, học hành đàng hoàng. Có lẽ các em thấy tội nghiệp nên không nở phá phách chăng?
Trường nữ Đoàn thị Điểm kế bên, giờ tan học, trai thanh gái lịch dập diều chắc đã có nhiều mối tình nẩy nở. Gái Cần thơ đẹp, da dẻ mịn màng nhất là ở tuổi mới lớn. Bao nhiêu năm trôi đi, cuộc đời nhiều thay đổi; nhưng tình cảm của tôi đối với trường vẫn vậy. Đó là lý do hôm nay dù bận rộn, tôi vẫn dành thì giờ ghi lại ký ức về bạn bè, học trò trường Phan Thanh Giản Cần Thơ ở một thời đã qua .

Đặc biệt nơi đó có một người đã mất từ lâu nhưng hình ảnh chị vẫn không phai trong tâm hồn tôi. Đó là chị Liên vợ anh Trương Tiếu Lâm. Vợ chồng chị người Huế, làm việc trong văn phòng nhà trường. Chị là một người đàn bà đẹp dưới mắt tôi. Cái đẹp rất Huế. Trang điểm nhẹ, một chút phấn hồng, một chút son, dù không che hết màu da hơi tái nhưng cũng đủ làm nổi bật nét đằm thắm thanh lịch cuả chị, giọng Huế nhỏ nhẹ với điệu cười khe khẻ. Bản tính dịu dàng của chị làm ai cũng thích.
Có một lần tôi theo chị về nhà ờ trên lầu chung cư gần trường. Cứ lên khoảng một hai tầng cấp là chị bảo tôi dừng lại một chút để nghỉ. Lúc đó tôi mới hiểu rằng chị rất yếu. Bệnh tim làm rã rời thân xác, nhưng tâm hồn chị vẫn là tâm hồn của một người trẻ sinh động, tình cảm dạt dào, thích giao tiếp bạn bè. Chị gắng gượng chống chỏi bệnh tật yếu đuối để sống trọn vẹn như một người bình thường. Chị rất may mắn có một gia đình nề nếp.
Anh Lâm và các con chị đã khá lớn học trung học, thông cảm chị điều đó và hết lòng chăm sóc chị. Anh Lâm hiền lành tận tụy, thật hiếm có một người chồng, một người cha tốt như vậy. Chị tâm sự rằng khi chị còn nhỏ coi tử vi họ tiên đoán rằng đời chị sau này ăn không ngồi rồi, không làm động tới móng tay. Mọi người đã tưởng chị sẽ giàu có sung sướng lắm, hóa ra vì bệnh tim mà như thế.
Thuở đó tôi đã 23 tuổi nhưng chưa trải đời nhiều, còn ngây ngô, nói năng không ý tứ, thế mà chị vẫn quí tôi. Có thể, ở một góc cạnh nào đó, chị tìm thấy nơi tôi một tâm hồn mở ngỏ, sẳn sàng tiếp nhận như một mảnh giấy trắng còn sót lại trong tập nhật ký nó mời gọi ta đặt bút ghi lại những điều ta ấp ủ. Chị đã dẫn tôi đi vào thế giới riêng của chị trong chốc lát.
Giờ đây chị đã ra đi, từ bỏ thân xác với trái tim yếu bệnh , chắc linh hồn của chị nhẹ nhàng thanh thoát. Tôi mong chị sẽ vui khi biết ràng ở một nơi xa xăm lạnh giá,có người bạn nhỏ ngày xưa vẩn nhớ đến chị. Còn với anh Lâm, không biết bây giờ anh ra sao. Tôi hy vọng thời gian đã làm dịu đi nỗi buồn và giúp anh xây dựng lại cuộc đời.
Thư Viện trường Phan Thanh Giản 1974  (hình chụp Cô Mai Thị  Bạch Liên)
Thời gian dạy học ở trường Phan Thanh Giản chưa tới hai năm, thật là ngắn ngủi, nhưng nó đã đánh dấu một khoảng đời rất đẹp trong tôi, một người bắt đầu ra đời đi dạy với trái tim nhiệt tình, với tâm hồn mở rộng, tôi đã may mắn gặp những người bạn tốt ở đó. Giờ đây, tôi đã trải qua bao thăng trầm trong cuộc đời nhưng kỹ niệm cũ của hơn 30 năm về trước vẫn không phai nhòa. Đó là chiếc gối êm ả để tôi dựa đầu sau những ngày cuốn nhanh theo cuộc sống.
Hởi những người tôi quen biết ngày xưa, tôi mong rằng các anh chị cũng có những ngày vui như tôi khi dạy và sống ở Cần Thơ. Ngày nay mỗi người một ngã, chẳng biết bao giờ sẽ có dịp gặp lại nhau, tôi chúc tất cã được hạnh phúc, đạt mọi điều như ý trong cuộc đời.
Minnesota,3/04

Kỷ Niệm Trùng Tu Mộ cụ Bùi Hữu Nghĩa 1972 (bài của Nguyễn Văn Quyền)

Xin giới thiệu bài viết này của bạn Nguyễn Văn Quyền đã được đăng trong Đặc San PTG-ĐTĐ tại Dallas, Texas, Hoa Kỳ năm 2001.(xin bấm vô hình bên dưới sẽ đọc được chữ lớn hơn hoặc rà xuống cuối trang này).
 


Ban Giám Đốc TH Phan Thanh Giản niên khóa 1974-975


Wednesday, August 24, 2011

Phan Thanh Giản - Vị Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ

 Phan Thanh Giản - Vị Tiến Sĩ đầu tiên của đất Nam Kỳ 

Tưởng nhớ ngày mất của Tiến sĩ Phan Thanh Giản (mồng 5 tháng 7 năm Đinh Mão – 4-8-1867)
 Tiến sĩ HUỲNH CÔNG TÍN



Vùng đất Lục Tỉnh (Nam Kỳ) được chính thức khai khẩn kể từ khi chúa Nguyễn sai Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược năm Mậu Dần (1698) tính đến nay được trên 300 năm. So với đất Thăng Long cổ kính gần 1.000 năm (1010), Nam Kỳ là đất mới, nhưng mảnh đất này với 300 năm đã để lại những tên tuổi lớn: Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký... Là người Nam Bộ, ai cũng có niềm tự hào về những danh nhân Nam Bộ này. Là kẻ sĩ, hay là học trò, tôi nghĩ, ai cũng có niềm vinh hạnh khi nhắc về vị Tiến sĩ đầu tiên đất Nam Kỳ Phan Thanh Giản (1796 - 1867) mà cuộc đời ông là một bi kịch.
Về Bảo Thạnh, Ba Tri (Bến Tre), quê hương của Phan Thanh Giản trong thời gian này, những năm đầu của thế kỷ XXI, tuy đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn nhiều dấu vết của một vùng quê hết sức nghèo khó. Gần 200 năm trước, nơi đây, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh, sau đổi ra làng Bảo Thạnh, tổng Bảo Trị, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là làng Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) có một vị tiến sĩ mà người nay chỉ biết tự hào, không sao lý giải nổi về sự thành đạt ấy. Sự thành đạt ở vùng quê này thì quả là điều kỳ diệu, có sức lay động mọi tâm hồn người Nam Bộ, nói lên nghị lực phi thường và ý chí vươn xa của người thanh niên Phan Thanh Giản ở vào tuổi thiếu thời.
Bài thơ “Kí nội” ông viết, khi ra kinh đô Huế ứng thí, không chỉ nói lên được ý nguyện của ông về chí làm trai, mà còn chứa đựng trong đó một tình cảm hết sức nhân ái đối với gia đình và cả đối với làng xóm, quê hương:
“Từ thuở vương xe mối chỉ hồng,
Lòng này ghi tạc có non sông.
Đường mây cười tớ ham giong ruổi,
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng.
Ân nước nợ trai đành nỗi bận
Cha già nhà khó cậy nhau cùng.
Mấy lời dặn bảo cơn lâm biệt,
Rằng nhớ rằng quên lòng hỡi lòng!”.
Hai câu “Đường mây cười tớ ham giong ruổi, Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng” đủ để nói lên chí nguyện và tình cảm của ông đối với người thân.
Trong bài “Gia biệt”, ông lại nói về cái chí của một người học trò nghèo ở một vùng quê khó nhọc, quả đáng cho chúng ta khâm phục:
“Ngã sanh bổn hàn tố,
Ngã tâm tư cổ đạo,
Thập tải sự mao chùy,
Sở chí phi ôn bão”.
(Tạm dịch: Tôi sinh trong một gia đình nghèo, lòng vốn chăm theo học đạo xưa, sự mở mang tâm trí những mất mười năm, cốt lập chí không vì sự no ấm).
Và sự khiêm tốn như một bản chất vốn có của ông từ thuở thiếu thời:
“Độc học tối cô lậu,
Sở đắc diệc lỗ mãng.
Khởi cảm vọng thanh tử,
Văn kiến thứ hữu bổ”.
(Tạm dịch: Việc tự học nên rất quê mùa, kém cỏi, điều học được hãy còn chưa đầy đủ, dám mơ gì xiêm áo, mong có được hiểu biết cũng bổ ích rồi).
Tình cảm mà ông dành cho gia đình là một tình cảm vô bờ bến. Nhưng chí làm trai như lời “nghiêm huấn” luôn được ông đặt trên. Vì thế, cuộc chia tay để đi vào chốn quan trường đối với chàng thanh niên Phan Thanh Giản không phải là điều dễ dàng. Kết thúc bài thơ, ông viết:
“Du du xuất môn khứ,
Lâm thâm dạ sắc vi.
Gia cận bất khả kiến,
Thế lệ triêm thường y”.
(Tạm dịch: lòng buồn rười rượi khi bước ra khỏi nhà, rừng sâu đêm tối mờ mờ, nhà gần mà không thể nhìn thấy, nước mắt dầm dề khăn áo).
Hai bài thơ trước khi ông đi làm quan đủ để nói lên nhân cách, đạo đức căn bản mà ông đã tiếp thu được từ nền tảng giáo dục trọng đạo lý của gia đình.

Khu mộ cụ Phan Thanh Giản ở quê nhà Ba Tri (Bến Tre). 
Trên bước đường công danh, nói tới Phan Thanh Giản, người đời thường đề cập tới hai khía cạnh: một vị quan đạo đức, chính trực - liêm khiết, thương dân, nhưng cuối đời vướng phải một bi kịch; một nho sĩ có tầm hiểu biết rộng và nhân cách lớn rất đỗi tự hào của đất Nam Kỳ.
Là một vị quan của triều đình phong kiến cuối thời, tuy ông đi làm quan xa gia đình và mặc dù triều đình phong kiến cho phép, nhưng ông không như những vị quan thông thường khác năm thê, bảy thiếp. Điều này nói lên một phẩm chất đạo đức đáng được ghi nhận ở ông. Hoàng Lại Giang viết về sự cảm nhận của Minh Mạng với Phan Thanh Giản như sau: “Minh Mạng im lặng. Tuy giận, nhưng xét cho cùng Phan Thanh Giản là người trong sáng và tâm đức. Chẳng thế mà y vừa lấy vợ được bảy ngày đã nhờ vợ về chăm sóc ông Phan Thanh Ngạn ở Vĩnh Long đang già yếu. Y thị thương chồng cưới cho y một con vợ, ra Huế lo sớm tối cho y, y lại từ chối cho về. Đấy đúng là quân tử sỉ kì ngôn nhi quá kì hành” (Hoàng Lại Giang - “Phan Thanh Giản nỗi đau trăm năm”).
Phan Thanh Giản đi làm quan, nhưng ông luôn ở một tâm trạng đầy mâu thuẫn. Đó là hoài bão công danh sự nghiệp của kẻ làm trai đối lập với chốn quan trường xu nịnh, tham lam, giả dối cộng với ước muốn dân dã, bình dị của một thanh niên quen sống ở chốn quê mùa. Tâm trạng này của Phan Thanh Giản được ghi lại qua nhiều bài thơ của ông. Trong bài “Mạch liễu”, ông viết:
“Khâu viên quy bạn
Đào Bành Trạch,
Khẳng trục trần ai lão mạch đầu”.
(Tạm dịch: Muốn quay về vườn gò làm bạn với Đào Uyên Minh, để có thể tẩy sạch bụi trần trên khăn đầu già).
Hay trong bài “Vãn độ ngâm”, ông nói về nỗi nhớ quê nhà, đất phương Nam của ông:
“Cử mục thanh sơn minh.
Hồi đầu tứ lí đao.
Hốt phùng Nam khứ hạc,
Mang thủ bất thăng chiêu”.
(Tạm dịch: Ngẩng lên thấy núi xanh, quay đầu lại nhìn thì quê hương xa khuất, bỗng gặp chim hạc bay về phương Nam, vội vàng đưa tay vẫy mãi không thôi).
Ở bài “Sơ hạ”, Phan Thanh Giản lại thổ lộ nỗi lòng của người đi xa:
“Gia mộng thiên đồng viễn
Ki hoài nhật cộng trường.
Tương tu kinh để khách,
Phong tiện mạn hoàn lương”.
(Tạm dịch: Mơ quê nhà xa diệu vợi, buồn nơi đất khách dằng dặc ngày dài, khách kinh thành hẹn đợi nhau, gặp dịp tiện sẽ về quê).
Có lẽ vì tâm sự này được gửi gắm qua nhiều bài thơ của Phan Thanh Giản, mà Hoàng Lại Giang tái tạo lại tâm trạng của Phan Thanh Giản khi ông trò chuyện với ông trùm Đức như sau: “Ta muốn về trở lại đồng quê, sống với cây cỏ chim muông, cạnh cha già để sớm hôm hầu hạ, cạnh bạn ta Lê Bích Ngô, Phan Dĩ Thử hàn huyên tâm sự, xướng họa văn thơ còn hơn là tham gia triều chính, thấy điều phải không dám theo, thấy điều trái không dám can thì chỉ có nặng thêm tội” (Sđd).
Phan Thanh Giản là vị quan thanh liêm chính trực, vị quan biết chăm lo cho dân. Điều này chắc không ai nghi ngờ gì ở tấm lòng son của ông. Vì dân, trong đời làm quan, ông đã nhiều lần đứng ra can gián vua và ông cũng đã từng bị mất chức vì việc này. Chỉ cần nêu ra đây vài sự kiện để minh định cho tấm lòng liêm chính của ông.
Năm 1834, Minh Mạng thứ 15, ông được cử đi sứ Trung Quốc, vua quan nhà Thanh ban cho ông nhiều tặng vật, ông cũng liệt kê đầy đủ trong sổ trình vua. Khi vua cho ông vật gì, ông mới dám nhận lãnh làm của riêng.
Năm 1835, trước khi đi Trấn Tây, ông viết thư cho cha mình như sau: “Con mắc lo việc nước, lâu ngày nhớ cha. Con kính xin cha lên Vĩnh Long chơi, đợi lúc con đi Trấn Tây về con sẽ ghé Vĩnh Long lạy mừng cha. Hiện giờ con phụng mạng vua lo việc nước, không dám quanh đường ghé tắt để viếng thăm nhà được” (Sđd).
Năm 1836, trong bức sớ can vua Minh Mạng ngự giá Quảng Nam, ông viết: “Hạ thần là kẻ giữ đất, chăn dân, gội đức vua, không làm cho dân được hạnh phúc, thật là có tội. Kẻ hạ thần thấy rằng: từ khi bệ hạ lên ngôi đến nay, mỗi việc đều lấy đức dạy dân nên kẻ hạ thần xin bệ hạ đình chỉ ngự giá đợi đến trời đất khí hòa, mùa được dân no. Xin bệ hạ thẩm xét” (Sđd).
Năm 1843, năm Thiệu Trị thứ 3, Phan Thanh Giản lại dâng bài sớ khéo léo chỉ trích vua, đồng thời đề nghị biện pháp sửa đổi nền hành chánh địa phương. Ông viết về tệ nạn của quan lại địa phương: “Lại còn một số quan lại không tốt, nhân lúc quốc gia hữu sự cho là dịp may. Những vụ giấy tờ bẩm báo, cùng là bắt lính đòi xâu, chẳng một việc gì chúng không tạ sự sách nhiễu hoặc làm khó dễ. Cái thói xấu này ở xứ Nam Kỳ là thậm tệ nhứt. Về dân xứ này sợ quan như cọp, nha lại mặc sức thay trắng đổi đen...”. Ông đề nghị vua xin xuống một đạo dụ nói rõ: “... Bên trong thì các đại thần ngôn quan. Địa phương bên ngoài thì các viên chức lớn phải nên đem hết trí nghĩ ra và mối chân tình trung quân ái quốc, đối với các điều lợi hại về đời sống của dân, không kể lớn nhỏ, không cần kiêng nể, đều phải bày tỏ không nên giấu giếm” (Sđd).
*
* *
Rõ ràng Phan Thanh Giản làm quan không vì chức tước, bổng lộc mà vì một nỗi “ái quốc, thương dân”, ông luôn canh cánh bên lòng: “Lo nỗi nước kia cơn phiến biến. Thương bề dân nọ cuộc giao chinh”. Những hành xử của ông trên con đường làm quan đủ để nói lên những phẩm chất đáng kính trọng ở ông. Bởi đó, suy xét như ông Nguyễn Văn Châu, nguyên thường vụ tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, trong bài “Bến Tre với nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản” quả là thấu lý, đạt tình: “Làm quan như Phan Thanh Giản mà cuộc sống nhà cây, vách lá, phên tre, không hầu thiếp, không của cải riêng tư, xưa nay có mấy người được như thế” (Thế kỷ XXI nhìn về nhân vật lịch sử Phan Thanh Giản).
Đời làm quan của Phan Thanh Giản, từ năm 1826 đến năm 1867, trải qua nhiều thăng trầm: ông đã bị vua thăng chức và giáng chức nhiều lần. Từ vị trí khởi đầu “chánh thất phẩm” (1826), một năm sau ông được thăng 3 cấp quan lên hàng “chánh tứ phẩm” (1827), hai năm sau lên “chánh tam phẩm” (1829), rồi được thăng “tòng nhị phẩm” (1831).
Năm 1831, ông lại bị giáng xuống cấp quan gần nhỏ nhất “chánh cửu phẩm” (1831), vì vốn là một quan văn mà phải lãnh lệnh cầm quân đánh giặc nên ông đã thua trận. Ông đã phải phấn đấu làm lại từ đầu và năm sau ông được thăng chức “tòng thất phẩm” (1832), rồi từ “tòng thất phẩm”, một năm sau, ông lại được thăng “chánh tứ phẩm” (1833), “chánh tam phẩm” (1834) và một năm sau, ông đạt được chức vị cũ là “tòng nhị phẩm” (1835).
Rồi ông bị giáng chức lần hai, một năm sau đó xuống hàng “chánh lục phẩm” (1836), vì vụ dâng sớ ngăn vua ngự giá Quảng Nam để tránh sự khốn khổ cho dân nghèo. Cũng trong năm đó, vua xét lại tính cương trực ở ông nên cho thăng chức “chánh tam phẩm” (1836).
Nhưng hai năm sau, ông lại bị giáng chức lần ba xuống hàng “chánh tứ phẩm” (1838), vì quên đóng ấn một chương sớ. Một năm sau, ông lại được phục chức “chánh tam phẩm” (1839).
Cũng năm đó, ông lại bị giáng lần bốn, xuống một cấp “tòng tam phẩm” (1839), vì vụ án Vương Hữu Quang, vua ngờ rằng ông biện minh giảm nhẹ tội cho người đồng hương.
Tiếp năm sau, ông lại bị giáng cấp lần năm, xuống “chánh tứ phẩm” (1840), vì vụ bài thơ điệp vận “Mai trúc tùng”. Hai năm sau, ông được thăng lại chức quan cao mà ông đã từng nắm giữ “tòng nhị phẩm” (1842).
Năm năm sau, ông được thăng chức “chánh nhị phẩm” (1847), rồi lên chức “tòng nhất phẩm” (1853). Chỉ còn một chức quan “chánh nhất phẩm” nữa là tới tột đỉnh của các phẩm quan. Nhưng năm 1862 ông bị cách lưu, vì vụ thương lượng chuộc ba tỉnh miền Đông bị thất bại, một công việc thất bại tất yếu mà cả triều đình phong kiến lúc bấy giờ, kể cả Tự Đức, cũng không ai làm được, huống gì một Phan Thanh Giản.
Sau năm đó, vào năm 1865, Phan Thanh Giản biết mình tuổi già, sức yếu đã xin vua cho về hưu, nhưng bị từ chối. Năm 1866, ông lại xin từ chức một lần nữa vì bệnh tật, nhưng cũng bị từ chối và còn bị vua khiển trách, yêu cầu ông hoàn thành sứ mệnh lấy lại mấy tỉnh Nam Kỳ. Đến năm 1867, quân đội Pháp chiếm đóng nốt 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ, biết không thể làm gì hơn và để tránh một cuộc đổ máu vô ích của dân, Phan Thanh Giản ra lệnh cho các quân đội dưới quyền ông đầu hàng. Đây cũng là điểm mốc bi kịch của cuộc đời ông và là cái cớ hết sức phi lý mà Tự Đức và những người chủ chiến kết tội ông.
Nếu nói công bằng, chính Tự Đức chẳng những không thấy trách nhiệm “chăn dân” của mình là đã đẩy ông đến chỗ chết, (ông đã tuẫn tiết ngày 1- 8- 1867, sau 17 ngày nhịn ăn, để tự xử việc làm của mình), mà còn đổ vấy mọi trách nhiệm lịch sử lên đầu Phan Thanh Giản, bằng cách “truy tước” mọi phẩm hàm của ông và còn lạm quyền “đục bia tiến sĩ” của ông, để rồi ông phải mang thêm tội “bán nước” mà cho đến tận ngày nay, không phải ai cũng hiểu cho ông. Đúng là một đánh giá lịch sử bất công dành cho Phan Thanh Giản.
Triều đình Đồng Khánh năm thứ I, tức 19 năm sau khi ông mất, 18 năm sau khi ông bị tước phẩm hàm, xóa tên trên bia tiến sĩ, đã trả lại công bằng lịch sử cho ông. Nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã tôn thờ ông, dựng tượng ông. Những năm 60 của thế kỷ XX, ông lại bị một số người đánh giá không tốt về ông, để đến bây giờ, ở đầu thế kỷ XXI, ông được đánh giá lại một lần nữa và xóa cho ông oan tội “bán nước”.
Có lẽ, cái “số trời” đã đặt để nơi ông nhiều bi kịch, nói như Cao Tự Thanh “cái số phận nhiều cay đắng mà ít vinh quang” là rất đúng và cũng đúng như nhận định của anh dưới đây về ông: “Là một nhân vật lịch sử có số phận khác thường, Phan Thanh Giản đã chết bốn lần. Lần thứ nhất là Phan uống thuốc độc tự tử. Lần thứ hai, Phan bị thực dân ám sát khi khen ông sáng suốt không chống lại Pháp. Lần thứ ba, Phan bị triều đình Tự Đức bức tử với bản án “truy đoạt tất cả chức hàm, đục tên trong bia Tiến sĩ, giữ mãi cái án trảm giam hậu”. Lần thứ tư là vào thời gian 1960 - 1963, khi chúng ta hạ quyết tâm dùng bạo lực cách mạng để giải phóng miền Nam, và nền sử học rời khỏi con đường dài phục vụ cách mạng mà đi vào con đường tắt phục vụ chính trị đương thời đã xử tử ông (cũng như phê phán những người yêu nước không dùng bạo lực như Phan Chu Trinh), gây ra một công án đau lòng khiến những trí thức đương thời như Ca Văn Thỉnh day dứt và các chính khách như Võ Văn Kiệt hiện nay trăn trở...” (Sđd).
Nhưng phải thấy rằng, nhân dân chưa bao giờ đánh giá Phan Thanh Giản “tệ hại”. Tôi rất đồng tình với nhận định của Nguyễn Văn Châu về Phan Thanh Giản như sau: “... Người Bến Tre - quê hương của Phan Thanh Giản từ trước đến nay vẫn kính trọng nhân cách, đức độ và tiết tháo của người “học trò già” sinh ra và chôn xác dưới Gãnh Mù U, không ai xúc phạm đến ông, không coi ông là một kẻ phản bội, đầu hàng hay bán nước...” (Sđd).
Nguyễn Đình Chiểu được xem là ngọn cờ đầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ thời bấy giờ đã khóc thương khi hay tin Phan Thanh Giản mất. Nhà thơ mù đất Bến Tre bằng ngòi bút “đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” luôn có con mắt sáng khi nhìn sự việc: ông đánh giá sự hy sinh của nghĩa binh Cần Giuộc đánh đồn, cũng như khi ông làm 2 bài thơ điếu Phan Thanh Giản với lời lẽ thắm thiết nghĩa tình: “Minh tinh chín chữ lòng son tạc, Trời đất từ đây mặc gió thu”. Hay: “Lịch sử tam triều độc khiết thân. Vi quân thùy tán nhứt phương dân” (Trải việc ba triều trọn sạch thân, Không ông ai đỡ một phương dân). Và trong bài “Lục tỉnh sĩ dân trận vong”, Nguyễn Đình Chiểu còn một câu đánh giá Phan Thanh Giản, bên cạnh câu đánh giá Trương Định như sau: “Phải trời cho mượn cán thương phá lỗ, Trương tướng quân còn cuộc nghĩa binh; Ít người đặng xem tấm bảng phong thần, Phan học sĩ hết lòng mưu quốc”. Một con người như thế, làm sao có thể bán nước được. Rõ ràng ngòi bút của nhà thơ yêu nước nổi tiếng Bến Tre không hề có một lời lẽ nào xúc phạm đến nhân cách Phan Thanh Giản. Đành rằng, sau khi Phan Thanh Giản mất có câu “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”; nhưng câu ấy căn cứ từ đâu, ai nói thì không rõ và tại sao ta cứ phải dựa vào câu khẩu hiệu thiếu căn cứ của những kẻ chủ chiến nào đó mà buộc ông tội bán nước.
Về vấn đề này, chúng tôi tin ý kiến của cố học giả Ca Văn Thỉnh trong bài “Các nhân vật cận đại tiêu biểu của Bến Tre” được dẫn qua tham luận của Nguyễn Văn Châu. Ca Văn Thỉnh viết: “Phê phán hành động của Phan Thanh Giản, nhóm Đông kinh nghĩa thục năm 1907 đã nhắc đến chi tiết Trương Định đề cờ “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân”. Theo chỗ tôi biết thì người kháng chiến đồng thời với Trương Định là Nguyễn Thông khi viết về truyện Trương Định không hề nói đến việc đề cờ này. Chúng ta tin tiểu sử của Trương Định do Nguyễn Thông viết thời Trương Định kháng Pháp cứu nước hay tin theo lời của nhóm Đông kinh nghĩa thục phát biểu nửa thế kỷ sau này?”. (“Kỷ yếu hội thảo khoa học về địa chí văn hóa Bến Tre năm 1985”, trang 71, bản đánh máy).
Và nếu có đi nữa thì người dân thường vẫn đặt ra câu hỏi như Nguyễn Văn Châu đã đặt ra: “Ông Phan mãi quốc để cầu vinh hay cầu lấy cái nhục và một chén thuốc độc để tự hủy cuộc đời mình? Người trí thức có ai làm thế không?”. Chúng tôi nghĩ rằng, người bình thường cũng không ai làm thế.
Nói như Minh Chi, khi đánh giá về ông: “... nhìn qua suốt cuộc đời của ông Phan, cho đến khi ông tuẫn tiết ngày 1- 8-1867, chúng ta khó có thể buộc tội họ Phan bán nước.
Bán nước là để vinh thân phì gia, hay là bán nước rồi sẽ tự tử chết?
Trong tất cả lòng tham của con người thì lòng tham sống sợ chết là mãnh liệt hơn cả. Phan Thanh Giản với sự tuẫn tiết, đã tỏ ra không ham sống, sợ chết; đã tỏ ra chiến thắng được mình, là một chiến thắng khó nhất:
“Dù tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng”.
(Kinh pháp cú - Bản dịch Hòa thượng Thích Minh Châu)” (Sđd).
Anh bạn Nguyễn Phú Lộc, giảng viên Toán học Trường Đại học Cần Thơ có kể tôi nghe một cuộc “trao đổi” giữa anh với một trí thức Hà Nội nhân chuyến đi công tác trên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam, về cái chết của Phan Thanh Giản theo quan điểm của anh. Anh so sánh về hai cái chết của một võ quan Hoàng Diệu và một văn quan Phan Thanh Giản. Anh cho rằng, cái chết nào cũng khó khăn, đáng kính. Với Hoàng Diệu, ông đã làm tròn vai của một vị tướng bằng cái chết của người giữ thành, hy sinh, rồi cũng phải mất thành. Nhưng xét cho cùng sự thất bại và cái chết này có phần dễ dàng hơn vì biết mình sắp đi vào chỗ bất tử; còn đối với Phan Thanh Giản, sự tránh đổ máu cho binh sĩ ở thời điểm lúc bấy giờ, bằng cách giao nộp thành trước, rồi tự chọn cho mình cái chết sau, không phải ở vào một thời điểm quyết liệt nữa; hơn nữa, cái chết của người quân tử không chắc thành danh thì quả khó khăn hơn và có phần nào vượt ra ngoài quy luật ứng xử thông thường của cuộc đời, nên tôi đánh giá cái chết của Phan Thanh Giản rất đáng kính nể. Tôi cho rằng, là vị quan đại thần từng trải 3 triều vua, học rộng, đi nhiều, có lẽ Phan Thanh Giản thừa hiểu cách giải quyết để đi trọn con đường trung nghĩa của một vị tướng như Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu; nhưng ông không chọn cách giải quyết cuộc đời ông theo một công thức an toàn như thế mà lại chọn cách giải quyết có nhiều rủi ro hơn là dâng thành để một mình chịu chết. Sự tuẫn tiết của Phan Thanh Giản, phải nói là sự quyết định của một người rất yêu cuộc sống, có “đức hiếu sinh”. Chấp nhận cái chết chỉ riêng mình để nhiều người khác được sống. Đó chính là cái “dũng” của bậc hiền nhân mà không phải ai cũng làm được. Người đồng hành với anh Lộc đồng tình với anh mà tôi cũng tâm đắc nhận định ấy.
*
* *
Phan Thanh Giản được các tầng lớp trí thức và nhân dân ở các tỉnh Nam Bộ tỏ lòng kính trọng không phải vì ông là một vị quan to, mà vì ông là một nho sĩ mẫu mực hiếm có ở một thời kỳ phong kiến suy tàn.
Sự hiểu biết rộng của ông được thể hiện qua sự nghiệp sáng tác văn chương mà ông để lại cho hậu thế. Tác phẩm của ông gồm hai bộ phận: “Lương khê thi thảo” và “Lương khê văn thảo”. Tập “Lương khê thi thảo” có tất cả 18 quyển, khoảng 455 bài thơ. Tập “Lương khê văn thảo” có 3 quyển, khoảng 60 bài văn, với nhiều thể loại: biểu, sớ, kí, thư...
Qua tập “Lương khê thi thảo”, ta đã thấy ngay sự chân thành, trung thực của một con người công minh, chính trực, nhân nghĩa và giàu lòng yêu nước, thương dân.
Một số bài thơ được giới nghiên cứu nhắc đến nhiều, như: “Giao hành”, “Quá xuân thủy kiều”, “Thất phách tác”, “Thu nhật thư hoài”, “Mạch liễu”, “Vãn độ ngâm”, “Dã độ”, “Sơn hiểu”, “Thái”, “Thiên cư”, “Thanh minh”, “Quy đồ”, “Giã biệt”, “Mỹ An dạ phát”, “Ngưu Tân vãn phát”, “Đồng sào điểu ca”, “Khách cảm”, “Mỹ An thư cảm”, “Ký gia thư”, “Trừ tịch”, “Giang hứng”, “Nam Phố xuân mộ”, “Thu hiểu”, “Toái cầm thi khốc Lê Bích Ngô”, “Thu hoài”, “Thuật chinh”, “Độ quan”, “Sơ hạ”, “Hải thượng ngâm”, “Chu vọng Nam trung chư sơn”, “Trường cảnh dạ bạc”, “Ngẫu thành”, “Phát lục khẩu đường”, “Đăng Hoàng hạc lâu”, “Thụy khởi tức sự”, “Vọng đô đồ trung vãn diểu”, “Hạnh trang bảo vãn hứng”, “Độ hoài”, “Đằng Giang dạ bạc”, “Quảng Ngãi thư cảm”, “Lương”, “Ngẫu thành”, “Ai Quân nhi”, “Tuế Đán”, “Kí nội”, “Đi sứ sang Pháp”, “Việc nước không thành”...
Nội dung của các bài thơ thường xoay quanh chủ đề tình cảm của ông đối với thiên nhiên, làng xóm, con người. Qua đó nói lên tâm trạng của ông với quê hương, đất nước và tình yêu thương dân nghèo.
Tình yêu quê hương, đất nước trong “Lương khê thi thảo” là ơn vua, lộc nước. Lúc nào ông cũng canh cánh bên lòng và cảm thấy ái ngại vì mình chưa làm được gì nhiều cho đất nước, quê hương. Tự thẹn mình chưa làm được gì cho quê nhà để quyết tâm tu dưỡng đạo đức, ấy cũng là lẽ sống của ông. Ông viết trong bài “Thu hoài” như sau:
“Lạm dữ thiên quan đồng ác trạch,
Dã vô thốn hiệu đáp hồng từ.
Hoàng Châu tuế vãn trường
ngâm vọng,
Đa phụ môn lư thiện dưỡng kì”.
(Tạm dịch: Trót dự ơn triều đình với bá quan, nghĩ chưa làm được gì để báo đáp, trên đất Hoàng Châu năm hết, ngâm nga đợi ngày về, thấy mình phụ tình của quê hương mà gắng sức trau dồi).
Trong bài “Trú trực”, ông lại băn khoăn lo về gánh nặng nợ nước, ơn vua mà nghĩ đến sự báo đáp. Ông viết:
“Quốc ân hà tự sùng thâm báo,
Độc ỷ nguy lan tọa tịch dương”.
(Tạm dịch: Ơn nước không biết làm thế nào đền đáp cho xứng, một mình ngồi dưới ánh chiều tà ngẫm nghĩ).
Hay trong bài “Đăng Bảo Định đồn”, ông lại viết:
“Ngọc Quan mạn đạo lao đầu bút,
Bạch thủ trường kham báo
quốc ân”.
(Tạm dịch: Dùng ngòi bút luận bàn đến việc ra biên ải, đầu bạc vẫn còn có thể báo đáp ơn nước).
Lòng yêu nước của ông lúc nào cũng gắn với tình thương yêu dân nghèo. Trong bài “Tòng quân”, ông nói về nổi khổ của dân hai huyện:
“Ai thử nhị huyện dân,
Hướng chuyển diệc lao lục.
Thu quý thuộc vũ lạo,
Sơn khê thậm du mạc”.
(Tạm dịch: Thương cho dân hai huyện, khổ cực vì vận lương, mùa thu thì mưa lũ, làng mạc cách trở vì khe suối, núi đồi).
Trong bài “Thanh Nghệ đạo trung”, ông nói về nỗi khổ của người dân xứ này và tấm lòng của ông khi nghĩ về họ:
“Mễ giá bình Thanh Nghệ,
Lưu dân thử quả quan.
Giai triều đình xích tử
Thùy nhẫn bất tương quan”.
(Tạm dịch: Giá lúa gạo ở Thanh Nghệ đã bằng nhau, dân lưu xứ là dân góa bụa, là con dân của triều đình, ai nỡ xem không liên quan đến mình).
Phan Thanh Giản rất quan tâm tới đời sống người dân trước nạn thiên tai khắc nghiệt. Có những đêm ông không ngủ được vì những điều trăn trở ấy. Trong bài “Thu dạ độc khởi”, ông viết:
“Bát nguyệt thượng viêm nhiệt,
Nam mẫu khát dư ba.
Tiết hậu tùy niên dị,
Tinh thần vận khí hòa.
Trung dạ chính độc khởi,
Kiều thủ vọng minh hà.
Vi vân động thiên tuế,
Hoàn khủng phong vũ đa”.
(Tạm dịch: Tháng tám trời còn nóng, ruộng đồng khô thiếu nước, thời tiết mỗi năm khác, lẽ tuần hoàn chuyển vận, giữa đêm một mình thức giấc, ngẩng đầu trông trời đất, thấy mây chuyển động khắp trời, lại sợ mưa to, gió lớn).
Đi làm quan xa gia đình, nên Phan Thanh Giản có rất nhiều bài thơ nói về nỗi nhớ làng xóm, gia đình. Làng quê nghèo của ông, với tên gọi “Gãnh Mù U” nghe quê mùa, nhưng hết sức thân thương đối với ông. Ông nhớ thương mái tranh nghèo còn đó một cha già mà ông không có điều kiện chăm sóc. Chẳng hạn, trong bài “Nam phố xuân mộ”, ông nói lên nỗi nhớ rất thắm thiết:
“Đông phong phiến thục khí
Bạch nhật dương triêu hi
Du nhiên khởi dao tứ.
Lộ viễn mạc trí chi.
Ngã gia tại hà xứ.
Mai dã thiên chi nhai,
Mao thứ lưỡng tam gian.
Tang thác ủng sài phi.
Cao đường hữu lão thân.
Ban ban mấn dục ti.
Bình sinh sự diễn du.
Hoàn gia năng kỷ thì”.
(Tạm dịch: Gió đông mang lại hơi quen, mặt trời gieo ánh sắc, lòng chợt buồn nhớ quê nhà, mà đường xa biết làm sao được. Nhà ta hiện ở chỗ nào, chốn quê xa tận chân trời, có vài gian nhà lá, được chống đỡ bằng những thanh củi gỗ, trong nhà, còn lại một cha già, mái tóc bạc trắng như tơ, lúc trẻ bận việc đi xa, không thường có dịp về thăm).
Quê hương gắn với giếng làng, con chim bay về núi, cảnh trâu bò sớm tối đi về, việc cấy cày cũng có lúc bận rộn, có lúc nhàn nhã..., ông nghĩ về những sinh hoạt ấy mà lắm lúc cũng muốn quay về cố hương. Trong bài “Chu vọng Nam trung chư sơn”, ông ghi lại tình cảnh này như sau:
“Hành khách tự hương tỉnh,
Phi điểu hoàn cố san.
Ngưu dương diệc hạ lai,
Xuất vân hữu quy hoàn.
Du tử diệc hà tâm,
Cửu nại vi đình hoan.
Nam trung ngũ lục nguyệt,
Canh giá do vị nhàn”.
(Tạm dịch: Người đi nhớ giếng làng, chim bay về tổ ấm, trâu bò trở về chuồng, mây bay về chỗn cũ, còn ta nỡ lòng nào, lỗi đạo hầu mẹ cha, nhớ miền Nam vào tháng 5, tháng 6, vẫn còn cảnh nông nhàn).
Quê hương còn là mảnh đất thân yêu của ông, ông nhớ tới thành Nam, nhớ những nơi đã từng gắn với ông bao kỷ niệm thời niên thiếu, những nơi ông đã từng làm việc nhiều năm, trong những lần ông đi trấn nhậm chức quan... Trong bài “Đăng Quảng Bình thành lâu”, ông viết:
“Cố trai hương tứ cưỡng đăng lâu.
Vạn lý quan hà nhất vọng thâu.
Tá vấn nam thành hựu hà xứ.
Ngũ vân nồng lý thị Thần châu...”.
(Tạm dịch: Nặng tình làng xóm cũ mà cố bước lên lầu, nhìn cho hết cảnh núi sông, đó chẳng thành nam thì còn xứ nào nữa, mây ngũ sắc nồng thắm ấy là chốn kinh kỳ).
Có những lúc trên đường rong ruổi, ông cũng muốn trở về quê cũ, nhà xưa để tìm được sự hồn hậu thuở ban đầu. Trong bài “Hải Thượng ngâm”, ông viết:
“Khủng thử diệc ngẫu nhiên,
Hà tất cùng kỳ quỷ
Bất như quy tệ lư,
Ngã tâm hữu thái thủy”.
(Tạm dịch: Sợ điều ấy mất đi vẻ tự nhiên, cần gì phải nghĩ điều giả dối, không bằng ta trở về lều nát, lòng ta có được lại sự bình an buổi đầu).
Cuộc đời Phan Thanh Giản là cả một chuỗi ngày dài phấn đấu kiên trì, bền bỉ cho công việc vì nước, vì dân. Nhưng, có đôi khi ông cũng cảm thấy gánh nặng của công việc đè nặng lên tuổi tác ông, rồi tính chất phức tạp của thời cuộc không dễ gì giải quyết, khiến lòng ông không tránh khỏi một nỗi buồn tê tái, xót xa. Đọc bài “Việc nước không thành” với những ý mở đầu các câu thơ: “lăm...”, “đành cám...”, “cũng tưởng...”, “nào hay...” đủ để ta thấy sự chua xót dâng trào tận trong cõi lòng ông:
“Lăm trả ơn vua đền nợ nước
Đành cam gánh nặng ruổi
đường xa.
Lên ghềnh xuống thác thương
con trẻ,
Vượt biển trèo non cám phận già.
Cũng tưởng một lời an bốn cõi
Nào hay ba tỉnh lại chầu ba!”.
Nói chung, theo Hoàng Như Mai, “Thơ của Phan Thanh Giản là tiếng đoạn trường của một người công minh, chính trực, nhân nghĩa, yêu nước thương dân, nhưng ra làm quan trong thời kỳ đất nước rối ren, triều đình ngu hèn nên bị đẩy vào thế lưỡng nan, rút cuộc thành tội nhân của lịch sử” (Sđd).
Còn tập “Lương khê văn thảo”, nói lên tấm lòng, suy nghĩ của một vị quan lúc nào cũng nghĩ đến việc tận trung với vua, với nước; không ngừng nung nấu rèn giũa tài đức; luôn đứng về phía dân lành, quý trọng công cha, ơn thầy, nghĩa tình bè bạn; sẵn sàng bênh vực lẽ phải, công lý.

Một số bài văn của Phan Thanh Giản được giới nghiên cứu nhắc đến nhiều, như: “Biểu tạ ơn ban chức Tham hiệp Quảng Bình”, “Biểu tạ ơn nhậm chức Hồng lô tự khanh, sung Giáp phó sứ sang Thanh”, “Biểu tạ ơn ban chức Đại lí tự khanh, sung Cơ mật viện”, “Biểu tạ ơn chức Hữu thị lang bộ Hộ”, “Biểu tạ ơn bổ chức Binh bộ Hữu tham tri”, “Biểu tạ ơn trao chức Thượng thư bộ Hình”, “Sớ thỉnh an của tỉnh Quảng Nam”, “Sớ bày tỏ việc bàn giáng tội nhẹ cho Vương Hữu Quang”, “Tuân dụ dâng sớ điều trần”, “Bài tựa tập thơ của Đặng Thuận Xuyên”, “Bài tựa cho sách Học văn dư tập của Trương Diên Phương”, “Bài văn điếu Ngô Sư Mạnh”, “Thư gửi người bạn”, “Bàn về vấn đề trong bản tính không có lòng hiếu đễ”, “Luận về hiếu đễ là gốc của đức nhân”, “Phụng ngữ đề luận về hiếu danh”, “Phụng ngữ đề luận về văn thần không ham tiền”, “Phụng ngữ đề luận về Thái Bá ba lần nhường thiên hạ”, “Bài tụng về thị học”, “Bài minh trên bia mộ của Thái bảo cần chánh điện Đại học sĩ Đức quốc công Phạm Trung Nhã”, “Văn bia của Gia Định xử sĩ dựng ở mộ Võ Trường Toản tiên sinh”, “Di sớ tâu lên vua Tự Đức”, “Cùng Nguyễn tri Phương dâng sớ điều trần tám việc chánh trị”, “Sớ tâu vua xin về hưu”, “Vĩnh Long thánh miếu bi”, “Công thư của Phan Thanh Giản gởi quan Tổng đốc An Giang, Hà Tiên để trao thành”, “Lời trối trăng”, “Lời đáp những người đến thăm”, “Hai mươi bốn chữ đề trên “Minh tinh””...
Trong các bài biểu tạ ơn, ông đều viết với tất cả tấm lòng chân thành và sự khiêm cung vốn có. Tự nhận thấy mình không tài năng nên ông luôn gắng sức tu dưỡng phẩm chất đạo đức. Chẳng hạn, trong “Biểu tạ ơn ban chức Tham hiệp Quảng Bình”, ông viết: “Thần chỉ biết nung nấu giũa rèn tài kém cỏi, thề dốc hết tâm tư. Tấc gang không dám trái, kính thái dương soi trên coi; nhỏ nhoi gắng nên công, mong báo đáp ơn sông biển”.
Trong tờ biểu tạ ơn khác, Phan Thanh Giản viết: “Xét thần ngu độn tự bản tính, hiểu biết có hạn mà sự lí vô cùng, tâm muốn tiến mà lực không kịp theo, đành chỉ tự học, mọi việc theo người. Cho nên tuy rong ruổi bắc nam mà rốt cuộc chưa có công lao gì đáng; vả lại ngày đêm gắng sức, cũng không có thực trạng gì đáng nêu”.
Trong “Biểu tạ ơn trao chức Thượng thư bộ Hình”, ông lại viết: “Thần chỉ biết gắng dốc tấm ngu trung, cúi dâng tâm mộc mạc. Thận trọng xót thương dân, kính theo đức thánh, nghĩ nhậm chức phải thành tâm; yên thái hòa bình, gợi ơn nhân hậu, hưởng lành may mãi dạt dào”.
Phan Thanh Giản là vị quan nổi tiếng thẳng thắn. Ông phê bình, góp ý không kiêng nể ai, kể cả vua. Ông đã nhiều lần đứng ra khuyên vua điều hay, lẽ phải mà không hề sợ bị bắt tội. Trong các bài sớ, ông không vì bổng lộc, chức quan mà tránh né điều phải nói thẳng, điều cần can gián vua, điều khuyên vua nên làm. Chẳng hạn, trong “Sớ thỉnh an của tỉnh Quảng Nam”, Phan Thanh Giản viết: “Thần tự biết, việc dỗ an dân lành có nhiều sai phạm, không chốn thoát tội; nhưng dân lành địa phương đang trong tình trạng này, không dám không điều trần sự thực. Muôn vàn ngửa trông thánh thượng từ bi, xót cứu nạn dân, tạm dừng xe ngự; để giúp cho tiểu dân dồn sức cùng ruộng đồng”.
Còn trong sớ tâu vua Minh Mạng năm 1828, Phan Thanh Giản lại viết: “Mưa to và nạn lụt lội là những triệu chứng không tốt, hạ thần cúi xin thánh thượng tự sửa mình làm điều nhân đức mà giảm bớt số cung nữ, phi tần. Như thế là thánh hoàng làm theo ý thiên địa, bách tính sẽ được sung sướng”.
Trong “Tuân dụ dâng sớ điều trần”, nếu không là người thương dân làm sao ông có thể đứng về phía dân mà tố cáo bọn quan lại địa phương, đề nghị nhà vua mạnh tay trừng trị bọn sâu dân, mọt nước cho được: “Vậy cho nên thuộc lại ngày càng quỷ quyệt, dân lành ngày một bần cùng, người lưu lạc bị khai khống số ma; ngày trước các đại thần có trần tấu các khoản nhưng so với những điều thần nghe thời còn chưa được 3, 4 phần 10 vậy. Rất sợ rằng, nếu thuốc trị không gấp thời bệnh hại càng lan, rồi việc phòng vệ biên cương, không làm sao mà vững được”.
Cuối sớ, ông nhắc cho vua một chân lí trị nước, đó là phải “an dân”. Muốn cho an dân, ông “hối thúc” vua phải trị bọn hại dân: “...ý niệm an dân, sau trước chuyên cần. Để cho luân thường rộng khắp, hành hóa lớn lao, sáng láng trị bình, chỉ mong Hoàng thượng một lòng thi hành, nghĩ cũng không phải khó”.

Bàn thờ cụ Phan Thanh Giản. 
Đặc biệt trong lá sớ năm 1852, Phan Thanh Giản cùng Nguyễn Tri Phương điều trần 8 việc chính trị. Có thể nói thêm rằng, trong số các điều trần do 2 vị quan này đề nghị, có những điều không khéo dễ bị vua buộc tội, gây ra hậu quả thiệt thân mà người bình thường ai cũng có thể cân nhắc bằng cách im lặng. Nhưng họ không làm như vậy. Điều này đủ để nói lên đức tính trung thực và dũng cảm ở họ. Xin lược ý 8 điều này như sau: “Xin vua cẩn thân các việc chơi bời; Xin đừng ham coi hát xướng, cần lo chánh nước là hơn; Xa tránh những kẻ thấp hèn lanh lợi; Xin vua chuộng điều tiết kiệm, bớt việc lãng phí xa hoa mà thương xót cho dân, giữ gìn đất nước; Xin bớt kẻ cận thần và giữ theo phép tiền triều thuở trước; Xin lựa người trung lương mà dụng; Xin bớt công việc cho lính rảnh rang để thường thường rèn tập trận đồ...; Xin vua thêm lương bổng cho hậu để các quan trau dạ thanh liêm, giữ lẽ công bằng, không ham hối lộ cho khỏi hại dân lành”.
Sau tờ sớ này, Phan Thanh Giản được Tự Đức thưởng cho một tấm kim khánh có khắc bốn chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”. Rõ ràng, 8 điều Phan Thanh Giản và Nguyễn Tri Phương nêu ra, đó không chỉ là điều khuyên cho vua mà còn là bài học cho chúng ta ngày nay. Trong một xã hội mà tệ tham ô, hối lộ, lãng phí đã đến mức có thể gọi được là “quốc nạn” thì rất cần những người lãnh đạo cấp trên biết nghe và những lãnh đạo cấp dưới có tấm lòng và nhân cách thẳng thắn như hai ông. Tâm sáng này ở Phan Thanh Giản đáng để hậu thế lưu danh.
Trong “Luận về hiếu đễ là gốc của đức nhân”, Phan Thanh Giản quan niệm về đạo đức cần phải có ở một người rất rõ ràng, ông viết: “Đứng đầu tứ đức là nhân. Nhân chủ về lòng yêu thương, lòng yêu thương thì không gì lớn hơn là thương yêu cha mẹ. Gần gũi với người thân mà nhân đức với dân, nhân đức với dân mà yêu muôn vật, đều là những biểu hiện của đức nhân không bao giờ hết vậy”.
Còn trong “Phụng ngự đề: luận về văn thần không ham tiền”, ông nói về sự liêm chính là cái gốc của “hưng thịnh”. Vì vậy, theo ông là cần phải dẹp trừ tệ tham ô, nạn ăn của đút lót, mà ông gọi là “tục hủ lậu” như sau: “Dẹp trừ tục hủ lậu này, cứu vãn làn sóng suy đồi, ở nơi giàu có mà chẳng tham vơ vét, sống cảnh thanh bần mà đức sáng càng ngời, đặt nền dựng nếp, tiết tháo luyện rèn, sao cho lúc thoái triều có phẩm đức cao khiết, khi ở phủ không đục khoét dân lành. Được thế thì giáo hóa có thể thi hành, lễ nhạc có thể hưng lên được vậy”.
Một khía cạnh nữa thuộc về đạo đức, nhân cách của Phan Thanh Giản, nghĩ cũng nên nhắc lại là lá sớ tâu vua xin về hưu năm 1865. Ông viết: “Khi đến tuổi 70 thì con người mảnh khảnh như cây sậy, như một cây liễu sầu đã chịu nhiều phong ba, như con tuấn mã đuối sức không thể tiếp tục đường trường dù nó có thương chủ nó đến mấy đi nữa. Thần thấy đã bất lực nếu còn tiếp tục sứ mạng e sự lầm lẫn của thần làm rắc rối việc quốc gia”.
Không mấy người tự nguyện rời bỏ cương vị mình nắm giữ với ý nguyện như Phan Thanh Giản, nên có thể xem đây là một khía cạnh đạo đức, nhân cách đáng học ở ông. Mặt khác, ông đã lường trước được điều họa cho mình mà có lẽ cái số của ông cũng không tránh khỏi, khi Tự Đức không chuẩn y cho ông, lại bắt ông phải hoàn thành sứ mạng đã giao phó. Thử đặt trong trường hợp ấy, ai là người có thể hoàn thành được sứ mệnh bất khả thi nầy. Chúng tôi rất tâm đắc với nhận định sau đây của Hoàng Lại Giang: “Sau khi Gia Định thành thất thủ, triều đình nhà Nguyễn đã thấy không còn sức chống đỡ được nữa, cho nên, đáng lẽ phải phái vào Nam Kỳ một vị quan võ giỏi nhất, năng lực nhất của triều đình thì đình thần lại nghị cụ Phan, một quan văn vào chống đỡ!” (Sđd).
***
Một vấn đề nữa cũng được người đời sau quan tâm khi nói về Phan Thanh Giản là vì sao ông lại “đầu hàng giặc” quá sớm như vậy? Có sai lầm gì đây trong chủ trương của ông, hay ông sớm khiếp sợ trước sức mạnh súng đạn tối tân của giặc Pháp mà không đủ dũng khí đứng lên đánh giặc.
Phan Thanh Giản chỉ là vị quan thay mặt cho triều đình nhà Nguyễn nên ông phải lĩnh mệnh vua mà thực thi. Nhưng khi ông đến Nam Kỳ thì thế giặc không để cho ông được toàn ý thực thi điều ấy. Nói như Hoàng Lại Giang “Trên chiến trường đã như thế, thì tôi nghĩ, không thể có một nhà ngoại giao nào lại có thể thay đổi được tình thế”.
Tại sao ông nộp thành, kêu gọi bãi binh?
Ông viết trong công thư gửi Quan tổng đốc An Giang, Hà Tiên như sau: “Mỗi lần chiến đấu là mỗi lần thêm đau khổ cho ta. Người Phú Lang Sa có chiến thuyền to, chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống lại. Người Phú Lang Sa muốn đến đâu cũng đặng, những đồn lũy chắc chắn cũng phải bể.
Bản chức van vái Trời, bản chức nghe theo lẽ phải và tự nhủ: “Mình còn ngốc khi mình đánh người Phú Lang Sa bằng võ khí, cũng như con nai muốn bắt con cọp. Mình lại kéo về phe mình một cách vô ích những tai hại lớn, để tai hại ấy đè lên đầu dân mà Trời đã giao cho mình chăn.
Vậy bản chức viết công thơ cho các quan văn cũng như cho các tướng võ hãy bẻ gãy giáo và gươm, giao thành trì khỏi chống lại.
Nhưng nếu bản chức tùy theo thiên ý mà tránh đỡ giùm dân đem tai hại rớt trên đầu họ, bản chức trở thành phản thần đối với hoàng đế của ta vì bản chức trao ba tỉnh của Hoàng đế cho Phú Lang Sa mà không chống cự. Bản chức đáng tội chết.
Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể bay phất phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống...” (Sđd). (chỗ in đậm là chỗ chúng tôi muốn nhấn mạnh)
Có lẽ như vậy là quá rõ để chúng ta hiểu về những gì ông suy nghĩ. Nhưng do đâu mà Phan Thanh Giản có suy nghĩ như vậy? Phải chăng, nói như Trương Minh Hiển, cái biết quá sớm của ông về “thế” và “lực” của nước Pháp ở châu Âu lúc ấy qua những lần ông đi sứ, đã cho ông có một cái nhìn so sánh tương quan lực lượng giữa địch và ta, mà đi đến quyết định nộp thành. Mặt khác, như chúng ta biết trước khi Phan Thanh Giản lãnh sứ mệnh vô Nam lần cuối, Phan Thanh Giản dư hiểu về thất bại của vị tướng oai dũng nhất triều đình nhà Nguyễn lúc đó là Tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương. Với sự cố thủ đại đồn Chí Hòa (1861), Nguyễn Tri Phương đã bị quân Tây Dương đánh bại tan tác chỉ vỏn vẹn 2 ngày rưỡi! (trong trận này, Nguyễn Duy, em ruột Nguyễn Tri Phương bị tử trận. Phạm Thế Hiển bị thương. Rồi chính Nguyễn Tri Phương cũng bị trúng đạn!). Sự chiến đấu như thế được gì ngoài mấy chữ “dũng cảm, kiên cường” mà con dân phải gánh chịu mọi tai họa của chiến tranh.
Yêu nước cũng có năm bảy đường, nhưng cái chính là ở thương dân. Tôi cho rằng, Phan Thanh Giản xử sự như thế không ngoài hai chữ “thương dân”, chứ không phải đầu hàng Tây. Ông đã thề không cùng sống với bọn giặc Tây bằng lời lẽ hết sức quang minh và rắn rỏi ngay trong bức thư mà ông gửi cho 2 vị quan Tổng đốc miền Tây: “Hỡi các quan và lê dân, các người có thể sống dưới sự điều khiển của người Phú Lang Sa, những người này chỉ đáng sợ trong lúc chiến tranh mà thôi, nhưng lá cờ ba sắc không thể bay phất phới trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống...” (Sđd).
***
Nhân cách lớn của nhà nho Phan Thanh Giản được thể hiện rõ trong suốt quá trình làm quan của ông, từ cách hành xử đến những suy nghĩ đều dựa trên nền tảng của “nước và dân”, đều dựa trên nền tảng “luân lí Nho giáo”. Ông đã học tập và không ngừng tu dưỡng, thể hiện nó từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ thuở thiếu thời cho đến lúc lão lai, cả ở những giây cuối đời, ông cũng bộc lộ rõ phẩm hạnh ấy.
Trong lời trối trăng ngày 19-7-1867, Phan Thanh Giản dặn lại con cháu một chân lí sống là: “không được dục lợi cầu vinh mà làm những điều nhẫn tâm hại lí”; đồng thời, ông cũng đã nghĩ tới con đường chấn hưng đất nước. Theo ông, không có con đường nào khác ngoài sự canh tân, học hỏi cho bằng Âu Tây, thì mới mong có ngày rạng rỡ quê hương, Tổ quốc. Ông viết: “Ta đã biết rõ cơ trời. Dầu làm thế nào cũng không qua thiên ý định. Vậy khi ta thác rồi, ai nấy cứ an cư lạc nghiệp lo việc học hành. Không nên dục lợi cầu vinh mà làm những việc nhẫn tâm hại lí. Nay ta đã tuổi cao sức yếu, thành ra kẻ vô dụng cho nước nhà, dầu có thác cũng không đủ tổn hại cho quê hương, còn ta sống cũng không đủ ích lợi cho xứ sở.
Hãy cố học hỏi cho bằng người Âu Tây. Hãy rán phò vua giúp nước, toan lo hết sức người, họa may sau này đặng vẻ vang cho Tổ quốc”.
Từ ngày Phan Thanh Giản mất đi, người dân, ít nhất là dân các tỉnh vùng Nam Bộ vẫn luôn một lòng kính trọng ông. Họ tôn kính vì ông là người có nhân cách lớn. Nhân cách lớn hiếm có này đã được Hoàng Lại Giang liệt kê đầy đủ qua nhận định:
“Không phải ngẫu nhiên mà vua Tự Đức tặng cho cụ Phan bốn chữ: “Liêm - Bình - Cẩn - Cán”.
Tôi không nhắc lại vị đại thần liêm khiết vào hàng số 1 triều Nguyễn, Phan Thanh Giản.
Tôi cũng không nhắc lại lòng thương dân vào loại hiếm của một vị đại thần như cụ Phan Thanh Giản.
Tôi cũng không nhắc lại tính cương trực của cụ Phan ngay cả đối với vua như Minh Mạng.
Tôi cũng không nhắc lại sự chịu thương chịu khó đúng là “ăn mắm mút dòi” để học và đạt tới học vị tiến sĩ.
Tôi cũng không nhắc lại lòng hiếu đễ đối với bậc sinh thành, thầy giáo, những ân nhân đã từng giúp đỡ cụ trong những năm tháng gian nan của cuộc đời.
Bởi tất cả báo chí trong và ngoài nước đã viết khá đầy đủ. Và ở đây tôi tin rằng nhiều nhà nghiên cứu, nhiều học giả chắc cũng đồng cảm với tôi về nhân cách cụ Phan Thanh Giản”. (Sđd).
Có một thực tế mà ai trong chúng ta cũng thừa nhận là “sự công bằng của lịch sử”. Nói như Minh Chi, cần trả lại công bằng lịch sử cho ông, còn “phục hồi danh dự” thì không cần, vì cũng theo tác giả này: “... suốt cuộc đời ông (Phan Thanh Giản) chưa từng bao giờ đánh mất danh dự, dù là sau Hòa ước Nhâm Tuất 1862, và sau cả sự kiện để mất ba thành Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên...”. (Sđd).
Có thể cách hành xử của Phan Thanh Giản chưa được sự nhất trí trong nhận định đánh giá của giới nghiên cứu nhưng trong dân thì Phan Thanh Giản vẫn luôn được tôn kính và “sắc phong” như một vị thần. Chí ít là người dân Vĩnh Long, Bến Tre, quê hương ông, họ vẫn luôn tôn thờ ông trong hiện tại và cũng như trước đây. Hiện nay thì khu mộ phần và nhà thờ ông ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, cũng như khu Văn thánh miếu ở thị xã Vĩnh Long đã được nhân dân tự nguyện đóng góp trùng tu lại khá khang trang hơn sinh thời ông mong mỏi. Thành phố Mỹ Tho đã có đường mang tên Phan Thanh Giản chạy dọc theo bờ Đông sông Bảo Định chia đôi thành phố, cũng là ước nguyện lâu đời của dân. Còn trước đây: “Khu mộ Phan Thanh Giản được Ủy ban Quốc gia bảo tồn cổ tích của chính quyền Sài Gòn xếp vào loại cổ tích liệt hạng. Trường tiểu học Cộng đồng Bến Tre từ sau năm 1946 mang tên là Trường tiểu học Cộng đồng Phan Thanh Giản. Tên ông cũng được đặt cho một con đường lớn trong thị xã Bến Tre, thị xã Vĩnh Long, Kiên Giang... Tượng ông đúc bằng đồng tại trung tâm công trường An Hội, thị xã Bến Tre. Phan Thanh Giản và Nguyễn Đình Chiểu là hai nhân vật được đặt tên cho nhiều công trình văn hóa từ trước cho đến ngày giải phóng năm 1975”. (Sđd).
Trong số những người theo khuynh hướng đánh giá không xem Phan Thanh Giản là “người bán nước cầu vinh” và là người có nhân cách lớn, chúng tôi đặc biệt quan tâm tới ý kiến và lập luận của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi ông đánh giá về Phan Thanh Giản: “... Tôi cũng muốn nhắc lại câu nói như một tuyên ngôn của Phan Thanh Giản khi biết chắc ba tỉnh miền Tây đã rơi vào tay giặc: “lá cờ ba sắc không thể phấp phới bay trên một thành lũy mà nơi ấy Phan Thanh Giản còn sống”.
Với “tuyên ngôn” này và những gì tôi đã trình bày, tôi khẳng định rằng: Phan Thanh Giản là một người yêu nước, thương dân mà lo không tròn bổn phận, cụ đã tự làm bản án cho chính mình: đó là cái chết. Một cuộc đời thanh sạch, thật đáng để lại gương soi cho hậu thế...” (Sđd).
***
Xin trích dẫn lời trối sau cùng của Phan Thanh Giản để ta hiểu được thêm về một nhân cách lớn ở ông: “Khi ta chết rồi, phải đem linh cữu về chôn tại làng Bảo Thạnh, bên cạnh phần mộ tổ tiên. Còn tấm minh tinh hãy đề: “Đại Nam hải nhai lão thơ sinh tính Phan chi cữu”, diệc dĩ thử chí mộ”. (sở dĩ ông dặn thêm 5 chữ “diệc dĩ thử chí mộ” là vì sợ con cháu lại khắc cả phẩm hàm của ông lên bia mộ). (Tạm dịch: quan tài của thơ sanh già họ Phan góc biển (nước) Đại Nam).
Lời đáp sau cùng của ông với người thân quyến khi họ thắc mắc hỏi ông, sao không đề chức tước trên bia mộ: “Những hạng thường nhơn hay cầu chức khoe danh. Ta xem sự ấy là một việc hổ thẹn”.
Ông đã dặn thêm ba người con:
“Mấy bộ sách của ta để lại, đó là sự nghiệp quý báu. Chúng bây giờ phải gìn giữ, rán học hành và đừng làm một chức quan gì hết. Anh em nên ăn ở thuận hòa, nhứt là phải thương mến quê hương, thân tộc”.
Vẫn mong đợi một ngày nào đó thế hệ trẻ đi trên đất “Nam Kỳ” sẽ được đi trên những con đường Phan Thanh Giản, đến những nơi tưởng nhớ ông, học trong những ngôi trường mang tên ông và ngày đó chắc chắn sẽ là ngày vui lớn của mỗi người dân Nam Bộ luôn tự hào có ông là một người con ưu tú của mảnh đất vừa mới được khai phá hôm qua.

-------------------
Trích từ Báo điện tử Cần Thơ Online số ngày 9.8.2008

Lịch sử Trường trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ)


Lịch sửTrường trung học Phan Thanh Giản
(Cần Thơ)

 
Ngày 17.3.1879, Collège de My Tho (nay là trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) được thành lập. Vì số học sinh quá đông, nên đến năm 1917, trường My Tho mở một chi nhánh ở Cần Thơ với tên gọi Collège Can Tho. Học sinh học xong lớp bổ túc tiểu học (Cours Complémentaire) ở Collège Can Tho sẽ được chuyển sang học ở Collège My Tho cho đến hết năm thứ tư (4e Année de l'Enseignement Primaire Superieur Franco Indigène, tương đương lớp 9 hiện nay). Mãi đến những năm 1924-1926, khi đã mở đủ các lớp thuộc bậc Cao đẳng tiểu học, Collège Can Tho mới tách riêng ra và không còn là chi nhánh tuỳ thuộc Collège My Tho nữa.
Lúc đầu, trường chỉ có một dãy tầng lầu, còn được dùng làm nơi nội trú cho học sinh của trường Sơ Học tỉnh Cần Thơ ở đối diện. Đến năm 1921, trường xây hoàn tất dãy lầu thứ hai và thêm những kiến trúc phụ thuộc nối liền hai dãy lầu.
Tháng 6 năm 1929, và cũng là lần đầu tiên, trường Collège Can Tho chính thức gởi thí sinh thi Brevet ElémentaireBrevet D'Enseignement Primaires Supériers Franco Indigènes (bằng Cao đẳng tiểu học Pháp, tương đương với bằng tốt nghiệp cấp 2 hiện nay, lúc đó bằng cấp này đã là khá cao trong xã hội). Số thí sinh ghi là 21, ngoài trừ 1 người bỏ cuộc, còn tất cả 20 đều đậu.
Trong giai đoạn Chiến tranh Đông Dương, 1941-1942, trường cũ bị sung công và chỉ đến năm 1956 mới trả lại cho trường.
Bắt đầu từ tháng 8 năm 1945 trường chánh thức lấy tên là trường Trung học Phan Thanh Giản. Giai đoạn 1956-1975 là giai đoạn có số lớp học cao nhất trong lịch sử của trường, gồm 112 lớp Ðệ Nhất cấp (tương đương trung học cấp 2 hiện nay) và Ðệ Nhị cấp (cấp 3) với hai môn sinh ngữ Anh vănPháp văn. Đến niên học 1963-1964, khu trường Ðệ Nhất cấp Nam (cấp 3 trung học) chuyển sang khu trường Phan Thanh Giản cũ để giao trường mới (dùng từ năm 1942, khi trường cũ bị sung công) lại và thành lập trường Nữ trung học Đoàn Thị Điểm, từ đó trường Phan Thanh Giản là trường chỉ còn có học sinh nam.
Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, trường tách ra làm 2, Ðệ Nhị Cấp (Cấp 3 hiện nay) sang học ở Khu trường mới (tức trường Ðoàn Thị Ðiểm cũ), Ðệ Nhất Cấp (tức cấp 2 hiện nay) học ở trường Phan Thanh Giản và đổi tên là Trường An Cư 1.
Đến năm 1983, Cấp 3 trở lại trường Phan Thanh Giản cũ (trường An Cư 1) và cấp 2 học rải rác trong nhiều phường, gọi là Phổ thông Cơ sở. Trường Đoàn Thị Điểm cũ mang tên Phổ thông cơ sở An Cư 1 còn Trường cấp 3 (Phan Thanh Giản cũ) mang tên Trường Phổ thông Trung học Cần Thơ.
Vào tháng 11 năm 1985, trường đổi tên là trường Trung học phổ thông Châu Văn Liêm. Trường Phổ thông cơ sở An Cư 1 đã được trở về tên cũ là trường trung học Đoàn Thị Điểm từ năm học 1992-1993 về sau.

Hiệu trưởng qua các thời kỳ

  • 1921-1924 : Ông Paul Espelette
  • 1924-1925 : Ông Louis Reybouder
  • 1926-1926 : Ông Louis Boulliard
  • 1927-1929 : Ông Pierre Manière
  • 1930-1930 : Ông C. Cadilion
  • 1931-1931 : Ông A. Bizot
  • 1931-1934 : Ông Charles Paquier
  • 1934-1935 : Ông Gabriel Jalat
  • 1935-1936 : Ông Charles Paquier
  • 1936-1937 : Ông V. Vincenti
  • 1937-1944 : Ông P. de Fautereauvassel
  • 1944-1945 : Ông Maurice Lamarre
  • 1946-1946 : Ông Nguyễn Bá Cường
  • 1947-1947 : Ông Trương Vĩnh Khánh
  • 1947-1949 : Ông Nguyễn Bá Cường
  • 1950-1951 : Ông Dương Văn Dỏi
  • 1952-1957 : Ông Nguyễn Băng Tuyết
  • 1957-1957 : Ông Bửu Trí
  • 1957-1962 : Ông Nguyễn Văn Kính
  • 1962-1964 : Ông Lưu Khôn
  • 1964-1967 : Ông Phạm Văn Đàm
  • 1967-1970 : Ông Nguyễn Trung Quân
  • 1970-1971 : Ông Phạm Duy Khiêm
  • 1971-1973 : Ông Trương Quang Minh
  • 1973-1975 : Ông Võ Văn Trí

Cựu học sinh nổi bật

(suu tam)

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN
(ẢNH SƯ ÐẠO TÔN)

















Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo là đạo lý cao đẹp của dân tộc Việt Nam có truyền thống văn hoá hơn bốn ngàn năm. Trường PHAN THANH GIẢN và ÐOÀN THỊ ÐIỂM sắp bước qua tuổi tám mươi, với bao thăng trầm bởi biến cố và chiến tranh. Trường cũng đã có nhiều thầy cô vĩnh viễn nằm xuống, mà trên biểu SƯ ÐẠO TÔN đặt tại lầu của dãy thứ nhất (hướng Ðông, cổng chánh), chúng ta có thể vào thắp nén hương kính viếng các thầy cô một thời dạy học và gắn bó với trường, nay không còn nữa, như các thầy cô :
                01. Phan Văn HỘ
                02. Phan Văn KHUÊ
03. Lưu Văn HIẾU
04. Dương Du CAM
05. Ðào Ðình KHÁNH
06. Phan Lương HIỂN
07. Nguyễn Văn DƯỠNG
08. La Văn PHÁT
09. Trương Hòa THÀNH
10. Bùi Văn NÊN
11. Phan Văn ÐẶNG
12. Nguyễn Văn QUÍ
13. Nguyễn Băng TUYẾT
14. Nguyễn Văn KÍNH
15. Ðàm Quang ÐÔN
16. Phan Ngọc CHÂU
17. Tăng Tùng SINH
18. Dương Tự TAM
19. Nguyễn Văn KIẾT
20. Vương Văn EM
21. Phùng Thị BA
22. Huỳnh Kim LIÊN
23. Huỳnh Thanh KHIẾT
24. Nguyễn Văn ÐỐI
25. Phan Kim LIÊN
26. Phạm Văn BẠCH
27. Lý Quan LỊCH
28. Nguyễn Gia LỊNH
29. Trương Văn XƯỚNG
30. Nguyễn Văn CHÌ
31. Nguyễn Thượng TƯ
32. Nguyễn Văn KIÊM
33. Nguyễn Văn PHONG
34. Phạm Kim LIÊU
35. Ðoàn Văn TRƯƠNG*
36. Nguyễn Văn AN*
37. Trần Ngọc NHUNG*
38. Huỳnh Lý NGUYỄN*
39. Nguyễn Thành PHÚ*
40. Lâm Văn BA*
41. Trương Văn HOÀ *
42. Võ Văn LỢI*
43. Lê Thị KIM HIỂN*
44. Phạm Thu HỒNG*
45. Cao Văn TƯ*
46. Lương Vinh SANH*
47. Ðỗ Văn CỦA
48. ....... ***

(*) và còn nhiều nữa chưa biên tên vào biểu SƯ ÐẠO TÔN của trường xưa.