Sunday, August 30, 2020

 

Viết về 1 người bạn vừa nằm xuống!
Thanh Khải·Monday, 25 May 2020·36 minutes106 reads

Cách đây vài tuần bỗng dưng tôi nhận một tin nhắn ngắn gọn từ bạn Nguyễn Văn Đức (Cần Thơ): “vô facebook xem tin bạn Lợi vừa mất”. Tôi giật mình sửng sốt, thầm nghĩ ngay trong đầu, Lợi nào không lẽ Phan Công Lợi bạn mình, tại sao, tại sao vậy?
Đọc tin của Trung, của Đức khiến tôi bần thần suốt cả mấy ngày và bao kỷ niệm xưa cũ lần lượt hiện về trong tâm trí.
Nhóm bạn cựu học sinh Phan thanh Giản niên khoá 68-75 hôm nay thật đau buồn vì đã mất đi một người bạn.
- Phan Công Lợi (May 03, 1957 - April 29, 2020)
Bạn Lợi là một học sinh thuộc hạng giỏi, tánh tình hiền hoà và luôn chia sẻ với bạn bè. Là một người sống nghiêng về tâm linh cũng như luôn nghiên cứu về triết lý, có lúc bạn ấy có nick name là “Lợi triết gia”.
Bạn ấy có thể nhịn ăn sáng để góp tiền đóng học phí cho một bạn khác học thêm course buổi tối. Còn rất nhiều chuyện chia sẻ khác với bạn bè thiếu thốn qua một tấm lòng bác ái.
Bạn là một kỹ sư giỏi làm cho một hãng nổi tiếng của Mỹ. Lợi là một người chồng tốt, là một người cha gương mẫu.

Kể từ sau “cuộc đổi đời bi thảm”, giã biệt mái trường xưa, tôi không còn gặp lại bạn Lợi lần nào. Tuy tôi chỉ có dịp học chung với Lợi trong 3 năm đệ nhị cấp mà thôi, nhưng hầu như có lúc bọn tôi đã trở thành “tri âm tri kỷ” với nhau.
Còn nhớ năm học lớp 10B3 niên khóa 1972-1973, lớp chúng tôi được thầy Giám thị Trương Văn Hòa tuyển chọn các bạn từ 9A1 đến 9A6 (sinh ngữ chánh Anh Văn) mỗi lớp vài trò, tổng cộng 39 nam sinh.
Ngoài một số bạn trình diện nhập ngũ hoặc theo học ban A, các bạn lớp 9A2 tiếp tục học chung với tôi năm này chỉ có Nguyễn Trung Quân, Đỗ Văn Xê và Ôn Phước Hà. Có nhiều bạn mới học chung như Nguyễn Quang Minh, Nguyễn Bảo Trị, Nguyễn Thành Danh, Ngô Thiện Trung, Ngô Minh Hùng, Hồ Hữu Hậu, Hồ Hữu Phúc, Nguyễn Trung Nhơn, Trần Văn Sô, Bùi Quang Nhung (trưởng lớp), Đỗ Văn Nương, Đinh Công Hưng, Dương Ngọc Tuấn, Nguyễn Văn Long ..v..v.. và đặc biệt là Phan Công Lợi từ lớp 10C chuyển qua sau khi vào học ban C gần 2 tháng.

Vừa vào lớp 10B3, bạn Lợi đã lập tức được mọi người chú ý vì hầu như giờ học nào bạn cũng giơ tay xin phát biểu ý kiến, có khi cải “tay đôi” với các Thầy.
Đa số các bạn ở 10B3 này đều chưa thân thiết với nhau giống như hồi học chung đệ nhứt cấp, gần như 90% là học hành rất thụ động. Vào lớp chỉ lo chép bài, nghe Thầy Cô giảng bài rồi về nhà học bài, đến khi thi nếu trúng tủ thì được điểm cao, còn lạc đề thì mất điểm. Ít khi nào trong giờ học có bạn dám giơ tay góp ý. Đợi khi nào bị kêu tên trả bài hay hỏi bài mới run run trả lời Thầy Cô.
Ai cũng ngạc nhiên và thích thú trước cách học mới mẻ của Lợi và nghĩ thầm chắc đây là phong cách của học đường Tây Phương mà Lợi vừa mang về và tạo ra không khí sôi động cho lớp chúng tôi.
Năm đó thầy Trần Văn Sơn phụ trách môn Toán và thầy Trần Đại Hải giảng dạy Lý Hóa là 2 môn mà bạn Lợi hay tranh cải nhiều nhứt về phương pháp giải Toán hay cân bằng phản ứng Hóa học…. Thỉnh thoảng Ôn Phước Hà cũng hay giơ tay góp ý. Các môn khác như Công dân (do thầy Võ Hưng Thanh dạy), Sử Địa (thầy Nguyễn Lễ) và Vạn Vật (cô Phạm Thị Trinh Cát) đều được Lợi và các bạn ngồi những dãy bàn trên im lặng chăm chú lắng nghe, ít khi tranh cãi. Riêng các bạn ở “xóm nhà lá” cuối lớp thì hay xì xào bàn tán chuyện riêng tư hoặc lén đọc tiểu thuyết trong giờ học những khi Thầy Cô đang bận rộn giảng bài hay đang thảo luận sôi nổi cùng bạn Lợi phía trên.
Được biết, từ nhỏ bạn Phan Công Lợi đã học Tiểu học và Trung Học ở Ô Môn (quận lỵ Phong Phú) và đây là năm đầu tiên bạn Lợi thi vào Phan Thanh Giản Cần Thơ. Nhìn dáng điệu và phong cách của Lợi, nhiều bạn cũng đoán được đây là một chàng “công tử” con nhà khá giả hay điền chủ phong lưu. Tánh ham học, thích nêu ý kiến của Lợi trong lớp cũng mau chóng gây được nhiều cảm tình thân thiết trong đám bạn cùng lớp, cùng trường.
Sau này tôi mới biết Lợi là cháu ngoại của tiệm vàng Kim Thạnh danh tiếng ở chợ Ô Môn. Ba của Lợi là một sỹ quan ngành Quân Nhu VNCH tên Phan Công Lộc. Thuở nhỏ có lúc Lợi phải cùng Ba Má di chuyển theo nhiệm sở của ông ra tận miền Cao Nguyên đất đỏ, Phố Núi mù sương. Nhưng đa số thời gian ăn học của chị em Lợi là ở chợ Ô Môn (nhà Bà Ngoại). Lợi là trưởng nam, bạn có một người chị lớn tên gọi ở nhà là Colette, nhỏ hơn Lợi 2 tuổi là em trai tên Tài và sau đó là 4 cô em gái. Má của Lợi hiện vẫn khoẻ mạnh bên Mỹ ở California.

Vào năm 1966, Ba của Lợi xin chuyển về làm việc ở Cần Thơ. Trong bữa tiệc ăn mừng tại Cần Thơ khoản đãi bạn bè sau khi được chấp thuận về đơn vị mới, ông cao hứng uống rượu hơi nhiều. Khuya đêm đó, một người bạn tên 7 Hoè chạy xe Honda chở Ba của Lợi ngồi ở băng sau chạy về Ô Môn trong đêm vắng. Giữa đường, trời tối đen nên Bác 7 không thấy rõ chướng ngại vật (hàng rào kẽm gai) giăng ngang đường lúc giới nghiêm, nên ông đâm xe vô đó và cả hai đều bị thương rất nặng. Đem về nhà thương Ô Môn, bác 7 thoát chết, nhưng Ba của Lợi bị chấn thương nặng nơi đầu và từ trần trong đêm, không kịp chở xuống bịnh viện Cần Thơ vào sáng hôm sau. Chức vụ sau cùng của ông trong quân đội VNCH là Trung Úy. Gia đình bên Nội của Lợi là Ông Phán ở đường Lý Thái Tổ Cần Thơ, gần Quân Y Viện Phan Thanh Giản.
Vì vậy, những ngày Lợi xuống Cần Thơ trọ học ở nhà người cậu là những ngày bạn đã mồ côi cha nhưng ít ai biết được chuyện này. Với bản tính siêng năng, nên sau giờ học Lợi thường cùng các bạn ở lại lớp để “học nhóm” với nhau và ban đêm còn đi học thêm những lớp luyện thi ở vài trung tâm dạy kèm trong thành phố. Có những buổi chiều cuối tuần hoặc không có lớp học đêm, bạn Lợi thường đón xe đò từ Cần Thơ về Ô Môn để hưởng những bữa cơm đầm ấm của gia đình. Sáng hôm sau bạn Lợi lại dậy sớm đón xe xuống Cần Thơ vào lớp học. Đó là những ngày tháng vất vả ngược xuôi của Lợi, nhưng bạn vẫn vui vẻ yêu đời, chuyên cần học tập.
Năm sau (nk 1973-1974), chúng tôi lại tiếp tục học chung lớp 11B3. Sĩ số của lớp vẫn là 39 nhưng có vài bạn ghi tên học ở trường khác, có nghĩa là một ngày học hai trường, để chuẩn bị cuối năm thi nhẩy “Tú Tài IBM” như Ngô Thiện Trung, Hồ Hữu Hậu … Thời gian này bạn Lợi hay trầm tư, suy nghĩ và im lặng lắng nghe Thầy Cô giảng bài mà ít khi giơ tay phát biểu. Thỉnh thoảng Lợi và Ôn Phước Hà cũng nêu ý kiến với thầy Phạm Khắc Trí (dạy Toán) và Đoàn Văn Cường (Lý Hóa, giáo sư mới của trường).
Giờ ra chơi hoặc đợi Thầy Cô tới lớp, Lợi thường mang theo một cuốn sách dày cộm trong cặp và chăm chú ngồi đọc một mình, không đùa giỡn cùng các bạn khác. Có lần tò mò, tôi ghé mắt vào đọc mới biết đó là cuốn “Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học” của Phạm Công Thiện. Trước đó tôi cũng có nghe nói về “thần đồng” Phạm Công Thiện quê quán ở Mỹ Tho, 16 tuổi đã xuất bản sách và thông thạo nhiều ngôn ngữ. Nhưng tôi chưa bao giờ đọc hết một trang sách của ông vì không hiểu ông viết cái gì?
Ở bìa trong tác phẩm “Ngày sanh của rắn” (1966) Phạm Công Thiện đã viết về mình:
Sinh năm rắn (1941), bên dòng sông Cửu long, vì tranh luận học vấn với giáo sư, nên bỏ học lúc 13 tuổi, viết sách lúc 14 tuổi; làm giáo sư sinh ngữ từ lúc 16 tuổi đến 20 tuổi tại những trường ở Sàigòn, Mỹtho, Đàlạt, Nhatrang; quyển sách khảo luận đầu tiên được xuất bản vào lúc 16 tuổi, viết quyển “Ý thức mới trong văn nghệ và Triết Học” vào lúc 20 tuổi; học triêt lý tại trường đại học Yale, đệ trình tiểu luận Ý niệm về chân lý trong tư tưởng Platon và Heidegger tại hội thảo triết lý ở Yale; tiếp tục học triết lý tại trường đại học Columbia, khinh bỉ giáo sư và bỏ học bổng của Viện Giáo Dục Quốc Tế, sống lang thang lây lất ở xóm nghệ sĩ tại New York; đã gặp Henry Miller, sau đó được một văn sĩ Do thái cho tiền để trốn qua Paris không giấy tờ, không hành lý, sống bơ phờ ở Bretagne, học văn chương tại trường đại học Rennes, khinh bỉ giáo sư, rồi lại bỏ đi và sống lang thang lây lất khắp hang cùng ngỏ hẻm ở Paris, triệt để đứng ngoài tất cả ý thức hệ chính trị, đứng ngoài mọi sự tranh chấp tôn giáo, khinh bỉ tất cả văn hóa nhân loại, thù ghét tất cả mọi tổ chức xã hội, vô cùng kiêu hãnh, chỉ đi một mình và tự nhận là thiên tài độc nhất của Việt Nam.



Có những lúc Lợi say mê giảng cho tôi và các bạn đang chúi đầu nhìn vào cuốn sách Lợi đang cầm về triết gia Phạm Công Thiện và những triết thuyết độc đáo, lạ kỳ của ông. Tôi và các bạn chỉ biết lắc đầu lảng sang chuyện khác và tìm cách rút lui.

Chính tôi đã đặt cho Lợi biệt danh là “Triết Gia” vì thấy bạn vẫn tiếp tục xem Phạm Công Thiện là thần tượng của mình. Biệt hiệu này vẫn theo đuổi Lợi cho đến tận năm lớp 12, tuy ngoài môn Triết thì các môn khác Lợi vẫn học hành chăm chỉ và đạt kết quả tốt, đứng vào hàng “Top Ten” của lớp. Tuy vậy, suốt những năm học chung nhau, Lợi và tôi chưa từng bao giờ có tên trên bảng Danh dự và chưa được lãnh thưởng lần nào.






Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, trường Phan Thanh Giản bị chánh quyền Quân Quản tiếp thu, làm nơi giam giữ sỹ quan cấp úy VNCH trong 3 tháng trước khi chuyển đi trại “Cải tạo” Chi Lăng, Châu Đốc. Các lớp học của chúng tôi phải dời qua trường Đoàn Thị Điểm học thêm vài tháng trước khi dự thi “Tú Tài cách mạng” vào ngày 20-9-1975. Trong lớp tôi 12B2 có vài bạn bỏ học về quê, không dự kỳ thi này vì không có hy vọng học tiếp lên Đại Học.
Tôi không nhớ là Phan Công Lợi có tham dự kỳ thi “Tú Tài” này hay không, nhưng sau đó thì tôi không còn gặp lại bạn Lợi một lần nào nữa cho đến bây giờ.
Mãi cho đến giữa năm 2015 tức là 40 năm sau, tôi được bạn Ngô Thiện Trung báo tin là vừa gặp lại được Phan Công Lợi ở Denver, Arizona bên Mỹ và thêm bạn Hòa cũng dân PTG (“Mình 3 đứa hôm nay gặp nhau, nâng ly cà-phê …” thật vui như lời một bài ca quen thuộc ngày nào.

Mừng quá tôi liền email thăm Lợi và xin số điện thoại để truyện trò sau nhiều năm mất biệt tin nhau. Trước đó bạn Trung cũng đã lần lượt tìm ra cô Phạm Thị Trinh Cát ở Florida (và từ cô Cát bọn tôi tìm ra tung tích của bạn Nguyễn Trung Quân), sau đó là Thầy Đoàn Văn Cường với bao nhiêu kỷ niệm xưa cũ hiện về.
Lần đầu tiên nói chuyện qua điện thoại với Lợi, tôi hỏi sao bạn “tuyệt tích giang hồ” từ năm 1975 luôn vậy? Lợi nói sau “giải phóng” bạn phải về quê Ô Môn, về nhà ngoại, không học them nữa, vì nghĩ mình có lý lịch xấu, khó mà tiếp tục, nên về nhà đọc sách, tìm đường vượt biên. Nhưng Lợi cũng gian nan, vất vả lắm. Sau nhiều lần thất bại, gia đình chia ra nhiều nhóm khác nhau, cuối cùng thì Lợi và bà ngọai và má cùng mấy em cũng qua được đất Mỹ và làm lại từ đầu. Tôi nói, tôi cũng giống như Lợi vậy thôi, nhưng có học được 2 năm Đại Học Nông Nghiệp, còn gặp nhiều bạn bè PTG ở Cần Thơ và sống dưới chế độ mới được 5 năm trước khi vượt biên qua Úc.
Tôi vui vẻ hỏi vậy chớ lúc sau này “triết gia” còn đọc Phạm Công Thiện nữa hay không? Lợi nói “xin bạn làm ơn cho tui xin 2 chữ “Triết gia” đi nhe, tui không còn là “triết gia” nữa, nhưng thỉnh thoảng tui vẫn đọc Phạm Công Thiện. Tôi nói vậy thì hay quá, khi nào tôi qua Mỹ gặp bạn, tôi sẽ mang theo tặng bạn cuốn “Ý Thức Mới …” mà tôi đang có trong nhà, mà mấy chục năm nay tôi chưa từng đọc. Lợi vui lắm, mong ngày chúng tôi tái ngộ trên đất Mỹ và cho biết bạn không có ý định trở về quê nhà trong tương lai.
Sau đó lãng sang chuyện khác về gia cảnh đôi bên. Tôi hỏi Lợi bà xã bạn quê ở đâu, Lợi nói cùng quê Ô Môn, nhưng tụi này gặp nhau trên đất Mỹ, trước kia có lúc bà xã ở đường Trần Hưng Đạo trọ học nhà bà con. Bây giờ Lợi đã có hai con một trai một gái. Tôi nói bạn sao mà hạnh phúc và may mắn quá, bà xã tôi quê ở Long An và tụi tui gặp nhau trên đất Úc và tôi cũng được 2 thằng con trai đang còn tuổi ăn học ở trường.
Vài ngày sau, tôi gởi cho Lợi những hình chụp ngày xưa do bạn Nguyễn Trung Quân, Nguyễn Quang Minh lưu giữ và gởi tặng. Rồi bạn bè chuyền nhau email, điện đàm thăm hỏi. Đó là thời gian vui tươi, hạnh phúc nhứt của Lợi dành cho bạn bè, Lợi thường vào facebook của nhóm, nhận xét phê bình rất nhiệt tình, dí dõm …
Còn nhớ Lợi đã chuyển cho tôi coi lá thơ email lần đầu tiên Lợi gởi thăm cô Trinh Cát như sau:
Ngày 24 tháng 12 năm 2015,
Loi Phan <lcphan1@msn.com>:
Kính gởi Thầy Cô,
Em là Phan Công Lợi, học trò của Cô lớp 10B3 cùng với Quân, Khải và Trung (niên khóa 72-73).
Em rất vui mừng khi hay tin Thầy Cô hiện sống tại Florida. Em và gia đình đang ở Tucson, AZ sau nhiều năm sống tại New Jersey và Pennsylvania. Sự suy nghĩ của Thầy Cô về Cuộc sống và Vũ trụ rất hay.
Em có gặp Thầy Phạm Khắc Trí, dạy toán trong dịp Họp nhóm PTG ĐTĐ tại Phoenix, Arizona vào 2 năm trước.
Kính chúc Thầy Cô cùng Gia đình một mùa Giáng Sinh và Năm Mới dồi dào sức khỏe.
Em,
Lợi
Trước đó một tháng Lợi đã liên lạc với bạn Nguyễn Trung Quân qua email do tôi ghi cho Lợi như sau:
23-11-2015
Quân,
Lợi đây. Có rảnh gọi Phone cho Lợi.
Lợi có nói chuyện với bạn Khải và Minh.
Gặp bạn hiền Tây Phong Cần ba lần ở Denver, Colorado.
Các bạn học chung lớp hỏi thăm tin tức nhiều về Quân.
Nói chuyện nhiều với Quân sau.
Phan Công Lợi
(kèm theo tấm hình với lời ghi chú)

Hồi đó ở Việt Nam, bạn thân hay cặp cổ đi chơi. Đến Mỹ, thì không dám cặp cổ nữa. Sợ bị hiểu lầm.
Quân, rảnh gọi các bạn chung lớp (Trung, Minh, Khải, và Lợi) để cùng tâm sự thời còn đi học.
Lợi
Vài ngày sau Quân báo tin cho tôi biết:
28-11-2015
Vài ngày trước, tôi có dịp gọi điện thoại trò chuyện với Phan công Lợi. Hơn 45 phút mà vẫn chưa thỏa tâm sự. Vui là chỗ đó, và hơn nữa khi biết bạn vui với việc làm và con học giỏi (anh đầu mới vào trường Y khoa tại Colorado), cô út đang lớp 11.
Lợi cũng đề cập đến lý do phải giới hạn việc liên hệ với bạn bè còn ở lại VN.
Quân

Trong facebook, Lợi đã ghi nhận xét sau đây dưới tấm hình:
Lợi còn nhớ tấm hình cô Cát và Quân, Minh, Tâm, Quí, .. là Lợi đứng chụp tấm ảnh đó. Lợi nói Quang Minh đứng sát vô một tí trước khi chụp. Thuyên lớp 10B1 đến trễ, nên chụp thêm một tấm khác. Dường như mới ngày nào đó.
Ôi thời gian !! Sao không thấy Đỗ Văn Xê, Nguyễn Bảo Trị, bạn Nam trong mấy tấm hình này à? Hình như sau khi chụp chung với thầy Hoà thì mình chụp chung với cô Cát và các bạn 10B1, 10B2, ... ngày đó.
À bây giờ nhớ lại rồi, hẹn chụp ảnh cô Cát và các bạn lớp khác vào một giờ khác.
Ở một tấm hình khác của bạn Quang Minh, Lợi đã ghi chú “Bạn Quang Minh. Lợi rất xúc động khi đọc comment của bạn khi bạn mặc quần áo ra trường của con bạn. Việt Nam đã mất đi hơn cả một thế hệ những con em ưu tú có thể góp phần rất lớn lao xây dựng lại nước nhà sau cuộc chiến.
Những tấm hình này rất quí giá, gợi lại những hình ảnh đẹp đẽ khi chúng ta cùng cắp sách vở đến trường.
Lợi sẽ hàn huyên với bạn nhiều. Lợi nhắn tin cho bạn và sẽ gọi bạn. 22-10-2015”

Bạn bè vẫn tiếp tục liên lạc và trao đổi thư từ email với nhau. Nhóm bạn cựu học sinh PTG ở Houston hẹn gặp bạn Đức và Sĩ Ân (từ VN qua Mỹ) cùng cô Trinh Cát và các bạn Lớp C, các bạn từ Úc cùng vợ chồng Lợi đã có những lần họp mặt thật vui trên đất Mỹ và Canada. Một lần hội ngộ “Mini” của nhóm 68-75 với cô Trinh Cát thật vui ở Houston, Texas (2016) và chuyến đi qua Montreal, Canada (tháng 5, 2017) ở nhà bạn Phương Liên, mà các bạn và cô Cát đã kể lại trên facebook với sự tham dự rất hào hứng của Phan Công Lợi và bà xã. Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên như bạn Tân đã viết ở cuối bài này. Lần nào nói chuyện với Đặng Hoàng Tân (ở Úc), bạn Lợi cũng luôn nhắn nhủ “Ông phải tìm cách làm sao kéo La Thanh Khải qua Mỹ một chuyến để bọn mình gặp nhau chung vui 1 trận”.

Lần cuối cùng tôi nhận email của Lợi là dịp Giáng Sinh cách đây 2 năm:
Khải, Chúc Khải và gia đình một mùa Giáng Sinh và Năm Mới thật là hạnh phúc và nhiều sức khỏe.
Bạn của Khải (Lợi Sent from my iPhone 24.12.2017)
Tiếc là cho đến nay tôi vẫn chưa có dịp nào gặp lại thằng bạn thân một thời “tri kỷ” thì bạn mình đã vĩnh viễn ra đi.
Nhớ lại cách đây 5 năm, bạn Ngô Thiện Trung đã từng tâm sự:
Cái quan trọng bây giờ là thời gian còn lại nên sống sao cho an lạc, vui vẻ, khỏe mạnh chứ không cần tranh đua, bằng cấp, tiền bạc chức quyền gì nữa cả. Phải cố gắng buông bỏ và dọn mình cho thật nhẹ để chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Khi có vé đi, chỉ cần mỉm cười mà đi không do dự...kakakaka .
Trong cuộc đời tui lúc nào cũng có dự tính hơi sớm hơn nhiều người. Vì là con mồ côi sớm nên mọi chuyện phải tự mình planing cho mình rồi cứ thế mà làm... Đôi lúc ngồi ôn lại thấy mình quá may mắn và quá đã trong cuộc đời này rồi...
Như bạn Quân có cái đã là được học hết cở ước mơ, bù lại tui ra làm sớm kiếm tiền thì cái đã của tui là được giúp cả nhà tui bên VN có miếng cơm ngon, qua cơn đói khổ và tồn tại tới hôm nay.
Trong đời này không ai có được tất cả mọi thứ, đôi khi mình phải bỏ cái này để rảnh tay mà bắt lấy cái kia... Giống như đứa con nít một tuổi trong ngày thôi nôi… nó chỉ được bắt một thứ trên bàn...bắt cục đất thì đi làm ruộng và bắt cây viết thì đi học...kakakakaka
Tình thân, 1 Dec 1015
Thật là thắm thía làm sao!
Dưới đây là tâm sự của Cô Trinh Cát ngay sau khi nghe tin bạn Lợi mất (xin trích):
Vài lời cùng Lợi Bích,
Thật bàng hoàng khi nghe tin Lợi đã qua đời!!! Bao nhiêu kỷ niệm ngọt ngào với hai em và nhóm bạn Houston và Canada bỗng như một cuốn phim chợt chiếu nhanh trong trí tôi. Chúng tôi không thể nào quên được những lúc được hai em chở đi đây đó một cách nhiệt tình và an toàn qua những đường phố của Houston cũng như Montreal, cùng với nhóm bạn “già ranh”, rồi những giây phút cười đùa thoải mái thiệt dễ thương mà có lẽ sẽ chẳng bao giờ tìm lại được nữa trong chúng ta!

Tôi lúc nào cũng mến mộ hai em, những con người đạo đức, tốt bụng, tài giỏi nhưng thiệt khiêm tốn và đã gây dựng nên một gia đình mẫu mực nuôi dạy con cái nên người. Giờ đây, Lợi không còn nữa nhưng đã để lại cho đời hai bản sao quý giá qua con cái, và Bích, người đã cùng Lợi chung lưng tạo tác đó, nay lại càng oằn vai nặng gánh hơn trong việc tiếp tục lo cho con và cả mẹ già hai bên gia đình. Vô cùng thương tiếc người đi và thương cảm làm sao cho người ở lại!!!

Xin chân thành chia buồn với Bích và gia đình trong sự mất mát này và xin cầu mong hương hồn Lợi sớm được về cõi an lành.

Em đã đi rồi bỏ cuộc chơi,
Bỏ lại nơi đây chốn chợ đời.
Không lo, không nghĩ, không phiền não,
Thân cử thênh thang bước thảnh thơi !
Nợ đời trả hết thôi vương vấn,
Em thoát đi về cõi sáng tươi !
Mặc Xuân hoa nở bao rộn rã,
Bỏ lại nhân gian tiếng khóc cười !!!


Thầy và cô Trinh Cát (May 6, 2020)


Buổi họp mặt của nhóm cựu hs PTG nk 68-75 với gđ Cô Trinh Cát (Texas, 2016)


Ngày 7 tháng 5 năm 2020, nhóm bạn PTG 68-75 của chúng tôi đã nhận được email của Thầy Phạm Khắc Trí (Dallas, Texas, USA) như sau:
Các em quý mến,
Đêm qua vào ptg1968-75 trong facebook mới hay tin buồn Lợi mất ̣ Còn nhớ mới đây thôi, buổi tối tiền đại hội PTG-ĐTĐ ở Phoenix Arizona lần thứ 2, Lợi đã cất công tìm gặp và dẫn vợ lại chào thầy cô rồi sau đó lại chờ buổi dạ tiệc tan, hai vợ chồng Lợi lái xe đưa thầy cô trở về khách sạn, nhất định không cho thầy cô đi về bằng xe bus đưa đón của ban tổ chức mặc dù sáng sớm hôm sau vợ Lợi phải có mặt ở phi trường Los Angeles cho kịp chuyến bay về Việt Nam thăm nhà ̣
Thấy được cái tình nghĩa của Lợi đối với một người thầy cũ ̣Thương lắm ̣
Cho thầy được cùng các em chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện cho linh hồn Lợi sớm được siêu thoát để về an nghỉ đời đời nơi Cõi Phật ̣
PKT 05/06/2020 Tri Khac Pham
Phamid1934@gmail.com

Và những lời tâm sự của bạn Đặng Hoàng Tân (bên Úc) dành cho Lợi như sau:
Vĩnh Biệt bạn PHAN CÔNG LỢI

"Mầy có bạn thân không ? Câu hỏi khá quen thuộc. Câu trả lời là “có, không, nhiều lắm”.
Đấy là tuỳ thuộc vào mỗi con người, còn câu trả lời của tôi là "đã từng có người bạn thân, thân thiết tình bạn bè, nhưng một căn bịnh quái ác đã mang bạn tôi đi khỏi vòng tay của gia đình, bạn bè và tôi, một cách đột ngột và đau đớn.
Cuộc sống thật vô thường, có những người mất đi rồi rồi nhưng tình cảm thì vẫn mãi bền đẹp.
Mất đi một người bạn than, thiệt là rất đau đớn, nhưng mong rằng, cuộc sống của bạn sẽ tốt đẹp hơn nơi miền cực lạc.
- Vĩnh biệt bạn, tôi và các bạn hứa sẽ không quên bạn.


LA THANH KHẢI 12B2




LA THANH KHẢI 12B2 (Tổng hợp và trình bày 24-5-2020)

No comments:

Post a Comment