Sunday, August 30, 2020

 

Vĩnh Biệt Thầy Phan Thông Hảo (1937-2020)
Thanh Khải·Thursday, 14 May 2020·19 minutes264 reads
Trưa hôm nay, các bạn cựu học sinh Phan Thanh Giản Cần Thơ niên khóa 1968-1975 đã loan báo với nhau một hung tin:
Thầy Phan Thông Hảo vừa từ trần ngày 13 tháng 5 năm 2020 tại tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, hưởng thọ 84 tuổi.
Một tin thật buồn và khá bất ngờ cho nhóm cựu học sinh PTG chúng tôi. Thầy Phan Thông Hảo là một trong những vị giáo sư rất nổi tiếng ở trường Phan Thanh Giản từ những năm 1969 đến 1975, được nhiều thế hệ học trò yêu mến và kính nể. Khoảng năm 1973 Thầy Hảo làm Phụ Tá Giám học và là một trong những giáo sư đã vận động thành công việc dựng lên pho tượng cụ Phan Thanh Giản ngay giữa sân trường và được long trọng làm lễ khánh thành vào ngày 28-9-1974. Ban vận động dựng tượng cụ Phan gồm có Thầy Hiệu Trưởng Võ Văn Trí, Thầy Giám Học Lê Văn Quới, Thầy Phan Thông Hảo, Thầy Nguyễn Văn Đối và Trung Tá Lê Văn Giàu, Quận trưởng quận I Cần Thơ.


Các bạn học lớp 9P1 và 9P2 ban Pháp Văn niên khóa 1971-1972 vẫn còn nhớ nhiều về kỷ niệm một ngày Chủ Nhựt đầu năm 1972, Thầy Phan Thông Hảo và phu nhân của Thầy đã hướng dẫn 11 đứa học trò đạp xe lên Bình Thủy để tu sửa ngôi mộ của cụ Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa cho khang trang hơn sau nhiều năm trở thành hoang phế. Sau này bạn Nguyễn Văn Quyền đã viết một bài dài kể lại chuyến đi này và đăng trên Đặc san Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm hải ngoại năm 2002 như tấm hình dưới đây:
Năm 2011, khi có dịp liên lạc được với một bạn học cũ tên là Cần Minh An học lớp 9P2 hiện đang ở Boston, Hoa-Kỳ, đã nhớ lại nhiều chi tiết khá thú vị về Thầy Phan Thông Hảo như sau:
-Tôi là một trong những học sinh PTG đợt đầu tiên đi trùng tu mộ cụ Thủ Khoa Nghĩa do thầy Phan Thông Hảo đề xướng và tổ chức (năm 1972). Theo thầy Hảo, cụ Thủ Khoa Nghĩa là một nhà trí thức có tấm lòng yêu nước chống Pháp khi còn sống, nay mất rồi mộ phần không được chăm sóc và không rõ con cháu ở đâu, nên thầy kêu gọi học sinh đi “tảo mộ”.
-Cũng trong năm học ấy, thầy Hảo dẫn các học sinh đến viếng thăm nhà máy làm nước ngọt BGI, cạnh bên Dinh Tư Lệnh, chỗ cầu Cái Khế, phía bên kia cầu là Tiểu khu Phong Dinh. Ông Tây quản lý nhà máy này đã dẫn đi vòng vòng cho coi, cũng như giải thích từng giai đoạn trong việc chế biến “xá xị”. Dĩ nhiên là cho uống thử rồi. Hình như khi ra về mỗi em có được một món quà nhỏ lưu niệm (tôi rán nhưng giờ chẳng nhớ ra là cái gì).
-Tuy học Pháp văn sinh ngữ I, nhưng không một thằng nào hiểu ông Tây nói cái gì hết, nên thầy Hảo là người thông ngôn trong suốt cuộc viếng thăm này.
-Nhớ khi ông Tây hỏi tại sao không dùng chất hơi CO mà dùng CO2 trong việc chế biến nước ngọt, cả đám “ngọng” hết trọi. Thầy Hảo đã đỡ đòn cho đám học trò “dốt” về Hoá học của mình. Đầu tiên, thầy nói tiếng Pháp với ông Tây rất lịch sự là ông cho tôi thử trả lời câu hỏi này? Ông Tây cười và trả lời là được. Kế tiếp thầy Hảo mới nói là không dùng CO vì đó là khí độc. Ông Tây vỗ tay và nói “tres bien”. Nhờ vậy, lúc ấy tôi mới hiểu thấu cái câu “Ếch ngồi đáy giếng”.
-Thầy Phan Thông Hảo là người tôi trọng nể, vì thầy có trước có sau biết tri ơn, cụ thể là việc trùng tu lại mộ Cụ Thủ Khoa Nghĩa. Thầy và Ba tôi ngày trước có thời gian làm chung ở trại Lê Lợi, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Sau này thầy được biệt phái về dạy học tại trường Phan Thanh Giản vào đầu năm 1969. Cấp bậc thầy lúc tại ngũ trong Quân Lực VNCH là Đại úy Phan Thông Hảo (1963-1968).
Riêng lớp 12B2 của chúng tôi niên khóa 1974-1975 đã hân hạnh được Thầy Phan Thông Hảo dạy môn Pháp văn sinh ngữ phụ. Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội nghe Thầy giảng bài trong lớp và cho bài làm. Thầy Hảo đi đứng trang nghiêm và có tác phong của một quân nhân, nên cả lớp đều im phăng phắc, chăm chú nghe giảng vào mỗi giờ học của Thầy. Nghe nói tiếng Pháp của Thầy rất đúng giọng Paris. Thầy giảng bài rất rõ ràng, dễ hiểu và khi cho bài thi viết, dịch một đoạn văn ngắn (Pháp-Việt) cũng khá dễ và môn thi vấn đáp cũng không khó lắm (thí dụ chia một vài động từ quen thuộc). Hầu như các bạn trong lớp đều đạt điểm trên trung bình hoặc đứng hạng khá cao ở các kỳ thi bán niên.
Thầy có mở lớp dạy thêm môn Pháp văn buổi tối tại nhà Thầy ở đường Nguyễn Trải, nhưng tôi chưa từng đến đó học lần nào nên cũng không biết gì bên trong nhà Thầy và gia đình Thầy.
Sau năm 1975 nghe nói Thầy bị bắt đi “học tập cải tạo” cùng nhiều giáo sư khác như Thầy Hiệu trưởng Võ Văn Trí, Thầy Mai Bá Qui, Thầy Nguyễn Đình Sửu vì có gốc là Sỹ quan biệt phái VNCH. Từ đó đến nay tôi chưa từng gặp lại Thầy Hảo lần nào.
Sau này có dịp lang thang trên mạng internet, tình cờ tôi đọc được một bài viết của chính Thầy Phan Thông Hảo kể lại những kỷ niệm của Thầy lúc vừa mới tốt nghiệp Sư Phạm và được bổ về dạy học ở trường trung học Ngô Quyền, Biên Hòa trong 4 năm (từ năm 1959 đến 1963). Sau khi học xong bậc tiểu học ở trường Nam tỉnh lỵ Cần Thơ, Thầy Hảo đã học 4 năm “đệ nhứt cấp” ở Trường College Cần Thơ (niên khóa 1949-1953) trước khi lên Sài Gòn học đến Tú Tài Pháp ở trường Chasseloup Laubat Saigon, rồi Cao Đẳng Sư Phạm SG. Hai năm đầu Thầy dạy Toán, Lý Hóa đệ nhứt cấp ở trung học Ngô Quyền. Năm 1962 trường mở thêm các lớp đệ nhị cấp thì Thầy Hảo chuyên dạy môn Pháp Văn. Thầy dạy theo sách giáo khoa “Cours de Langue et du Civilisation Françaises” của Mauger, nên được học trò thân ái gọi là “Monsieur Vincent”, tức là nhân vật chính trong sách đó.
Trong hồi ức của Thầy Hảo, Thầy đã kể lại chuyện tình của Thầy Cô như sau:
“Trước khi dứt lời, tôi xin được kể cho quí bạn đồng nghiệp cũ và các em học sinh thân yêu của tôi về cái duyên gắn bó đời tôi với đất Bưởi Đồng Nai. Khi ra trường xin đi dạy, có hai chỗ, một ở miền Tây trù phú “ruộng vườn cò bay thẳng cánh, chó chạy cong đuôi” và một ở miền Đông, kém phì nhiêu và khô cằn hơn, xen lẫn với các vườn bưởi Thanh Trà, Năm Roi bất hủ, và núi rừng trùng điệp. Tôi đắn đo, do dự…, nhưng sau cùng, tôi đành chịu thua, đầu hàng trước nụ cười “nghiêng thùng đổ nước” của một người con gái, mà sau này trở thành người bạn đời hơn 40 năm qua của tôi, tại Cù Lao Phố, có con sông Đồng Nai quanh co uốn khúc, có chùa Đại Giác, cầu Thủ Huồng, Chùa Ông do người Tàu Minh Hương lập ra.
Để rồi về sau, khi vào dạy tại Ngô Quyền, giữa một rừng “hoa khôi”, kẻ hèn này đành nín thở, lấy tay che mắt nhìn chỗ khác. Nay, ở tuổi đời xế bóng, đầu đã bạc, với hai hàm răng giả đủ nhai cơm cá, tôi xin “thành thật khai báo trước bình minh” để vừa chọc các bạn và các em cười cho vui, vừa nhắc các em về lẽ vô thường của trời đất, về sự tạm bợ sớm nở tối tàn của cái danh, cái lợi, cái thịnh, cái suy, cái vinh, cái nhục, mà cố gắng giữ tâm thanh tịnh, ráng sống an nhiên tự tại trước mọi phiền não, đổi thay của cuộc đời, có buồn, có vui.
Xin thân ái mến chúc tất cả anh chị em đồng nghiệp cũ và các em học sinh của “Monsieur Vincent” thân tâm luôn an lạc! (Phan Thông Hảo)
(Trích từ Kỷ Yếu Trung Học Ngô Quyền, phát hành ở Hoa-Kỳ năm 2004)
Một thời gian sau khi lập gia đình với cô Kim Chi tại Cù Lao Phố Biên Hòa và vừa dạy xong niên khóa 1962-1963, Thầy Hảo bị động viên vào quân trường Thủ Đức theo học khóa 16 Sỹ Quan Thủ Đức (trong khóa này cũng có Thầy Phùng Quang Lộc từ trường Phan Thanh Giản Cần Thơ thu. huấn). Sau khi mãn khóa , thầy Hảo được Nha Chiến Tranh Tâm Lý chọn và bổ nhiệm Thầy phục vụ tại Quân Đoàn IV trú đóng Cần Thơ là quê nhà của Thầy. Vài năm sau, Thầy được biệt phái trở về dạy học tại trường Phan Thanh Giản Cần Thơ cho đến ngày 30 tháng 04 năm 1975.
Từ ngày rời trường Phan Thanh Giản đến nay, tôi chưa có dịp nào gặp lại Thầy Hảo. Nhưng sau này có một cựu học sinh trường Ngô Quyền Biên Hoà là anh Đào Văn Công hiện ở bên Mỹ (Kentucky) đã kể lại như sau:
Giữa thập niên 1980, gặp lại Thầy sau nhiều năm “tù cải tạo'', Thầy cho biết, thầy đã nộp đơn xin đi Cộng Hòa Trung Phi do ở đó cần một giáo sư dạy Pháp văn. Mười năm sau, đến định cư trên đất Mỹ, chúng tôi vẫn đinh ninh là Thầy ở trên đất Châu Phi.
Trong một lần qua điện thoại , Thầy Phan Thanh Hoài (trường Ngô Quyền) nói có biết Thầy Phan Thông Hảo không ở Trung Phi mà ở Hoa Kỳ. Nhờ có số điện thoại Thầy Phan Thanh Hoài cho, chúng tôi liên lạc được với Thầy Phan Thông Hảo.
Thầy cho biết, khi Tòa đại sứ Cộng Hòa Trung Phi cấp visa cho cả gia-đình đi Trung Phi thì nhà cầm quyền Cộng-sản Việt Nam không cho đi. Ba năm sau, Việt Nam cho đi thì Cộng Hòa Trung Phi không nhận do quá lâu, họ đã tìm được người khác. Cũng đúng thời điểm nầy, chương trình HO bắt đầu và Thầy chuyển hồ sơ qua chương trình nầy, và gia đình Thầy đến Mỹ vào cuối năm 1989. Chúng tôi nói vui là Thầy Phan Thông Hảo đi theo diện HO trừ 1. (Chuyến bay đầu tiên HO1 đến Mỹ đầu năm 1990 )
Nhờ phước đức tổ tiên, thành-phố nơi Thầy định cư lúc đó cần một giáo sư Pháp văn dạy Trung học, Thầy nộp đơn và đi dạy. Cô làm y công ở một bệnh viện và các em vào trường học lại.”

Đặc biệt Thầy Phan Thông Hảo nghiên cứu Phật pháp một cách rất khoa học. Khi khám phá một ý mới, Thầy điện thoại bàn bạc với chúng tôi.
Thầy trò chúng tôi giữ liên lạc cho đến ngày hôm nay tuy cũng có đến hai lần gián đoạn do Thầy vào bệnh viện. Tuy nhiên có cái may là chúng tôi có được số điện thoại của Hòa, con lớn của Thầy, nên nối được liên lạc và biết tin tức của Thầy.


Thủ Bút Thầy Hảo (bên trên)
“Cha em ở một mình, như anh chị biết, hôm đó cha bị té dập mặt vào cạnh bàn, thương tích rất nặng, thêm nữa bây giờ lại hay quên, có hôm, tụi em đến nhà, ngửi mùi khét, thì ra Cha mở bếp nấu , quên đến cháy nồi.”- Diệp, cô con lớn của Thầy nói - Chúng tôi hỏi có thể nói chuyện được với Thầy và được hứa trong vài hôm sắp tới.
Được biết sau khi định cư trên đất Mỹ hơn 20 năm, phu nhân của Thầy Hảo đã bị chứng bịnh Alzheimer và dưỡng bịnh tại WestGate Hills Rehabilitation & Nursing Center. Hàng tuần Thầy Hảo thường vào thăm cô. Nhưng sức khoẻ Thầy cũng bắt đầu suy yếu từ từ, nên đến tháng 3 năm 2013, các bác sĩ khuyên Thầy không nên ở nhà một mình mà xin chuyển vào chung một dưỡng đường với cô (hai người ở hai tầng lầu khác nhau).
Thời gian này (ngày 7-7-2013), nhóm bạn PTG niên khóa 1968-1975 chúng tôi nhận được tin tức và hình ảnh của bạn Lâm Vì (lớp 10C, 11C) từ Canada cho biết vợ chồng bạn đã lái xe từ Canada qua Mỹ thăm viếng Thầy Cô Phan Thông Hảo như đã ghi lại ở LINK sau đây:
Từ đó các bạn mới biết thêm tin tức về gia đình Thầy Cô Hảo và cũng có dịp kết nối tình bạn với anh Phan Thông Hưng là thứ nam của Thầy Hảo trên trang facebook đến tận hôm nay.
Đến ngày 10 tháng 3 năm 2015 thì chúng tôi được tin Cô (Bà Phan Thông Hảo) đã từ trần tại nhà dưỡng lão (tức là Cô Thầy đã ở chung trong viện dưỡng lão này được đúng 2 năm bên nhau).
Trước đó gia đình Thầy đã hưởng những ngày xum họp, vui vẻ bên nhau trong mùa Lễ Giáng Sinh vào đầu năm 2013 như đoạn Video clip sinh hoạt gia đình ghi lại như sau:
Tính cho đến nay sau 31 năm rời khỏi Việt Nam và định cư ở Hoa Kỳ, Thầy Phan Thông Hảo chưa một lần nào quay trở lại quê hương. Nhưng Thầy đã đóng góp biết bao công sức cho 2 ngôi trường Trung học Ngô Quyền (Biên Hòa) và Phan Thanh Giản (Cần Thơ) và những năm phục vụ trong quân đội VNCH, những ngày dạy học tại Trung Học bên Hoa Kỳ sau khi định cư và những năm làm Hội trưởng cho chùa Giác Lâm nơi thành phố thầy nghỉ hưu trong tuổi xế chiều.
Xin nguyện cầu cho hương linh người Thầy yêu quý của chúng con sớm vãng sanh Tịnh Độ và yên nghĩ đời đời nơi cõi vĩnh hằng.
La Thanh Khải 12B2
(13-5-2020)

No comments:

Post a Comment