Thêm một người bạn vừa vĩnh viễn ra đi!
Trong vài ngày qua, những tin tức dồn dập lan truyền cho nhau trong đám bạn bè khắp nơi về sự vĩnh viễn ra đi của Nguyễn Công Hạnh,
một người bạn rất dễ thương trong nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần
Thơ niên khóa 1968-1975, đã khiến cho nhiều đồng hương, đồng môn phải
ngậm ngùi, thương tiếc cho phần số của anh ta.

.

Nguyễn Công Hạnh, mà các bạn hay gọi là “Hạnh Ngô Quyền”, vì nhà
của Hạnh là tiệm Thuốc Tây Ngô Quyền ở kế nhà sách Văn Nhiều (một nhà
sách lớn nhứt miền Tây) và Hạnh là cháu nội đích tôn của ông Văn Nhiều.
Trước năm 1975 gia đình của Hạnh là một trong những gia đình nổi tiếng ở
Cần Thơ.
Lúc nhỏ, tôi không quen biết gì với Hạnh vì chúng tôi học khác lớp và
nhà cửa hai đứa cũng ở xa nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng thấy Hạnh và các
bạn đi học thêm lớp toán của Bác Tư (Thầy Lương Hồng Tư) ở Tham Tướng và
buổi tối học lớp Anh Văn của Hội Việt Mỹ tổ chức ở trường Nữ Tỉnh Lỵ.
Mãi cho đến năm 1974 tôi mới có dịp học chung lớp với bạn Hạnh ở lớp
12B2. Đó là lớp học cuối cùng ở hành lang trên lầu của dãy ba. Phân nửa
lớp là các học sinh có sinh ngữ chánh là Anh Văn và phân nửa là Pháp Văn
sinh ngữ chánh. Lớp 12B2 có 5 nữ sinh mới thi vào PTG gồm các chị Thanh
Nhàn, Thanh Thủy, Kim Thoa, Thanh Tâm và Kim Tuyết. Có khoảng 10 bạn
nam sinh từ các trường khác thi tuyển vào cùng lúc với 5 nữ sinh nêu
trên. Còn lại 30 nam sinh chúng tôi đều học chung trường PTG từ năm
1968.
Tất cả đã nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau từ những ngày đầu niên
học. Tôi có may mắn là ngồi bàn đầu bên góc trái, kế bên Nguyễn Công
Hạnh và cùng bàn với Trần Quang Khải và Nguyễn Hoàng Giáp, suốt năm lớp
12 nên rất thân nhau. Bàn đầu và bàn nhì bên tay mặt là các chị Kim
Thoa, Thanh Nhàn, Thanh Thủy, Thanh Tâm và Lê Kim Tuyết.

Ngồi ở bàn đầu chúng tôi có lợi thế là chăm chú theo dõi và nghe rõ bài
giảng của Thầy Cô. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng hay “nhắc tuồng” hoặc
“cứu bồ” cho nhau khi các bạn bị Thầy Cô kêu lên bảng trả bài. Tánh tình
của Hạnh rất hiền hòa, dễ mến, nói năng nhỏ nhẹ nên dễ dàng gây thiện
cảm với mọi người. Tuy không phải là một học sinh học giỏi nhứt lớp,
nhưng Hạnh cũng thuộc vào “Top Ten” của lớp và sẳn sàng giúp các bạn
giải những bài toán khó hay tập làm những đề thi Lý Hóa hóc búa mà các
bạn sưu tầm được và truyền tay nhau ghi chép. Trong khi đó thì có những
bạn khác hay chăm chú đọc sách và trầm tư mặc tưởng, ít tham gia thảo
luận nhóm như “triết gia” Phan Công Lợi hoặc thường nghiên cứu các
course quay ronéo luyện thi vào Dự Bị Đại Học Sài Gòn như Trần văn Sô.
Siêng học nhứt vẫn là các bạn Đỗ Văn xê và Ôn Bích Hà, Nguyễn Hoàng
Giáp… Nhóm bạn ngồi bàn đầu của chúng tôi hầu như ít thi tham gia những
tiết mục chọc phá bạn bè hay “cúp cua” bỏ học vài môn “nhiệm ý” như các
bạn ở “xóm nhà lá” ngồi ở cuối lớp học.
Suốt những năm học Trung học, Nguyễn Công Hạnh và các bạn cùng trường đã
có những buổi sinh hoạt Hướng Đạo cuối tuần hoặc đi học thêm, học võ,
học nhạc với nhau, nên hầu như ai cũng siêng năng bận rộn ngoài giờ học ở
trường chớ không lè phè, nằm nhà đọc tiểu thuyết kiếm hiệp và trinh
thám như tôi.
Trong một bài viết của anh Nguyễn Trung Nam (PTG 1966-1973) về “
Kỷ niệm Trại họp bạn Hướng Đạo toàn quốc lần cuối cùng”
tại Tam Bình, Thủ Đức từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 12 năm 1974. Tổng
cộng dân số trong đạo Hàm Long của Cần Thơ khoảng chừng 30 người, trong
đó có nhắc đến hai bạn Nguyễn Công Hạnh và Trương Tiếu Hy (lớp 12B2)
tham dự và tôi đã thấy Hạnh trong bức hình đính kèm (ngồi hàng đầu, bên
trái có dấu *). Nghe nói ngoài hai bạn trên còn có các bạn Lê Hoàng
Trung, Phan Quang Thuận và Đặng Hoàng Tạo (em của Đặng Hoàng Tân) cũng
có tham dự trại họp bạn
Hướng Đạonày.
Theo lời anh Nam kể lại: “
Những ngày đầu, chúng tôi bận rộn xây
dựng một cổng trại quy mô cao lớn, kế bên là những mái lều kiểu nhà sàn,
cũng lắm công phu và hợp với châm ngôn trại. Sau đó là những giờ thực
tập cho ngày khai mạc ngoài sân cỏ rộng. Nhiều lần phải thực tâp diễn
hành, theo đội hình của mỗi đơn vị sao cho có thứ tự và đẹp mắt dành cho
ngày trọng đại…”
Sau khi ăn Tết năm Ất Mão (11-2-1975), chúng tôi bắt đầu chuyên cần,
chăm chú với những buổi học hàng ngày ở trường Phan Thanh Giản. Buổi
tối, khoảng 15 bạn trong lớp tôi và các bạn ở lớp 12B1 như Lâm Thiện
Khanh, Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, Lý Tú Nhanh …đã đến tư gia của thầy Đoàn Văn
Út kế tiệm may Long Thành ở đường Phan Đình Phùng để học lớp luyện thi
Toán, giải đề thi. Mỗi tuần học ba buổi ở lớp học trên lầu ba, nên chúng
tôi có dịp làm quen với một số bạn ở vài trường khác kể cả vài quân
nhân đang mặc quân phục cũng đến học luyện thi Tú Tài.
Trong khi đó, tình hình chiến sự càng ngày càng leo thang và những tin
tức bất lợi đang loan truyền khắp nơi với những cuộc di tản và rút quân
từ miền Trung càng lúc càng nhiều. Trong giờ nghỉ để đợi Thầy Cô lúc đổi
môn học, các bạn hay tụ tập ngoài hành lang lớp học để bàn chuyện chiến
sự hàng ngày. Lớp tôi có rất nhiều bạn có cha hoặc chú bác là sỹ quan
cao cấp trong Quân lực VNCH. Tuy thời cuộc sôi động như vậy, nhưng quý
Thầy Cô cũng bình tỉnh giảng dạy theo đúng chương trình lớp 12 cho đến
ngày “đổi đời” 30 tháng Tư năm 1975.
Cuối tháng 5 năm 1975, trường Phan Thanh Giản bị chánh quyền Quân Quản
tiếp thu để làm nơi giam giữ sỹ quan cấp Úy VNCH trong 3 tháng trước khi
chuyển đi trại “Cải tạo” ở Chi Lăng, Châu Đốc. Các lớp học của chúng
tôi phải dời qua trường Đoàn Thị Điểm học thêm vài tháng trước khi dự
thi “Tú Tài cách mạng” (Tốt nghiệp phổ thông). Trong lớp tôi có vài bạn
bỏ học về quê, không dự kỳ thi này vì không có hy vọng học tiếp lên Đại
Học.
Thời gian đó, các bạn trong lớp 12B2 của chúng tôi lại có dịp sinh hoạt
với nhau nhiều hơn ở những buổi chiều tối hội họp, tập văn nghệ ở trường
Nữ hay bên trường Đoàn Thị Điểm, những buổi trình diễn Văn Nghệ toàn
thành phố. Những lớp buổi tối dạy tình nguyện “Bổ Túc Văn Hóa” chống nạn
mù chữ (ở trường Võ Tánh) đều có Hạnh và các bạn khác tham gia rất
nhiệt tình.
Sau khi thi đậu Tú Tài “cách mạng” vào ngày 20 tháng 9 năm 1975, vài đứa
bạn thân trong lớp chúng tôi bèn rũ nhau nộp đơn thi vào Trung Tâm Kỹ
Thuật Phú Thọ ở Sài Gòn. Đến ngày thi, nhóm chúng tôi gồm Nguyễn Hoàng
Giáp, Nguyễn Công Hạnh, Trần Quang Khải, Nguyễn Ngọc Điệp và tôi cùng
đón xe đò lên Sài Gòn ở trọ nhà cô của Trần Quang Khải để đi thi. Đúng
là “ếch ngồi đáy giếng” vì cả bọn đều rớt hết sau khi có kết quả. Sau
này nghe nói chỉ có hai bạn Cao Khắc Nghiệp và Phạm Công Thành là đậu
vào Phú Thọ mà thôi. Những bạn khác không đi thi ở Sài Gòn thì thi ở Đại
Học Cần Thơ như Đỗ Văn Xê, Ngô Minh Hùng, Lưu Thị Thanh Nhàn, Võ Minh
Trinh... hoặc học Sư Phạm Long Xuyên như Kim Tuyết, Nguyễn Hữu Hoàng ...
Trong những ngày tháng chờ đợi kỳ thi vào Đại Học Cần Thơ khóa 2 năm
1976, chiều tối khi thành phố đã lên đèn, tôi hay chạy xe đạp ra đường
Ngô Quyền, ghé ngang trước cửa nhà của Nguyễn Công Hạnh, kế bên tiệm
thuốc tây Phong Dinh và Trung Việt. Ở đó tôi thường gặp các bạn cùng lớp
như Bùi Thanh Dũng, Trương Tiếu Hy, Huỳnh Trung Sơn, Đặng Hữu Liêm… mà
bàn tán, tâm sự với nhau đủ chuyện và nghe ngóng mọi tin đồn về bạn bè
Thầy Cô ai còn ai mất. Đa số là chuyện vượt biên và bàn nhau tìm cách
vượt thoát khỏi đất nước này. Những bạn đã may mắn di tản khỏi VN trước
ngày 30-4-1975 gồm có Trần Tấn Quý, Lê Cảnh Bằng, Lương Hoàng Nam, gia
đình anh Nguyễn Trung Nam và bạn Nguyễn Trung Quân…
Đến năm 1978 tôi được tin cả gia đình của bạn Hạnh “Ngô Quyền” đã vượt
biên thành công (có lẽ là đi theo ngã Rạch Giá để ra biển). Chuyến đi
này cũng có gia đình của cựu Hiệu Trưởng PTG là giáo sư Trương Quang
Minh đi chung và sau đó gia đình GS Minh qua Úc, còn gia đình Hạnh thì
đi Mỹ định cư. Cuối năm 1978 bạn Trương Tiếu Hy cũng vượt thoát được qua
ngã Vũng Tàu. Riêng tôi thì ra đi từ sông Hậu Giang Cần Thơ năm 1980
với một thằng em trai cũng thành công và sau đó qua Úc định cư.
Kể từ khi rời Việt Nam, tôi không còn liên lạc được với bạn Hạnh và
nhiều bạn khác trong lớp 12B2. Mãi cho đến năm 2011, khi tham gia sinh
hoạt với Hội ái hữu cựu học sinh Phan Thanh Giản và Đoàn Thị Điểm hải
ngoại, tôi mới tìm ra được tung tích của bạn Nguyễn Công Hạnh và sau đó
là Trương Tiếu Hy và vài bạn khác ở Mỹ như Phan Công Lợi, Nguyễn Trung
Quân và Ngô Thiện Trung… Cũng nhờ bạn Trung mà nhóm PTG 68-75 chúng tôi
đã liên lạc được với cô Phạm Thị Trinh Cát, Đoàn Thị Tâm và thầy Đoàn
Văn Cường.
Nhờ anh Nguyễn Công Danh (Trần Bang Thạch), Đại diện PTG-ĐTĐ USA ở
Houston là chú của Hạnh giúp đỡ nên tôi đã điện thoại nói chuyện với
Hạnh nhiều lần và kể cho nhau những vui buồn, những bạn bè Thầy Cô,
trường xưa phố cũ đã mịt mờ trong tâm trí. Hạnh cho biết khi còn ở
Texas, bạn đã gặp được Tiếu Hy, Lưu Hiếu Nhân, Hoàng Nam, Cảnh Bằng và
rất nhiều đồng hương Cần Thơ nhưng giờ thì gia đình Hạnh đang sinh sống
và làm việc ở Virginia.
Trước đó vài năm, Hạnh và gia đình đã trở về Cần Thơ thăm viếng và có
dịp gặp lại các bạn cũ như Nguyễn Sĩ Ân, Nguyễn Văn Đức cùng nhiều bạn
khác. Sau đó, Hạnh cũng chính là người đầu tiên đã gởi cho tôi cái đường
LINK chụp hình “Buổi họp mặt truyền thống của nhóm PTG 68-85” năm 2011 ở
khuôn viên trường cũ do bạn Nguyễn Văn Tuyết (Tý) chuyển tải rất nhiều
hình ảnh lên Picassa miễn phí. Nhờ vậy tôi mới có dịp nhìn lại được từng
khuôn mặt bạn bè và Thầy Cô đang ở quê nhà sau 30 năm xa cách.
Đó là khoảng thời gian nhóm 68-75 của chúng tôi hoạt động liên tục và
mạnh mẽ nhứt, đa số là qua email, điện thoại chớ chưa có trang Facebook
của nhóm.
Sau chuyến du lịch của Nguyễn Văn Đức qua Úc và Âu Châu (2012), nhóm
68-75 của chúng tôi đã thành lập được một cái Forum (diễn đàn) trên mạng
do công lao của Phượng Nghi là con trai của bạn Trần Cẩm Quỳnh Như
thiết lập và phụ giúp điều hành. Trang diễn đàn này
http://www.ptg6875.info
vẫn hoạt động đều đặn cho đến hôm nay với sự đóng góp bài vở và hình
ảnh xưa nay của rất nhiều bạn nồng cốt như Trần Cẩm Quỳnh Như, Nguyễn
Phong Hoàng, Lê Chí Thanh, Đặng Hoàng Tân, Ngô Thiện Trung, Hoàng Ngọc
Sinh, Lê Kim Tuyết … sau đó là Nguyễn Trung Quân và Nguyễn Công Hạnh
cũng tham gia rất nhiệt tình. Đặc biệt là cô Phạm Thị Trinh Cát, thầy Lê
Văn Quới và thầy Phạm Khắc Trí cũng đã gởi bài cho chúng tôi để được
trang trọng đăng lên diễn đàn. Thời gian sau này, diễn đàn PTG 68-75 đã
dần dần vắng lặng vì mọi người đều chuyển qua xài Facebook với nhiều
chức năng linh hoạt và thú vị hơn nhiều.
Nhìn lại trong khoảng hơn 2 năm tham gia diễn đàn, bạn Nguyễn Công Hạnh
đã gởi nhiều bài phê bình, nhận xét, góp ý (tổng cộng 82 đoạn văn). Xin
trích lại đây vài bài viết tiêu biểu của bạn Hạnh để cùng cảm thông cho
những suy nghĩ của bạn mình.
*
Ngày 2-1-2016: Sau khi đọc tâm sự của Cô Trinh Cát cho biết đã hưu trí (retire), bạn Hạnh đã viết:
“Chúc mừng Cô đã về hưu và đã thật sự hưởng được những giây phút êm
đềm thảnh thơi ngày sau khu vườn của mình mà chẳng cần đi đâu cho xa cả.
Thế thì Nguyễn Bỉnh Khiêm có nói thật hay là ông móc mình khi viết hai câu thơ sau đây vậy Cô:
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn người đến chốn lao xao.”
Nghe cô diễn tả cái biết đủ của cô làm những người còn đi làm như
hạnh cảm thấy 'envy' với Cô đó và cũng muốn làm người 'dại' như NBK đã
diễn tả ở trên.
Cám ơn và chúc cô một năm mới an nhiên tự tại.
Hạnh12B2
*
Sau bài nhận xét về tệ nạn rượu chè trong giới trẻ của cô Trinh Cát, bạn Hạnh đã cho ý kiến:
“Bài viết của Cô chia sẽ thật là hay và thực tiễn nhất là sắp đến
những dịp lễ, hội hè bên quê nhà cũng như ngoài nước. Cô chẳng những
viết đến những khía cạnh y học mà còn chia sẽ thêm về những kinh nghiệm
trong nghề cũng như những kinh nghiệm bản thân. Hạnh hoàn toàn đồng ý
với Cô qua những nhận xét và phân tách về những câu mà chúng ta vẫn
thường nghe về việc rượu chè bên VN.
Hạnh còn nhớ cách đây vài năm có về thăm lại quê nhà và đang trong
lúc ngồi ăn trong một nhà hàng với gia đình đột nhiên nghe mấy tiếng ồn
ào thật to 'dzô dzô dzô' và quay lại mới thấy mấy anh chị đang cụng ly
bia với nhau rất là hồ hởi phấn khởi.
Đọc đi đọc lại Hạnh thấy hai câu mà cô đặt ra rất hay và nhiều ý
nghĩa: 'Có phải vì hoàn cảnh xã hội? Sự yếu đuối lý trí đă khiến ông
không cưỡng nổi cám dỗ của những bữa nhậu nhẹt hoành tráng với không khí
vui nhộn của nó?'.
Hạnh xin được đóng góp thêm ý kiến nhỏ của mình như vậy. H cảm thấy
sự yếu đuối của lý trí thường dẫn chúng ta đến những sự suy nghĩ nguy
hại hay khổ đau nhiều hơn vì theo h lý trí hay sự suy nghĩ dẫn đầu tất
cả và chúng đưa ta đến những lời nói cũng như hành động sau đó. H tin
rằng trước khi một người cầm ly bia hay tách rượu đưa lên miệng họ cũng
có một ít ý thức một cảm nghĩ trong đầu là chất men này sẽ ảnh hưởng hay
làm gì cho mình sau khi đã ném qua cái vị cay hay đắng của nó, hậu quả
của nó sẽ ảnh hưởng như thế nào từ sức khỏe đến bao nhiêu việc không hay
khác chung quanh ta.
Thực ra đâu có ai bắt mình phải uống đâu (it’s not life or death) chỉ
là tự lý trí mình có muốn hay không mà thôi. Và nếu mà mình chịu nhìn
thấy những hậu quả vô lường của nó thì có lẽ mình sẽ chậm lại và suy
nghĩ nhiều hơn là cứ anh hùng chén anh chén tôi. Và khi chúng ta đã để
con men lý trí nó dẫn đi rồi thì cho dù bất cứ đổ thừa hay biện hộ cho
hoàn cảnh gì đi nữa cũng đều do vô minh, vướng mắc, ham muốn và vi cái
tôi mà thôi.
Bài viết này của Cô cho thấy hậu quả của việc uống rượu như thế nào, h
hy vọng chúng ta ít nhất cũng chậm lại và để ý thêm uống ít lại vài lon
hay là hay hơn nữa là bỏ nó luôn. Đó mới là người có trí tuệ biết
thương mình và thương những người chứng quanh mình.
Hạnh xin chúc Thầy Cô và tất cả các bạn một mùa Giáng Sinh an lành và một Năm mới 2016 an khang thịnh vượng.
Last edited by Hanh12B2; 21-12-2015 at 12:20 AM.
Còn đây là quan điểm của bạn Hạnh về ngày Lễ Vu Lan, cúng Cô Hồn và tục phóng sanh:
“Chào Cô Cát và các bạn,
30-8-2015
Các anh chị mến,
Theo Hạnh học và hiểu là trong đạo Phật Nguyên Thuỷ không có ngày lễ
này mà nó có là do người Trung Hoa đặt ra theo phong tục tập quán của
dân tộc họ và từ đó truyền xuống nước Việt mình. Vào thời đức Phật có
một câu chuyện báo hiệu của Ngài Mục Kiền Liên (Moggalana), là một trong
hai đại đệ tử của đức Phật (ngài Sariputta - Xá Lợi Phất và ngài
Moggalana) đã dùng thần thông để xuống cõi dưới xem Mẹ mình bị trả
nghiệp như thế nào và sau đó Ngài và các vị đại đệ tử của đức Phật cùng
tăng đoàn đọc kinh và ngồi thiền để hồi hướng công đức đến cho bà Mẹ sớm
được giải thoát, đầu thai trở lại kiếp người...
Và theo H nếu báo hiếu cho Mẹ Cha là một phước đức hay bổn phận thì
chúng ta phải nên làm hàng ngày hàng giờ chứ đâu phải đợi đến ngày nầy
một năm mới làm một lần. Chúng ta đôi khi cũng nên bắt đầu suy nghĩ lại
xem những việc mình làm những gì mình tin có hợp với đạo đức, hợp với
luật nhân quả không hay là vì bị mê tín dị đoan mà làm hay tin theo.
Cũng như chúng ta vào Chùa cúng dường đức Phật mâm trái cây hay một ít
tiền rồi mong cầu sẽ được trúng số hay thi đậu, thành tài, thành công...
mà chính bản thân mình không có một sự cố gắng gì hết.
H. còn nhớ khi xưa cứ theo gia đình đi chùa vào những ngày lễ này mà
không biết để làm gì và ai bảo đi đâu mình làm theo đó, nhưng sau này
khi tìm hiểu sâu thêm thì thấy bất cứ việc gì chúng ta cũng nên lấy trí
tuệ để nhận xét và thấy cho đúng trước khi mình tin hay làm theo. Đôi
khi Hạnh thấy người Trung Hoa cũng như người Việt mình biến ngày này
thành một big business. Xin có vài dòng chia sẻ.
Hạnh 12B2
Ngày 20-7-2015, các bạn thảo luận sôi nổi về việc “
XÂY TRƯỜNG MỚI HAY CUỐN CHIẾU TRƯỜNG CŨ” (tức là đập phá trường PTG Cần Thơ và xây cất lại hoàn toàn một ngôi trường mới). Bạn Hạnh đã nêu lên ý kiến như sau:
Hạnh rất đồng ý với quan điểm của Trung (Ngô Thiện Trung) trên đây vì
nếu chúng ta thật sự có lo lắng cho tương lai các em thì mái trường chỉ
là một vật (object), một cái nhìn (perception) và nhất là chỉ là những
kỷ niệm của quá khứ mà thôi. Những kiến thức, trí khôn, trí tuệ là do sự
thực tập học hỏi và nếu các em có được môi trường thích hợp, tân tiến,
tiện nghi thì có lẽ sẽ dễ dàng cho việc phát triển hơn là cứ quay về
những kỷ niệm mấy chục năm trước.
Đời vô thường như Trung đã nói, nó đến rồi đi tại sao chúng ta không
để cho nó qua đi mà níu kéo lại làm gì, chỉ là một kỷ niệm mà thôi mà kỷ
niệm thì đôi khi có đẹp có hay nhưng cũng có buồn vậy. Nếu duyên của nó
đã hết thì hãy để nó đi nhé các bạn.
Thân mến,
Hạnh12B2
< HẾT PHẦN 1, CÒN TIẾP >