Sunday, August 30, 2020

 

TƯỞNG NIỆM Bạn Bùi Đức Hòa (1955-2020)
Chủ Nhựt vừa qua ngày 9 tháng Tám, 2020 nhóm bạn đồng môn Phan Thanh Giản Cần Thơ niên khóa 1968-1975 của chúng tôi bỗng nhận được một tin nhắn Viber ngắn gọn như sau:
☆TIN BUỒN BẤT NGỜ:
Vừa nhận tin từ bạn Lư Thân cho hay bạn Bùi Đức Hòa (Hòa chả lụa) vừa mất.Bạn Trung = Tây Phong Cần đang liên lạc với gia đình và sẽ sớm có tin chi tiết.Buồn ghê và thật là bất ngờ, nghe nói bị ung não và đi rất nhanh.~ Đức cá.
Đúng là đột ngột và bất ngờ, vì cách đây không lâu bạn Bùi Đức Hòa hiện cư ngụ với vợ con ở thành phố Denver, tiểu bang Colorado, Hoa Kỳ vẫn thường xuyên liên lạc với bạn bè trên trang facebook của nhóm PTG 68-75 và hàng năm bạn Hòa hay về Cần Thơ thăm viếng mẹ già và gia đình (trước kia có lò làm chả lụa) ở đường Huê Viên.
Lần nào về Cần Thơ bạn Hòa cũng dành thời gian thăm bạn bè đồng môn trong nhóm. Gặp nhau để chuyện trò, tâm sự, cà phê, bia rượu với nhau nên ai ai cũng quý mến, thân thiết với Hòa, dù mới gặp bạn ấy lần đầu. Càng lúc Hòa càng kết thân thêm với nhiều bạn mới. Trở về Mỹ, bạn Hòa vẫn bận rộn với công việc chuyên môn của anh, vì anh là một nhân viên thuộc Bộ Nội vụ Hoa Kỳ (United States Department of the Interior, viết tắt là DOI) và sinh hoạt trong tiểu gia đình của anh với cô vợ trẻ và đứa con trai dễ thương tên Henri vừa tròn 7 tuổi.
Có một yếu tố tâm linh rất kỳ lạ trong việc bạn Hòa từ giã cõi đời. Một ngày nọ bỗng dưng hai người bạn của Hòa là anh Lư Thân và anh Trương Đình Thảo (ở tiểu bang khác bên Mỹ) bàn nhau kêu điện thoại cho Hòa để nói chuyện chơi, sau một thời gian xa cách. Nhưng người trả lời bên kia đầu giây lại là chị Dung (bà xã của Hòa). Chị Dung cho biết anh Hòa vừa mới mất 2 hôm trước (ngày 6 tháng 8), nhưng chị không có cách nào liên lạc với các bạn của anh Hòa, vì chị không biết số mật mã để mở khóa điện thoại riêng của Hòa. Khi anh Lư Thân tình cờ gọi đến, thì chị bấm máy trả lời được liền. Nhờ vậy, anh Lư Thân mới biết tin và nhắn về quê nhà Cần Thơ cho bạn Đức và các bạn khác biết tin buồn này. Chị Dung cho biết thời gian xảy ra chỉ hơn một tuần kể từ ngày bạn Hòa phát bịnh đến khi bạn hôn mê rồi lìa trần.
Cũng rất tình cờ khi cách đây 4 năm, bạn Trung đã liên lạc được với 2 bạn đồng môn, đồng song là Bùi Đức Hòa và Phan Công Lợi. “Mình ba đứa hôm nay gặp nhau. Nâng ly cà-phê ngát mùi hương ngọt ngào. Chiều thu về gió lạnh đìu hiu…” như lời một bài hát quen thuộc ngày xưa. Thì ra, có 3 người bạn chung trường PTG đang ở cùng một thành phố Denver nhiều năm mà bây giờ (2016) mới có dịp mừng vui tái ngộ. Từ đó về sau là những lần họp mặt với bạn bè, thầy cô ở những tiểu bang khác khi nào có dịp gặp nhau. Vui nhứt là lần hai bạn Nguyễn Văn Đức và Nguyễn Sĩ Ân từ Việt Nam sang Mỹ du lịch và tham dự đám cưới con gái của bạn Trung. Năm người bạn thân thời trung học lại có nhiều lần “trắng đêm tâm sự” khi ngồi bên nhau.



Ngày 29 tháng tư năm nay, nhóm bạn PTG 68-75 của chúng tôi đã bất ngờ nhận được tin bạn Phan Công Lợi từ trần sau những tháng ngày chống chọi với cơn bịnh hiểm nghèo. Nay thêm một người bạn lại vội vã ra đi không lời từ biệt. Vì vậy bạn Ngô Thiện Trung đã đau buồn tâm sự trên trang facebook riêng như sau:
“Bạn học chung trung học, mới 100 ngày trước đã đi một đứa, bây giờ thêm đứa nữa. Hai người bạn chung trường, chung lớp từ nửa vòng trái đất qua đây ở chung thành phố, tưởng sẽ được gần nhau vui hưởng tuổi già... nhưng cái hạnh phúc đó bổng nhiên đã vụt mất cái vèo. Đời này vô thường, bất công, cái mình muốn đôi khi khó giữ được như ý.” (11-8-2020)
Một người bạn khác, anh Đặng Hoàng Tân từ Miền tây nước Úc cũng viết cảm nghĩ của anh (10-8-2020):
BẠN TÔI VỪA QUA ĐỜI VÌ UNG THƯ
- Con người ai cũng một đời để sống và một lần để chết ,nhưng sống để được mọi người thương yêu và chết để được mọi người luyến tiếc mới là điều đáng nói.
-Tôi vừa mất đi một người bạn tri kỷ trong cuộc đời ,và khi bạn nằm xuống tôi mới biết được rằng ,chính bạn là mẫu người mà tôi diễn tả, đó là bạn BÙI ĐỨC HOÀ.
-Thôi, Vĩnh biệt bạn BÙI ĐỨC HOÀ. Hãy cứ thản nhiên tiếp tục ngày tháng rong chơi thanh nhàn như lá số tử vi của bạn.
Good bye my friend !!!!!!!
Nhiều bạn thắc mắc ở câu chót của bài cảm tưởng: không biết làm sao mà bạn Tân biết được lá Số Tử Vi của bạn Hòa nói gì trong đó?
Riêng bạn Loan Anh (12C) thì có những lời tâm sự đầy tiếc nuối như sau:


Bạn Lê Hoàng Trung ở Cần Thơ cũng ghi cảm nghĩ trên facebook như sau:
Đã đến lúc rồi sao ?
Trong vòng nửa tháng mà hai người bạn thân ra đi với căn bệnh cuối đời : nan y!
Hai cây cổ thụ của nhóm chúng tôi, một trong thành phố tôi ở và một ở Mỹ xa xôi...vừa bật gốc!
Tuy không cùng lớp cùng khoá với các anh nhưng trong tiếp xúc với các anh cho chúng tôi những tình cảm, những trải nghiệm cuộc sống và là anh em trong vòng tay lớn, vòng tay thân ái!
Mỗi người, mỗi hoàn cảnh nhưng nhóm học sinh chúng tôi chưa từng thấy chiến trường khốc liệt, chưa từng được tôi luyện và cái cảm giác xa rời xã hội như các anh!
Còn các anh những năm tháng đi trước chúng tôi, có một chút oai hùng, một tính đồng đội có được trong cái lãng mạn chuyển tiếp cho các anh có những giây phút cứng rắn, bạc bẽo và vô vị… để lại cho chúng tôi những kinh nghiệm của cuộc sống, một nuối tiếc khi chưa lo cho những đứa con còn thơ dại...
Đời là như thế, dẫu sao chúng tôi cũng còn gia đình, chúng tôi cũng phải lo toan nhưng còn hơn các anh, ít tủi hơn và vẫn còn hy vọng...thân chào các anh!
Mong các anh sẽ gặp lại nhau trong niềm hạnh phúc miên viễn, nơi không có chiến tranh, đắng cay và thù hận!
Những người bạn cùng thụ huấn quân sự ngành Không Quân ở Nha Trang (1972)
Đọc những lời tâm sự của bạn Lê Hoàng Trung làm tôi nhớ lại quãng đời niên thiếu của bạn Bùi Đức Hòa. Đó là “Mùa Hè Đỏ Lửa” năm 1972, cao điểm của cuộc chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam cận đại. Niên khóa của chúng tôi đã có hàng trăm đứa bạn học xong lớp 9 phải trình diện lên đường nhập ngũ theo lịnh Tổng động viên. Những bạn học cùng lớp 9A2 của tôi đã rời trường đăng lính gồm có Phan Quang Anh, Nguyễn Thành Nam, Nguyễn Văn Danh, Nguyễn Văn Phụng, Vũ Minh Thông, Nguyễn Văn Tư, Mai Vi Linh, Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Thanh Phong... và còn nữa mà tôi không nhớ hết tên và có những bạn, tôi chưa từng gặp lại lần nào.
Trong khi ấy bạn Bùi Đức Hòa (lớp 9A4) cũng xin gia nhập ngành Không Quân vào tháng 12 năm 1972 và học chuyên ngành kỹ thuật “Thủy Điều” (Tức là kiểm soát mực nước màu đỏ trong cơ phận máy bay) cùng khóa với bạn Nguyễn Thành Nam (kỹ thuật “Phi Trang”) Không Quân hoặc Trương Hữu Điều (cũng Không Quân, tổng quát). Ra trường bạn Hòa phục vụ ở phi trường Tân Sơn Nhứt cho đến đầu năm 1975. Bạn Hòa là chuyên viên kỹ thuật "Thủy Điều" của Vận tải cơ C-130 (theo lời kể của bạn Nam “Phi Trang”).

Mùa Thu năm đó, 1972, những người bạn của tôi đã “vào đời manh áo chiến, lúc tuổi còn xanh” (lời bài hát Chiều Thương Đô Thị). Vì chỉ mới học xong lớp 9 hoặc mới vào lớp 10 vài tháng (như Phạm Ngọc Nam, 10B3), nên đa số các bạn đều mang lon Binh Nhất, Hạ Sĩ, Trung Sĩ… trong thời gian không đầy 3 năm thì “giã từ vũ khí” khi chính quyền của Tổng Thống 3 ngày Dương Văn Minh ra lịnh buông súng đầu hàng trưa ngày 30-4-1975.

Sau ngày “Giải Phóng”, nhóm bạn mình đã lần lượt trở về quê cũ, trình diện “học tập” tại địa phương trong 3 ngày hay 1 tuần và quên đi dĩ vãng chiến tranh, chiến trường máu lửa, để tìm mọi cách mưu sinh, quen dần với chế độ mới. Có bạn trở lại cố hương , lập gia đình, tìm đường lánh nạn. Có bạn tìm cách vượt biên, vượt biển ra đi để thoát khỏi "bức màn tre" đang bao trùm đất nước.
Trong khi đó, không ai biết là bạn Bùi Đức Hòa đang lâm vào tình trạng hoàn toàn khác biệt. Thời gian đó (30-4-1975) bạn Hòa đang bị giam cầm trong một trại “Tù Binh Chiến Tranh” ở rừng thiêng nước độc thuộc tỉnh Quảng Nam (?).
Lý do là vào tháng 3 năm 1975, bạn Hòa được cử đi công tác ở phi trường Đà Nẵng và khi thành phố Đà Nẵng thất thủ ngày 29-3-1975, bạn Hòa đã bị bắt giam như là một “tù binh chiến tranh”.
Theo một bài báo sau này đã kể lại những ngày tang thương ấy như sau:
“Mặc dù Quân đoàn I ban lệnh ứng chiến tại các tuyến phòng thủ, nhưng chiều 28-3-1975, các xã ấp quanh Đà Nẵng đã lọt vào tay Quân giải phóng; lực lượng địa phương quân, nghĩa quân tan rã, binh sĩ các binh chủng rã ngũ rời đơn vị, phi trường và căn cứ hải quân bị pháo kích rất dữ dội. Trước tình thế đó, tướng Ngô Quang Trưởng vội báo cáo về Bộ Tổng tham mưu và gọi cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu xin được di tản bằng đường biển, và đến 22 giờ tối 28-3-1975 thì ra lệnh bỏ Đà Nẵng.
Ngày 29-3-1975, hồi 5 giờ 55 sáng, cứ điểm phòng thủ vòng ngoài cuối cùng của quân đội Sài Gòn phía nam Đà Nẵng là Vĩnh Điện bị Quân giải phóng đánh chiếm. Đến 6 giờ 30, các cụm chốt trên đèo Hải Vân của quân đội Sài Gòn bị tiêu diệt. Quân giải phóng tràn xuống đánh chiếm kho xăng Liên Chiểu, cầu Nam Ô, cầu Trịnh Minh Thế, mở đường cho xe tăng tiến ra bán đảo Sơn Trà và quân cảng Tiên Sa. Sương mù bao phủ dọc theo bờ biển, ngoài khơi các tàu di tản đã có mặt ở điểm hẹn, nhưng thủy triều thấp không vào bờ được nên quân đội Sài Gòn di tản phải lội ra biển dưới làn pháo của Quân giải phóng. Khoảng 6.000 lính Thủy quân lục chiến, 3.000 lính Sư đoàn 3 Bộ binh và lính của những đơn vị khác lên được tàu cùng với dân di tản.
Tướng Ngô Quang Trưởng lệnh cho Sư đoàn 1 Không quân dùng 4 phi đội A-37 đánh sập cầu Bà Rén và cầu Câu Lâu, nhưng không cản được Quân giải phóng vượt sông bằng xuồng, ghe, bè. Lúc 9 giờ 30, trước nguy cơ thua cuộc đã gần kề, tướng Ngô Quang Trưởng và các chỉ huy cao cấp của quân đội Sài Gòn còn lại tại Quân khu I đã dùng trực thăng ra tàu HQ-404 chạy về Sài Gòn.
Đến 12 giờ ngày 29-3-1975, Quân giải phóng chiếm được Sở chỉ huy Quân đoàn I. Tất cả các mục tiêu quan trọng như Tòa Thị chính, sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, Đài Phát thanh, Ty Cảnh sát, Ngân hàng Quốc gia, Trụ sở Quân tiếp vụ đều lọt vào tay cách mạng.
Chiều hôm đó, các đơn vị Quân giải phóng có thiết giáp đi cùng lần lượt tiến vào Đà Nẵng và trật tự được lập lại trong thành phố. Có gần 90.000 sĩ quan, binh lính quân đội Sài Gòn và nhân viên dân sự của Việt Nam Cộng hòa không di tản được đã ra trình diện chính quyền quân quản.(Theo Báo Đà Nẵng)
Gặp lại nhau những năm sau này, nhóm bạn PTG 68-75 mới biết, sau ngày Đà Nẵng thất thủ bạn Bùi Đức Hòa đã ở tù cộng sản hơn 2 năm, dù lúc ấy bạn chỉ là một Hạ Sĩ Quan. Rất ít khi nào bạn Hòa tâm sự về những ngày ở “Địa Ngục trần gian” ấy. Nhưng tôi cũng tìm đọc được một bài hồi ký của một cựu quân nhân VNCH ở vào trường hợp tương tự như của bạn Hòa vào những năm 1975-1977 như sau (xin trích):
“Chúng tôi đi đến ngày thứ 3 thì đến một trại trước kia là mật khu của chúng. Trại này nằm trong rừng sâu (…).Thế là chúng tôi lần lượt vào trại. Sĩ Quan đều bị đem đi cùm, từ Thiếu Úy trở lên là bị cùm. Số lượng SQ bị bắt mỗi ngày một đông, chúng thả cấp nhỏ, cùm cấp lớn. Bắt được Đại Uý cùm Đại Uý thả Thiếu Uý. Cứ như là cấp số cộng.
Vì trại nằm trong rừng sâu, lam sơn chướng khí. Tổng số binh sĩ bị bắt vào thời điểm cao nhất ở đây có thể lên đến cả ngàn người, nhưng sau hơn 4 tháng, số tử vong lên đến cả trăm. Sốt rét chết, đói mà chết, bị đánh mà chết. Các đơn vị bộ đội cộng sản ở đây đa số đều là những cán binh CS trở về từ Côn Đảo, lòng nung nấu thù hận. Họ muốn trả những trận đòn thù trên các người lính Cộng Hòa còn chút sĩ khí đã ở lại chiến đấu để bảo vệ quê hương.
Ở đây khí hậu chưa có một nơi nào dễ sợ hơn. Danh từ sơn lam chướng khí thật là đúng nghĩa của nó. Các nhà giam (lán) được cất dưới những tàng cây cổ thụ, suốt ngày ít khi thấy ánh sáng mặt trời, sương buổi sáng rất nặng và dày đặc, 9 hay 10 giờ mới thấy mặt trời, máy bay thám thính cũng chỉ thấy toàn màu xanh của rừng. Khoảng hơn tháng đầu chúng chưa cho đi làm, mỗi ngày chỉ phát hai nắm cơm bằng một bát trung bình, vơi chứ không đầy, mì khô hết 80%, vài hột gạo có thể đếm được, tất cả chúng tôi đều đói và sốt rét.
Ở đây trung bình một tuần sốt rét 3 lần. Sốt thì nằm, dậy được thì đi lao động, xuống trạm xá khai bệnh, cặp nhiệt độ 40 độ C, cho vài viên Nivaquine, 39 độ trở lui, thì chúng cho uống một thứ rễ cây tên là “mật nhân”. Trên đời này chưa có thứ nào đắng như thứ này, uống xong quay đi là nôn thốc, nôn tháo, nôn đến mật xanh, mật vàng, lần sau sốt hoặc nằm liệt không dám khai bệnh nữa, hết sốt thì dậy đi làm.
Con người thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng, sốt rét triền miên, nên chúng tôi trong như những thây ma còn sống. Da mặt thì vàng bệt, xám ngoét, mắt trũng sâu, chân đi siêu vẹo, quần áo tả tơi. Ôi! chúng tôi thật là tới tận cùng của địa ngục. Chúng tôi nào có tội tình gì, chỉ biết cầm súng bảo vệ quê hương không có một ý đồ bất chính, không có một tham vọng nào làm tổn thương đến giá trị vật chất hay tinh thần của con người, tại sao chúng tôi lại phải bị trừng phạt một cách khủng khiếp như thế? Có những lúc tuyệt vọng, anh em nói đùa: “Chúa hay Phật gì cũng bỏ chạy hết rồi còn đâu mà cầu nguyện.”
Sau hai năm trong trại giam “Tù binh chiến tranh” ở miền Trung, bạn Hòa đã được thả về với gia đình ở Cần Thơ và sau đó bạn Hòa đã vượt biên thành công đến đảo tỵ nạn và đi định cư ở Hoa Kỳ (khoảng năm 1979). Trên đất Mỹ, bạn Hòa tiếp tục con đường học vấn đã bị dỡ dang nhiều năm và bạn đã thành công nơi đất nước tự do, văn minh tiến bộ bậc nhứt trên thế giới.
Nhưng sau khi lập gia đình, có một đứa con trai thì hôn nhân của bạn Hòa gãy gánh giữa chừng. Chia tay nhau, đường anh anh đi, đường em em đi, tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi?
Trở về quê hương mang theo nỗi buồn viễn xứ, bạn Hòa quyết định làm một chuyến hành trình về nơi anh được sinh ra (miền Sông Hương, núi Ngự), tìm thăm “ông Thầy” cũ, tức là đàn anh niên trưởng, cấp chỉ huy trong quân đội cách đây hơn 40 năm. Lúc ấy, “Ông Thầy” của anh đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn, nghiệt ngã của cuộc đời và vui mừng cảm động khi gặp lại anh Hòa. Ước muốn đơn giản sau cùng của ông là mong Hòa “giúp đỡ” cho người con gái út còn độc thân của ông. Tuân theo lời khuyên của người Thầy cũ, bạn Hòa đã xin cưới và bảo lãnh cho chị Dung sang Mỹ và hai người đã sống một cuộc sống hạnh phúc trong gần 10 năm nay với đứa con trai kháu khỉnh Henri mà Hòa hay cho đăng hình trên trang facebook của mình.
Riêng tôi, kể từ năm 1972, tưởng đâu tôi không còn có cơ hội nào gặp lại bạn Hòa vì mỗi đứa định cư một nơi ở hai đầu Nam, Bắc bán cầu. Thỉnh thoảng chỉ liên lạc qua trang facebook mà thôi.
Nhưng rất tình cờ ngày 13 tháng 1 năm 2017, tôi đã may mắn gặp lại bạn Hòa trong bữa tiệc ở Du Thuyền Bến Ninh Kiều do các bạn PTG 68-75 khoản đãi nhân dịp lần đầu tiên bạn Phương Liên từ Canada về thăm quê hương. Đó là lần họp mặt thật vui vẻ, tràn đầy kỷ niệm của các bạn với những tâm sự kể hoài không hết.
Sau này, tôi vẫn thường đọc những chia sẻ của bạn Hòa trên facebook về những ưu tư của bạn trước thời cuộc, quê hương. Bạn Hòa thường nhắc về những giá trị nhân văn, nhân bản thời trước 1975 và thỉnh thoảng bạn cũng làm vài bài thơ ngắn được nhiều người khen ngợi. Nhưng không hiểu sao trang facebook cá nhân cũ của bạn Hòa bị bạn xóa bỏ hay khóa lại, khiến cho không ai có thể tìm được những bài thơ bạn sáng tác tùy hứng trong vài năm qua. Bây giờ bạn xài facebook “Đức Hòa” là facebook mới, cho đăng hình khoảng 2 năm gần đây mà thôi.






Tháng Giêng năm 2019, khi đang ở thăm Cần Thơ, bạn Hòa vui vẻ báo tin là bạn vừa nhận được bản photocopy của tập truyện ngắn “Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại” của Văn Phụng Mỹ (tức nhà văn Trang Thế Hy : 1924-2015) xuất bản năm 1964 ở Sài Gòn do bạn Lê Thuần Phong trao tặng. Xin nhắc lại là từ nhiều năm nay, khi có dịp thảo luận văn thơ với bạn bè, bạn Hòa vẫn say mê nhắc lại truyện ngắn kể trên do Thầy Mai Bá Qui giới thiệu trong giờ Việt Văn năm lớp đệ Lục (niên khóa 1969-1970) PTG và cho đó là một tuyệt tác của văn chương miền Nam.

Tôi rất tò mò, vì chưa lần nào đọc được truyện này, tuy đã hứa với Hòa sẽ truy tìm trên internet, sách xưa, nhưng không sao tìm được. Nay tôi rất vui mừng, khi biết tin bạn Hòa đọc được truyện này và nhắn tin (ở messenger) xin bạn chụp hình cho tôi một bản. Bạn Hòa liền trả lời như sau (Viết ở Cần Thơ qua Facebook messenger):
Khải ơi, Trở lại Mỹ, tôi sẽ gửi bạn một copy. Ngày xưa tụi mình chỉ thích chuyện (Vầng trăng bên kia sông) qua thầy Qui. Bây giờ đọc lại hết, mới nhận ra và đồng ý với Phong, trong tập truyện Nắng Đẹp Miền Quê Ngoại, chỉ có chuyện “Vừng trăng bên kia sông” là hay, còn những câu chuyện khác, điều nặng tuyên truyền. (Tác giả là dân nằm vùng).
Bùi Đức Hòa (7-1-2019)



Nhưng sau khi trở lại Mỹ, bạn Hòa đã quên luôn, không gởi cho tôi bản scan truyện ngắn “Vầng Trăng Bên Kia Sông” như lời bạn hứa cho riêng tôi.
Ngày 17 tháng 1 năm nay (2020), tôi lại có dịp trở về Cần thơ một đêm, gặp lại nhiều bạn bè trong nhóm, ngủ trọ ở nhà bạn Đức cùng với Nguyễn Văn Tân, Nguyễn Khắc Trường và Dương Thanh Hòa. Bên ly rượu ở ngoài ban-công nhà Đức, chúng tôi tình cờ nhắc đến bạn Hòa, nhắc đến thân mẫu bạn Hòa đã 94 tuổi “gần đất xa trời” mà mỗi năm Hòa thường về thăm. Tôi lại nhắc về tập truyện ngắn mà Hòa say mê. Không ngờ bạn Đức nói “Thằng Hòa nó đã gởi tui cất giữ cuốn truyện này ở đây, ở nhà tui, vì nó nói nó đọc xong rồi, không cần mang theo về Mỹ. Để ở đây, có khi nào bạn bè cần đọc thì ghé đây mà đọc”. Tui nói vậy để tui kiếm đọc hoặc chụp hình mang theo về đọc. Rốt cuộc, lo nói chuyện, rồi hôm sau về quê, lên Sài Gòn… Tôi quên luôn, đến nay vẫn chưa đọc được truyện này để có dịp chia sẻ, trao đổi nhận xét với Bùi Đức Hòa thì bạn mình đã sớm ra đi.





Xin vĩnh biệt bạn hiền như lời của bạn Ngô Thiện Trung đã tường trình với mọi người sau khi đi đưa đám tang bạn Hòa ngày 12-8-2020 như sau:
In memory of Bùi Đức Hoà (1955-2020)
Hôm nay tôi và Bích là bà xã của đồng môn Phan công Lợi đại diện cho nhóm CHS Phan Thanh Giản Cần Thơ niên khoá 68-75 đến tiển đưa đồng môn Bùi đức Hoà về miền tiên cảnh.
Gần đây, mặc dù chúng ta có mất một vài người bạn vội đi nhưng chúng ta vẫn còn rất nhiều người bạn dễ thương. Còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu nha anh chị em, xin hãy trân quí nhau và vui chơi xả láng nha các bạn.
Nguyện cầu cho hương linh của bạn Bùi đức Hoà sớm tới được miền tiên giới cảnh.
R.I.P buddy!!

Trong tuần qua, đã có rất nhiều lời phân ưu, chia buồn trong trang facebook Tưởng Niệm bạn Bùi Đức Hòa của thân hữu khắp nơi. Đáng chú ý nhứt là cảm tưởng của cô Trinh Cát dành cho tang quyến và nhóm bạn PTG chúng ta như sau:
Cùng các em còn lại, tuổi đời chúng ta chẳng khác nào một chiếc xe cũ, có thể hư bất cứ lúc nào. Nếu được gìn giữ và thăm khám sớm khi có bệnh hoặc định kỳ hàng năm hay sáu tháng, thì "chiếc xe cũ" sẽ có cơ hội được sửa chữa và sống bền bỉ hơn. Hãy thương mình và như thế cũng là thương những người thân yêu chung quanh đó.
Sự ra đi nào cũng buồn thảm và càng buồn thảm hơn khi người quá cố gần như mất đột ngột trong một thời gian rất ngắn và để lại vợ trẻ con thơ!
Đó là trường hợp của em Hòa. Nhưng em cũng may mắn có được bạn bè tốt đã hết lòng lo lắng cho em những giây phút cuối cùng!
Xin cầu chúc em sớm được về cõi Phật và xin chân thành chia buồn cùng gia đình. (cô Trinh Cat Pham, FL, USA)


La Thanh Khải Biên Soạn & Trình bày < Melbourne 17.8.2020>

No comments:

Post a Comment