Monday, June 23, 2014

Tiễn biệt Thầy Thái Thuận Tiếp đón Thầy Phạm Khắc Trí (bài của Nguyễn Văn Quyền 12A4)

TIỄN BIỆT THẦY THÁI THUẬN
TIẾP ĐÓN THẦY PHẠM KHẮC TRÍ



Trong năm 2012, đại gia đình Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm có những nỗi buồn cũng như những niềm vui, liên quan đến các thầy, cô, các Cựu học sinh, tất cả đã được thể hiện (có thể chưa đầy đủ) trong các đặc san tại Úc Châu và Hoa Kỳ. Trong số đó, tôi đặc biệt nhớ về thầy giám thị Thái Thuận (đã thay thế thầy giám thị Trương Văn Hoà - nghỉ hưu) làm giám thị nhóm học sinh Phan Thanh Giản niên khoá 1968-1975 từ năm nhóm học lớp 10 đến lớp 12 (năm 1972-1975). Thầy giám thị tuy không được trực tiếp giảng dạy chúng tôi, nhưng mọi sinh hoạt của cả nhóm thầy đều trực tiếp quản lý. Trong cuộc đời học sinh dưới mái trường Phan Thanh Giản, tôi làm trưởng lớp 10C, 11A2 và cuối cùng là 12A4, nên tôi có dịp thường xuyên tiếp xúc với thầy Thái Thuận.


TIỄN BIỆT THẦY THÁI THUẬN

Đầu tháng 10 năm 2012, chúng tôi nhận được hung tin, thầy đã mất tại xã Đại Tâm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, hưởng thọ 83 tuổi, một thời gian ngắn sau khi anh Nguyễn Văn Đức dẫn mấy anh em khoá 1968-1975 Phan Thanh Giản xuống thăm thầy khi hay tin thầy ngã bệnh. Dù biết qui luật của tạo hoá là sinh-lão-bệnh-tử, nhưng tin dữ đến Cần Thơ làm cho nhiều đồng nghiệp của thầy và đám học trò bàng hoàng đau xót.




Một lần nữa chúng em lại mất đi một người thầy đáng kính, một người thầy tuy nóng tính nhưng hết lòng, hết sức mẫu mực không ngại đụng chạm để quản lý học sinh, tạo điều kiện cho chúng em học hành, sinh hoạt thật tốt khi ở tại trường.

Với vị trí trưởng lớp của 3 cấp lớp liên tiếp từ lớp 10 đến lớp 12, tôi đã được thầy kêu lên làm việc nhiều lần ở văn phòng Ban giám thị. Ngoại trừ một lần được tháp tùng thầy đi Vũng Tàu mà tôi đã kể trong đặc san số 12 Úc Châu. Nhiều lần tại mái trường Phan Thanh Giản, tôi gián tiếp và trực tiếp thấy những việc làm của thầy đối với học sinh của mình, tuy thầy rất nghiêm khắc khi có bạn sai phạm như nghỉ không phép, vi phạm nội quy nhà trường (có lần tôi thấy thầy bợp tai một anh bạn khoá 1968-1975 khi nghỉ học không phép và mượn bảng tên người khác khi thầy kêu lên phòng giám thị).

Nhưng bên cạnh sự nóng giận vì sự lười biếng đôi khi giả dối của học sinh, thầy cũng lại rất chân tình, cần mẫn làm việc vì học sinh của mình. Đôi lúc vì sự quá cần mẫn, nhiệt tình, nghiêm khắc mà thầy va chạm với một số giáo viên đứng lớp. Đối với riêng tôi, không biết vì tôi làm trưởng lớp nhiều năm, có dịp tiếp xúc với thầy luôn, nên mới có sự kiện tôi sắp kể ra đây:

Vào năm tôi học lớp 12 (niên khoá 1974 - 1975) tại trường Phan Thanh Giản, vì lệnh tổng động viên vào mùa hè đỏ lửa 1972, nên lớp thiếu học sinh, thầy Hiệu trưởng Võ Văn Trí có cho phép một số học sinh từ các trường tư, các lớp bán công đêm thi vào các lớp ban ngày. Năm đó lớp 12A4 của chúng tôi có thêm 7 bạn nữ. Trong số các bạn nữ ấy, có một bạn là con nhà "danh gia vọng tộc" chủ rạp hát lớn nhất ở Cần Thơ. Bạn ấy được rất nhiều bạn trai trong lớp cũng như các bạn cùng trường quan tâm, để ý.

Tháng 11 năm 1974, sau khi lớp 12A4 cắm trại tại trường Bình Lạc, quận Bình Thuỷ thì bạn ấy có cảm tình với tôi, do lúc đi về tôi chở bạn ấy bằng xe đạp mini (cũng không biết có phải do tôi làm trưởng lớp hay không?). Lớp 12A4 học trên lầu, dãy cuối của trường Phan Thanh Giản - phía đường Ngô Quyền).

Giờ ra chơi, chúng tôi thường xuống sân đi xuyên qua dãy lầu giữa đến chỗ đặt tượng cụ Phan Thanh Giản, nhiều lần chúng tôi đi như thế, thầy Thái Thuận nhìn thấy. Có lần thầy kêu tôi xuống phòng giám thị, thầy bảo tôi ngồi gần bên thầy, thầy nói : "Thầy biết chuyện tình cảm là chuyện riêng tư của em. Thầy không muốn nói ra nhưng vì em là trưởng lớp, hơn nữa em học cũng giỏi nên thầy muốn có lời khuyên, vì tương lai của em. Ở tuổi của em việc học là quan trọng chứ không phải chuyện yêu đương, em trai tôi là Bác sĩ Thái Hòa đang ở Campuchia, hơn 30 tuổi, có biết bao gia đình danh giá, khá giả muốn gả con mà em tôi còn chưa chịu, vì em tôi còn muốn có thời gian học lên cao hơn. Hơn nữa, em là trưởng lớp còn bạn của em là con một gia đình giàu sang nổi tiếng, em có thấy mỗi khi hai em đi dưới sân trường bao nhiêu cặp mắt đều đổ dồn về các em, hình ảnh ấy không nên có tại sân trường này".

Sau khi nghe thầy nói, tôi thật sự không hiểu hết những ý của thầy nhưng với tâm tư của một người học trò của những năm 70 thế kỷ trước, tôi thưa với thầy: "Thưa thầy em sẽ nghe lời thầy, em sẽ không còn đi dưới sân trường, em sẽ lo học chứ không yêu đương sớm nữa".

Miệng thì hứa với thầy như thế, nhưng làm sao tôi có thể làm theo lời khuyên của thầy, tôi cũng không dám nói với bạn gái của tôi, sợ cô ấy buồn, tôi có tâm sự với hai người bạn là anh Lê Thuần Phong học lớp 12C và anh Nguyễn Hoàng Giáp học lớp 12B2.
Tôi cũng sợ thầy buồn nên không dám đi xuống sân trường, nhưng do tôi không dám nói với bạn X.M, nên có lần X.M rủ tôi xuống thăm hai bạn Kim Hằng và Phương Liên học lớp 12C dưới đất, chúng tôi phải đi ngang qua phòng giám thị, không ngờ thầy đang đứng ở hành lang nhìn thấy hai đứa, thầy chép miệng lắc đầu, thái độ của thầy hết sức ngao ngán.

Lúc ấy anh Lê Thuần Phong, trưởng lớp 12C cũng thấy, tôi thì rất xấu hổ vì tôi đã cãi lời thầy, không giữ lời hứa với thầy, nhưng thầy ơi có lẽ sau này và hiện nay, ở chốn xa xôi nào đó thầy thương và hiểu cho em, tình cảm trai gái, nhất là trai gái mới dậy thì, rất khó mà cưỡng lại được. Chúng em rất vô tư, trong sáng trong tình bạn, tình yêu, nhưng những cặp mắt bên ngoài không nói lên như vậy. Tuy em đã nói dối thầy, không làm theo thầy khuyên, nhưng mặt nào đó, nhờ sự động viên, nhờ biết phấn đấu cho xứng với sự quí mến của người con gái đó, một người con gái ngây thơ, quí phái, đài các (đến năm cô ấy học lớp 12 mà từ nhà tới trường còn có Dì Hai, là bà vú đưa đi học, đến giờ lại đến trường rước về). Do vậy tôi đã vươn lên, sau này tôi thi đậu vào Đại học, ra trường được giữ lại làm giảng viên trường Đại học Cần Thơ, dù lúc ấy tôi chỉ là một học sinh nghèo.

Nhưng vào năm 1975 (trước 30/4), có lần chúng tôi đến thăm thầy Lương Xự, cùng đi có bạn Trần Văn Linh, bạn La Thanh Khải cùng X.M, thầy Lương Xự dạy môn Lý Hoá, nhờ thầy lấy lá số tử vi cho chúng tôi. Thầy nói với tôi và X.M "Hai em có thương nhau cách mấy cũng không thể thành vợ thành chồng được, số trời đã định như vậy", lúc ấy tôi rất buồn và có lúc muốn giận thầy vì câu nói tôi cho là xui rủi ấy, nhưng đến năm 1979, lời nói ấy lại linh nghiệm. Riêng bạn Trần Văn Linh, thầy nói bạn sẽ sung sướng suốt cuộc đời (nay bạn thành lập cơ sở bán vật liệu xây dựng Linh Phượng rất nổi tiếng và giàu có). Còn bạn La Thanh Khải, thầy dự đoán sau này sẽ đi nước ngoài thường xuyên như đi chợ. Nói chung, những lời thầy Lương Xự tiên đoán từ những năm 70 về chúng tôi đều đúng. Tiếc rằng nay thầy không còn nữa.


Hôm nay thầy Thái Thuận và thầy Lương Xự đều không còn, người bạn gái năm xưa cũng đã ngàn trùng xa cách, nhưng tôi vẫn luôn nhớ về thầy Thái Thuận, thầy Lương Xự và người bạn gái năm xưa.

"Phương trời nay đã cách xa
Âm dương đôi ngã - gặp là chiêm bao
Riêng em - em ở phương nào
Hướng về phương ấy nhìn sao nhớ người
Thầy - em xa thẳm mù khơi
Ngàn năm đồng vọng tiếng người ngàn xa?"


ĐÓN TIẾP THẦY PHẠM KHẮC TRÍ


Bên cạnh chuyện buồn khi chúng tôi mất đi thầy Thái Thuận, tháng 11 năm 2012, nhóm cựu học sinh Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm lại được đền đáp bằng một tin vui khi được biết thầy Phạm Khắc Trí về thăm lại Cần Thơ từ nước Mỹ xa xôi. Thầy về thăm lại nơi dạy học cũ cùng với cô. Tôi nghĩ rằng hình ảnh đón mừng thầy cô tại Nhà hàng Hoa Sứ bên bờ sông Cần Thơ có thể nói là "Độc nhất vô nhị" trong phạm vi giáo dục. Vì đón thầy cô cũng là lúc đến ngày kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11.

Tôi muốn nói sự kiện này "Độc nhất vô nhị" vì khi thầy, trò hội ngộ, tôi mới được biết có Giáo sư Châu Bá Lộc, trước đây là Trưởng Khoa Chăn nuôi Thú y của trường Đại học Cần Thơ, năm nay đã 72 tuổi, lại là học trò cũ của thầy Phạm Khắc Trí, khi thầy mới về dạy học tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp ngày nay). Theo lời Giáo sư Châu Bá Lộc, Giáo sư đã học với thầy Phạm Khắc Trí cách nay trên 50 năm. Ngần ấy thời gian, tình thầy, trò tuy cách xa về mặt địa lý nhưng luôn gần gũi trong tâm. Sự tôn sư trọng đạo thể hiện rõ rệt qua sự tiếp đãi cung kính của nhóm cựu học sinh của thầy, những người học trò mái đầu đã bạc không thua gì thầy. Trên dưới hai mươi học trò quây quần bên thầy, cô thân thương, ôn lại những kỷ niệm xưa, nhất là việc thầy vẽ hình tròn, hình vuông, hình tam giác rất đẹp mà không cần compa hay thước.

Cảm động biết mấy khi anh Vương Thuỷ Tùng, Luật sư Hồ Trung Thành đọc thơ và các lời chúc đón thầy, cô về lại Cần Thơ. Mới nhìn qua không thể nào biết đâu là thầy, đâu là trò, vì tôi đã vào tuổi gần 60 mà vẫn là lứa học trò trẻ nhất trong buổi họp mặt ngày hôm đó. Thầy Phạm Khắc Trí đáp trả lại những lời chúc tụng, sự tri ân của đám học trò bằng những lời hết sức cảm động, tôi chỉ có thể ghi lại những lời mà thầy viết vào trang đầu của tập thơ "Mây Tần" do thầy dịch và tặng mỗi người một bản trong buổi họp mặt.

"Đất khách lần khân đà trọn kiếp
Thì thôi chữ nghĩa chút niềm vui
Đêm đêm lần giở trang thơ cổ
Trăng nước Tầm Dương những ngậm ngùi"
Phạm Khắc Trí

Đại ý thầy nói khi về già, sự thôi thúc nhớ quê luôn hiện diện và thầy đã bỏ công sức dịch nhiều bài thơ Đường, đưa đi in lấy tên tập thơ là "Mây Tần" theo điển tích xưa. Tập thơ dày 321 trang do nhà xuất bản Văn Hoá, Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh in vào tháng 07 năm 2012.

Cuộc hội ngộ nào cũng có lúc phải chia ly... Sáng hôm sau Luật sư Hồ Trung Thành đến chỗ thầy Lê Văn Quới uống cà phê, bên hông trường tiểu học Mạc Đĩnh Chi, cùng thầy Hồ Công Nghiệp, thầy Lê Phước Nghiệp, thầy Ngô Phước Phú, tôi, và anh Lê Thuần Phong. Luật sư Thành nói là thầy Trí mời xuống quán cà phê Hợp Phố bên bến Ninh Kiều ăn sáng, rồi sau đó thầy, cô trở về Sài Gòn. Vì bận công việc nên chỉ có thầy Lê Văn Quới và thầy Ngô Phước Phú đi thăm thầy Trí.



Khi viết những dòng chữ này, tập thơ "Mây Tần" vẫn ở bên cạnh tôi, tôi nghĩ thầy chúng tôi rất tài hoa khi dạy môn Toán, thì nay thầy cũng rất tài hoa trong lãnh vực văn học, bằng chứng là những bản dịch các bài thơ Đường trong tập "Mây Tần". Hình ảnh một nhóm học trò già lứa tuổi 70 xúm xít quanh thầy, cô của mình vào tuổi 80 có lẽ không mấy khi còn có được một lần nữa. Ngày xưa đâu có ngày 20 tháng 11 mà tình thầy trò vẫn sâu đậm, nghĩa tôn sư hết sức thiêng liêng, có lẽ văn hoá Khổng giáo đã ăn sâu vào nếp nghĩ của bao thế hệ người Việt Nam trước 1975. Đó là:

"Quân, sư, phụ"
hay
"Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy Thầy"

Chúng tôi đã từng học tại trường trung học Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm và lúc nào
cũng luôn nhắc nhở, tri ơn quý thầy cô khi có dịp họp mặt. Nơi miền xa xôi ấy thầy, cô cứ yên lòng, chúng em đã, sẽ lập tiếp miếu thờ, khắc ghi tên tuổi của quý thầy, cô lưu lại cho con cháu đời sau.


Với các thầy, cô còn lại trên đời, chúng em luôn cầu chúc quý thầy, cô luôn luôn được an khang, khoẻ mạnh, vui sống cùng cháu con. Để khi nào còn gặp được các thầy, cô dù chúng em tuổi gần lục tuần, vẫn cứ nghĩ mình như những đứa học trò nhỏ ngày xưa, muốn nghe những lời dạy bảo, khuyên răn, muốn được nhận những cái tát tay đau điếng, để chứng tỏ thầy, cô vẫn còn tráng kiện, khoẻ mạnh. Như tích xưa có người học trò bật khóc khi thầy mình đánh mình không còn đau, vì lúc ấy thầy mình đã già yếu quá rồi.

Làm sao cãi lại được quy luật của thời gian, mỗi một thầy, cô mất đi thì tuổi thơ, kỷ niệm thời thơ ấu của chúng em vơi đi một phần. Mai này chúng em làm sao còn được xưng là con, là em với người đối diện, dù chúng em đã lên chức nội, ngoại, có sui có gia.

"Thầy ơi trăm nhớ nghìn thương
Thầy, cô là ánh Thái Dương rạng ngời
Dù cho góc biển chân trời
Âm dương cách biệt, đời đời không quên"

Cần Thơ mùa Noel 2012
Nguyễn Văn Quyền (12A4)

No comments:

Post a Comment